Ngày 17-2-2012, UBND thành phố ra Quyết định số 1214 về việc xây dựng mô hình dân quân biển (DQB) tập trung của hai quận Sơn Trà và Thanh Khê, nhằm gắn phát triển kinh tế biển với tăng cường sức mạnh quốc phòng - an ninh, góp phần bảo vệ chủ quyền biển, đảo. Qua 4 năm triển khai thực hiện, mô hình được xây dựng với hiệu quả hoạt động rõ rệt.
Dân quân biển quận Sơn Trà huấn luyện bắn mục tiêu trên biển. |
Bước đầu thành lập, các địa phương gặp không ít khó khăn do hầu hết ngư dân tuổi đời cao, trình độ văn hóa thấp, đời sống gia đình còn khó khăn, do đó việc tuyển chọn con người để xây dựng lực lượng DQB bảo đảm tổ chức, biên chế và chất lượng không thuận lợi ở buổi ban đầu. Mặt khác, lao động trên tàu phụ thuộc vào chủ phương tiện, biến động liên tục nên khó chủ động trong việc huấn luyện, thực hiện nhiệm vụ.
Để tháo gỡ vướng mắc, hai quận Sơn Trà và Thanh Khê đã phối hợp với các đồn biên phòng và các phường ven biển tiến hành khảo sát hàng trăm phương tiện tàu thuyền có công suất từ 90CV trở lên, tuyển chọn những người có đủ sức khỏe, phẩm chất đạo đức tốt, xác minh lý lịch bảo đảm độ tin cậy, lập trường tư tưởng vững vàng và tinh thần sẵn sàng nhận nhiệm vụ. Đến nay, mỗi quận đã xây dựng được một trung đội DQB với 28 người, gồm có 3 tiểu đội tổ chức trên 4 tàu có công suất từ 400CV đến 975CV hoạt động tại ngư trường Hoàng Sa.
Các tàu thuyền được trang bị cơ bản thông tin liên lạc, ngư lưới cụ, áo phao, phao tròn, bình cứu hỏa. UBND thành phố và các quận đã hỗ trợ mua bảo hiểm y tế và bảo hiểm tai nạn cho lực lượng DQB, thuyền viên và bảo hiểm thân tàu cũng như hỗ trợ chi phí nhiên liệu cho các tàu 4 chuyến/năm, với tổng kinh phí 5,2 tỷ đồng. Năm 2015 đã trang bị thêm 3 tổng đài, 8 máy thông tin liên lạc với số tiền 550 triệu đồng để phục vụ báo cáo tình hình và chỉ huy hoạt động trên biển.
Thượng tá Nguyễn Duy Thủy, Chỉ huy trưởng Ban Chỉ huy Quân sự (CHQS) quận Thanh Khê cho biết: “Hằng năm, trung đội DQB được tổ chức huấn luyện theo đúng kế hoạch, chương trình và thời gian quy định với sự phối hợp của cơ quan quân sự quận và các đồn biên phòng, Vùng 3 Hải quân, được tập huấn thuyền trưởng, máy trưởng do thành phố tổ chức.
Trong huấn luyện, DQB được tập trung nâng cao hiểu biết, nhận thức pháp luật liên quan đến biên giới biển, các kiến thức chuyên ngành về nhận biết tín hiệu xử lý các tình huống tác chiến, phương pháp phối hợp phòng chống thiên tai, tìm kiếm cứu hộ, cứu nạn trên biển...” . Bên cạnh đó, các kiến thức quân sự cũng được tập trung huấn luyện kỹ từng khoa, mục để anh em bảo đảm khả năng độc lập phối hợp tác chiến trên biển khi đánh bắt ngoài khơi.
Các tàu khi ra khơi đều liên lạc chặt chẽ với nhau, đoàn kết, phối hợp hỗ trợ cùng đánh bắt khai thác ngư trường và bảo vệ nhau khi có tình huống xấu xảy ra trên biển. Chiến sĩ DQB Lê Nguyên Khánh khẳng định: “Tham gia vào lực lượng DQB, chúng tôi cảm thấy rất tự tin khi đánh bắt giữa biển khơi vì luôn được trang bị bản lĩnh chính trị vững vàng cũng như trình độ tác chiến để sẵn sàng làm tốt nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền biển, đảo trong mọi tình huống”.
Đánh giá hiệu quả hoạt động của lực lượng đặc thù này, Đại tá Phan Công Hiền, Phó Chỉ huy trưởng, Tham mưu trưởng Bộ CHQS thành phố cho biết: “Từ khi thành lập đến nay, các trung đội DQB thường xuyên nắm và thông báo tình hình trên biển về đất liền thông qua hệ thống máy Icom của các đồn biên phòng, trong đó, tin tức chủ yếu là tình hình các tàu thuyền nước ngoài xâm phạm vào vùng biển Việt Nam và các hoạt động quân sự khác; đồng thời, khi có yêu cầu, DQB phối hợp cùng lực lượng biên phòng thông báo, báo động, ngăn chặn tàu thuyền ra khơi trong điều kiện thời tiết xấu, qua đó góp phần giữ vững an ninh trật tự, an toàn xã hội trên biển”.
Hiệu quả rõ nhất là năm 2014, khi Trung Quốc hạ đặt giàn khoan trái phép 981 trong vùng đặc quyền kinh tế Việt Nam, lực lượng DQB tập trung được huy động 7 tàu với 20 dân quân tham gia đấu tranh bảo vệ chủ quyền vùng biển, phối hợp với các lực lượng chức năng hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ quan sát, tuyên truyền, xua đuổi, thực thi pháp luật khẳng định chủ quyền Tổ quốc trong hơn hai tháng bám trụ trên vùng biển Hoàng Sa.
Qua 4 năm thành lập, mô hình DQB tập trung được xây dựng đang ngày càng nâng cao hiệu quả. Hai quận Sơn Trà và Thanh Khê đề ra mục tiêu tiếp tục đẩy mạnh hơn nữa hoạt động gắn phát triển kinh tế xã hội với quốc phòng - an ninh của lực lượng DQB, DQB thực sự là chỗ dựa tin cậy của ngư dân trong công tác cứu hộ, cứu nạn khi gặp mưa bão ngoài khơi, tích cực góp phần cùng các lực lượng bảo vệ vững chắc an ninh chủ quyền vùng biển, đảo của Tổ quốc trong tình hình mới.
Bài và ảnh: CÁT TƯỜNG