.

Nỗi lo trường trăm tuổi xuống cấp

.

Từ nhiều năm nay, do nằm trong vùng trũng thấp so với mặt đường, Trường tiểu học An Phước (xã Hòa Phong, huyện Hòa Vang) phải chịu cảnh ngập lụt nặng nề khi mưa lớn. Một số hạng mục của trường đang xuống cấp, ảnh hưởng đến việc dạy và học, đặc biệt khi mùa mưa lũ đến gần.

Tường phòng học tại Trường tiểu học An Phước ẩm mốc, bong tróc do mưa dột, nước thấm lâu ngày.
Tường phòng học tại Trường tiểu học An Phước ẩm mốc, bong tróc do mưa dột, nước thấm lâu ngày.

Mưa to là ngập

Năm 1908, Trường An Phước, ngôi trường đầu tiên ở Hòa Vang chuyển từ dạy chữ Nho sang dạy quốc ngữ, đã ra đời tại làng Cẩm Toại, tổng An Phước, huyện Đại Lộc (nay là xã Hòa Phong, huyện Hòa Vang). Qua gần 110 năm, trường hiện có quy mô 20 lớp học, đáp ứng việc dạy học cho khoảng hơn 569 học sinh. Trường được công nhận đạt chuẩn quốc gia mức 1 từ năm học 1999-2000. Lần gần nhất trường được nâng cấp vào năm 1985 nên cơ sở vật chất đã theo thời gian xuống cấp, dù trải qua nhiều đợt tu sửa nhưng vẫn không khắc phục dứt điểm.

Cô Đinh Thị Dễ, Hiệu trưởng nhà trường cho biết, kể từ khi quốc lộ 14B được hoàn thành vào năm 2006, trường nằm trong “vùng trũng” khi ở sâu cách mặt đường từ 1 - 2 mét. Hễ mùa mưa tới, toàn bộ sân trường bị ngập, có khi nước tràn vào cả lớp học. Cùng với đó, Trường tiểu học An Phước hiện đang phải đối mặt với nguy cơ xuống cấp khi một số nhà hiệu bộ và phòng học, phòng chức năng được xây dựng từ năm 1985 đến nay bị thấm dột mỗi khi vào mùa mưa; trần nhà, tường gạch bong tróc. Qua quan sát, ngôi trường nhìn bề ngoài khá khang trang, sạch sẽ, tuy nhiên phần lớn lớp hồ phía ngoài ở trần nhà, cột bê-tông bị bong tróc, lòi sắt. Tại các điểm khác, hồ vữa cũng bị tróc lở gây nguy hiểm đến tính mạng của giáo viên và học sinh.

Vào năm 2011, ngay sau khi nhà trường có kiến nghị đến UBND huyện Hòa Vang, huyện đầu tư, lắp đặt 2 cống thoát nước lớn trong sân trường để khắc phục tình trạng ngập nước. Tuy nhiên cho đến nay, mỗi khi có mưa lớn, 2 cống thoát nước này trở nên quá tải, nước rút không kịp, gây ngập úng toàn bộ khuôn viên trường.

Xem xét đầu tư mở rộng

Bà Nguyễn Thị Vân, Chủ tịch UBND xã Hòa Phong cho biết, để giải quyết dứt điểm tình trạng ngập lụt do sụt lún và xuống cấp tại trường, UBND xã Hòa Phong phối hợp với Ban giám hiệu nhà trường gửi tờ trình đến Huyện ủy, UBND huyện, Phòng GD-ĐT huyện xin nới rộng diện tích đất và xây mới, nâng cấp trường ngay tại vị trí cũ. Theo đó, trường sẽ mở rộng phần diện tích phía sau để xây thêm phòng chức năng; đồng thời tiến hành xây mới, san bằng nền trường với nền đường quốc lộ 14B để không còn tình trạng ngập lụt vào mùa mưa, gây ảnh hưởng đến việc dạy và học.

Ông Bùi Nam Dũng, Phó Chủ tịch UBND huyện Hòa Vang cho hay, ngay sau khi tiếp nhận tờ trình của Trường tiểu học An Phước, huyện đã tổ chức đoàn khảo sát để nắm tình hình các phòng học; đồng thời đã tiến hành lập báo cáo, hồ sơ để trình UBND thành phố nhằm sớm có chủ trương phù hợp. “Trường tiểu học An Phước có bề dày lịch sử lâu đời trên 100 năm, đối mặt với  nguy cơ xuống cấp như hiện nay, thiết nghĩ chính quyền thành phố nên sớm có sự quan tâm, hỗ trợ để tạo cảnh quan khang trang hơn, bề thế hơn, xứng đáng với ngôi trường có bề dày lịch sử, nhất là khi trường chuẩn bị tiến tới kỷ niệm 110 năm thành lập vào năm 2018”, cô Đinh Thị Dễ trăn trở.

Trường tiểu học An Phước là một trong 40 trường mang tính nghĩa thục của phong trào Duy Tân, một phong trào yêu nước nổi tiếng của nước ta ở đầu thế kỷ XX do các chí sĩ Phan Châu Trinh, Huỳnh Thúc Kháng, Trần Quý Cáp khởi xướng. Trong suốt quá trình hoạt động, trường đã góp phần đào tạo nhiều cán bộ từ sơ cấp đến trung, cao cấp, giáo sư, tiến sĩ, nhà giáo ưu tú... Trường được xếp hạng Di tích lịch sử - văn hóa theo Quyết định số 4141/QĐ-UBND ngày 27-5-2008 của UBND thành phố.

Bài và ảnh: QUỐC KHẢI

;
.
.
.
.
.