Chính trị - Xã hội
Cải thiện chất lượng dịch vụ
Hiện nay, việc tiếp nhận và trả kết quả giải quyết thủ tục hành chính qua dịch vụ bưu điện đã được áp dụng rộng rãi trên địa bàn thành phố. Phương thức mới này đem lại nhiều ích lợi cho cơ quan Nhà nước (CQNN), người dân và doanh nghiệp (DN) nhằm giảm bớt áp lực về thời gian cũng như tình trạng quá tải trong công tác giải quyết thủ tục hành chính.
Giải quyết thủ tục hành chính qua đường bưu điện là dịch vụ đem lại sự hài lòng cho nhiều người dân và doanh nghiệp. TRONG ẢNH: Người dân tìm hiểu dịch vụ chuyển phát hộ chiếu qua đường bưu điện tại Phòng Quản lý xuất nhập cảnh. Ảnh: HOÀNG HÂN |
Số lượng hồ sơ tăng
Theo Bưu điện Đà Nẵng (BĐĐN), việc nhận và trả kết quả giải quyết thủ tục hành chính được ngành bưu điện triển khai từ cuối năm 2014. Những ngày đầu đưa dịch vụ này đến người dân thành phố, ngành bưu điện đã gặp nhiều khó khăn do đây là dịch vụ mới, công tác tuyên truyền và quảng bá có phần hạn chế.
Tuy nhiên, với sự ủng hộ của chính quyền thành phố, số lượng người dân sử dụng dịch vụ này đã tăng lên nhanh chóng qua các năm. Nếu như năm 2014 chỉ có khoảng 5.000 bộ hồ sơ hành chính được giao dịch qua đường bưu điện thì năm 2015 đã tăng lên 30.000 bộ hồ sơ và 6 tháng đầu năm 2016 là 32.000 bộ hồ sơ. “Thông qua dịch vụ chuyển phát nhanh hồ sơ thủ tục hành chính công đến địa chỉ theo yêu cầu của công dân đã góp phần hoàn thành mục tiêu cải cách thủ tục hành chính của chính quyền thành phố. Bởi dịch vụ này giảm thời gian thực hiện thủ tục hành chính, tiết kiệm thời gian và chi phí đi lại của người dân”, bà Nguyễn Thị Khánh Nga, Giám đốc Bưu điện Đà Nẵng chia sẻ.
Từ một vài thủ tục hành chính như cấp giấy CMND, giấy phép lái xe, hộ chiếu…, đến nay, dịch vụ này đã mở rộng ra nhiều lĩnh vực khác như tư pháp, đất đai, thu tiền phạt vi phạm giao thông… Đại diện các sở, ban, ngành cho biết, dù số lượng hồ sơ hành chính chuyển phát qua đường bưu điện tăng qua các năm nhưng so với nhu cầu thực tế vẫn còn khiêm tốn.
Theo Phòng Quản lý xuất nhập cảnh, Công an thành phố Đà Nẵng, đơn vị bắt đầu ký hợp đồng với BĐĐN để triển khai dịch vụ chuyển phát hộ chiếu qua đường bưu điện từ đầu tháng 8-2014. Số liệu thống kê cho thấy, trong 2 năm triển khai chuyển phát hộ chiếu qua đường bưu điện, mới có 10% trong tổng số khoảng 48.000 lượt người đến làm hộ chiếu tại Phòng Quản lý xuất nhập cảnh sử dụng dịch vụ này.
Trung tá Nguyễn Vĩnh Hưng, Đội trưởng tham mưu, Phòng Quản lý xuất nhập cảnh, Công an thành phố Đà Nẵng nhận định, việc chuyển phát hộ chiếu qua đường bưu điện đã góp phần làm giảm áp lực cho bộ phận tiếp nhận và trả kết quả cho công dân; tuy nhiên cần phải đẩy mạnh công tác tuyên truyền, sự quan tâm hướng dẫn tại bộ phận một cửa của các CQNN để người dân và DN biết đến dịch vụ này nhiều hơn.
Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin
Theo ngành bưu điện thành phố, việc ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) vào hoạt động giải quyết thủ tục hành chính qua đường bưu điện là hết sức cần thiết. Khi đó, toàn bộ hồ sơ chuyển phát từ CQNN đến tận tay công dân và các tổ chức đều được kiểm soát qua hệ thống CNTT chung rộng khắp cả nước của Tổng Công ty Bưu điện Việt Nam.
Quá trình chuyển phát hồ sơ qua từng bộ phận đều được hệ thống CNTT bưu điện lưu vết từ lúc hồ sơ được phát đi cho tới lúc đến tận tay người dân. “Việc ứng dụng CNTT vào hoạt động này sẽ giúp các CQNN đều có thể giám sát được chất lượng của từng bộ hồ sơ. Khi người dân có vướng mắc thì đây cũng là nguồn thông tin kịp thời để giải đáp một cách chính xác nhất và nhanh nhất”, bà Nga nói. Hiện nay, BĐĐN đã ứng dụng hệ thống CNTT phục vụ cho dịch vụ thu hộ và chi hộ phí phạt giao thông, đồng thời đang cho chạy thử phần mềm điện tử kết nối với ngành bảo hiểm thành phố.
Theo các ngành chức năng thành phố, thời gian qua, một số đơn vị đã triển khai nhận hồ sơ từ các công dân, tổ chức qua một hệ thống một cửa điện tử nhưng thực tế vẫn có nhiều hồ sơ cần phải gửi bản chính về cho các CQNN và ngược lại. Vì vậy theo định hướng của ngành bưu điện thành phố, trong thời gian tới, việc chuyển phát hồ sơ giấy phải gắn chặt với các hệ thống một cửa của các CQNN. Cả 2 hệ thống này sẽ gắn bó chặt chẽ với nhau, chia sẻ dữ liệu và hỗ trợ lẫn nhau để tạo điều kiện thuận lợi nhất cho người dân. Hiện nay, BĐĐN cố gắng triển khai việc phục vụ tích hợp các dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, mức độ 4 cho các CQNN như cấp đổi giấy phép lái xe quốc tế cho Tổng cục Đường bộ, tích hợp với hệ thống lý lịch tư pháp trực tuyến…
Trong thời gian tới, BĐĐN tiếp tục làm việc với các CQNN để mở rộng triển khai các dịch vụ công trực tuyến tích hợp với nền tảng CNTT sẵn có của ngành bưu điện để giảm bớt phiền hà cho người dân và DN. “Khi đó người dân có thể gửi yêu cầu xử lý thủ tục trên hệ thống một cửa điện tử của thành phố, sau đó BĐĐN sẽ nhận thông tin và đến thu gom hoặc phát trả hồ sơ khi có kết quả tại địa chỉ của người dân và DN”, bà Nga cho biết thêm.
HOÀNG HÂN