Chính trị - Xã hội

Nâng cao chất lượng cải cách tư pháp

08:47, 14/10/2016 (GMT+7)

* Sửa luật để quy hoạch, đầu tư du lịch đúng mức

Ngày 13-10, chuẩn bị nội dung cho kỳ họp thứ hai, Quốc hội (QH) khóa XIV, các đại biểu QH thành phố gồm: ông Nguyễn Bá Sơn, Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu QH đơn vị Đà Nẵng; bà Võ Thị Như Hoa, Giám đốc Sở Tư pháp, Ủy viên Ủy ban Pháp luật QH tiếp xúc theo chuyên đề với các cử tri ngành tư pháp thành phố.

Tại buổi tiếp xúc, cử tri ngành tư pháp đã nêu ra những đánh giá, kiến nghị liên quan đến hoạt động tư pháp, thi hành án của thành phố thời gian qua; đồng thời góp ý về dự thảo Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ; Luật Đấu giá tài sản; Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước (sửa đổi).

Về dự thảo Luật Đấu giá tài sản, cử tri Trần Văn Ân kiến nghị, quy định về tiêu chuẩn đấu giá viên nên giảm xuống mức thời gian tương ứng 3 năm đào tạo thay vì phải trải qua thời gian đào tạo có thể lên đến 6 năm như dự thảo luật quy định; đồng thời, cần xem xét các chính sách miễn trừ đối với các đấu giá viên đủ tiêu chuẩn công tác lâu năm tại các cơ quan đấu giá.

Cử tri Trần Văn Ân cũng góp ý về trình tự, thủ tục đấu giá tài sản; theo đó việc quy định về địa điểm, thời gian đấu giá cần thực hiện sau khi đã hoàn thành việc đăng ký tham gia đấu giá tài sản và thực hiện các quy định về tiền đặt trước.

Bên cạnh đó, hầu hết các cử tri tham gia góp ý dự thảo Luật Đấu giá tài sản đều cho rằng, việc thành lập Hội đồng đấu giá tài sản như dự thảo Luật quy định là không cần thiết vì làm tăng thêm bộ máy, gây tốn ngân sách, nhất là khi các địa phương trên cả nước đều có các Trung tâm Dịch vụ bán đấu giá tài sản với cơ sở vật chất được đầu tư, nguồn nhân lực có kinh nghiệm.  

Liên quan đến dự thảo Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ; cử tri Trần Mưu đánh giá, công tác quản lý Nhà nước về sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ trong thời gian qua còn lỏng lẻo, chưa có những quy định cụ thể về các cá nhân, doanh nghiệp, tổ chức chịu trách nhiệm liên quan; cử tri đề nghị cần quy định cụ thể những vấn đề này. Nhiều ý kiến cử tri cũng thống nhất với việc luật nên quy định cụ thể việc trang bị vũ khí hỗ trợ cho lực lượng dự bị động viên và dân quân tự vệ, nhất là trong việc xử lý các tình huống A2 về bảo vệ an ninh chính trị.

Góp ý về dự thảo Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước (sửa đổi), cử tri Trần Đình Quảng cho rằng điểm chung lớn nhất của các trường hợp bồi thường oan sai trong tố tụng hình sự là người bị oan chưa được tạo điều kiện về thủ tục, xác nhận giấy tờ làm căn cứ yêu cầu bồi thường. Nhiều trường hợp người bị thiệt hại gặp khó khăn trong việc yêu cầu bồi thường do không xác định được cơ quan có trách nhiệm bồi thường; qua đó kiến nghị luật nên quy định cụ thể đối với những trường hợp này.  

Cũng tại buổi tiếp xúc, nhiều cử tri bày tỏ trăn trở trước tình trạng vi phạm pháp luật ở các lĩnh vực như: bảo vệ môi trường, an ninh mạng, tài sản giao dịch điện tử... đang có dấu hiệu bùng phát; cơ chế chính sách, tiền lương cho cán bộ tư pháp chưa được cải thiện. Qua đó, đề nghị cần xem xét, tăng mức lương cho cán bộ làm tư pháp ở cơ sở để phù hợp hơn với khối lượng công việc; tăng chế độ bồi dưỡng đối với người tham gia phiên tòa, phiên họp giải quyết vụ việc dân sự; nhất là đối với thẩm phán, hội thẩm, kiểm sát viên, thư ký tòa án...

Những ý kiến, kiến nghị của cử tri được Đoàn đại biểu QH thành phố tiếp thu, ghi nhận và sẽ tổng hợp, trình lên QH trong kỳ họp tới.

QUỐC KHẢI

* Ngày 13-10, Đoàn đại biểu Quốc hội (khóa XIV) đơn vị thành phố Đà Nẵng tổ chức lấy ý kiến của các chuyên gia, nhà hoạt động thực tiễn góp ý dự thảo Luật Du lịch sửa đổi.

Các ý kiến đánh giá Luật Du lịch đã tạo bước chuyển biến quan trọng trong nhận thức về quản lý và phát triển du lịch. Tuy nhiên, trước sự phát triển nhanh chóng của ngành du lịch, nhiều quy định không còn phù hợp với thực tiễn. Mặt khác, Quốc hội đã ban hành nhiều văn bản pháp luật mới, đặc biệt là Hiến pháp mới ban hành cùng với quá trình hội nhập quốc tế mạnh mẽ làm cho nhiều quy định của Luật Du lịch không còn thống nhất trong hệ thống pháp luật, do vậy, cần sửa đổi luật.

Các chuyên gia cho rằng, Đại hội lần thứ XII của Đảng đã xác định du lịch là ngành kinh tế mũi nhọn thì phải coi đây là một phân ngành kinh tế trong hệ thống kinh tế quốc gia để có quy hoạch, đầu tư đúng mức; cần bổ sung thêm quy định trách nhiệm khách du lịch không chỉ tuân thủ pháp luật Việt Nam mà còn tuân thủ pháp luật quốc tế, những quy định quốc tế mà Việt Nam tham gia, ký kết có liên quan đến du lịch. Đồng thời, cần đưa vào luật quy định khuyến khích các tổ chức, cá nhân có trách nhiệm quảng bá du lịch của đất nước, của địa phương mình.

Các ý kiến đồng tình với dự thảo về quy định giảm điều kiện kinh doanh lữ hành từ 5 điều kiện xuống còn 3 điều kiện, nhưng cần bổ sung thêm quy định có 3 năm kinh nghiệm hoặc có chứng chỉ đào tạo du lịch; nên mở quy định đối với hướng dẫn viên du lịch quốc tế có trình độ về ngoại ngữ, kinh nghiệm và chỉ cần qua một cuộc sát hạch để công nhận và cấp thẻ hành nghề. Có ý kiến đề nghị Tổng cục Du lịch chỉ nên đảm nhận việc thẩm tra xếp hạng cho cơ sở lưu trú 5 sao, còn lại để cho địa phương xếp hạng.

Các ý kiến đề nghị chính quyền không cần thiết phải can thiệp sâu, quyết định mô hình tổ chức quản lý khu du lịch quốc gia thuộc địa bàn và điểm du lịch, nếu là của tư nhân đầu tư nên để họ tự quyết định mô hình quản lý.

S.TRUNG

.