Chính trị - Xã hội
Vụ "154 giáo viên bị đóng thiếu BHXH": Làm rõ trách nhiệm cá nhân
Dư luận đang quan tâm việc 154 giáo viên Trường THPT Trần Phú (Đà Nẵng) bị đóng thiếu bảo hiểm xã hội (BHXH), ảnh hưởng nhiều đến quyền lợi. Mặt khác, ngay sau đó lại có thông tin về số tiền nộp thừa hơn 500 triệu đồng vào tháng 8-2014 của nhà trường khi đóng BHXH cho giáo viên. Thực hư của vấn đề này ra sao?
Trường THPT Trần Phú đang rà soát và đóng đúng số tiền bảo hiểm xã hội cho 60 giáo viên. |
Kế toán làm sai?
Ngay khi làm hiệu trưởng Trường THPT Trần Phú vào năm 2013, ông Lê Vinh đã rà soát và phát hiện ra sai phạm của những người tiền nhiệm. Trong tờ trình ngày 24-7-2013 gửi Sở Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) Đà Nẵng, ông Lê Vinh đã phát hiện nhà trường những năm trước chưa báo tăng, giảm BHXH cho các cán bộ, viên chức, người lao động (CBVCNLĐ)tăng lương, thâm niên, vượt khung từ cuối năm 2010. Bởi vậy, khi kế toán mới của trường làm chế độ cho 1 giáo viên về hưu thì gặp nhiều khó khăn. Trong tờ trình, ông cũng đề nghị Sở GD&ĐT thành lập đoàn kiểm tra để kiểm tra cụ thể từng trường hợp về tài chính, từ đó kết luận đúng sai về việc thu, chi, nghiệp vụ sổ sách của kế toán quý 1, 2 năm 2013; đồng thời phải có giải pháp giải quyết dứt điểm các vấn đề liên quan đến tài chính.
Tiếp sau đó, trong tờ trình về việc xin báo tăng, giảm BHXH cho CBVCNLĐ Trường THPT Trần Phú vào ngày 9-1-2014, Hiệu trưởng Lê Vinh cho biết, việc tăng, giảm BHXH không được thực hiện từ năm 2010 và sai sót do nhiều nguyên nhân khác nhau. Sau đó, ông Vinh đã đề nghị lãnh đạo BHXH thành phố cho phép trường báo tăng giảm BHXH, đồng thời giúp 94 người được đóng đúng và đủ mức BHXH.
Khi ông Vinh được phân công công tác ở đơn vị khác, ông Phan Hùng lên thay. Tuy nhiên, đến nay vẫn còn 60 CBVCNLĐ bị đóng thiếu BHXH.
Làm rõ trách nhiệm cá nhân liên quan
Chiều 6-10, BHXH thành phố Đà Nẵng có buổi làm việc với Trường THPT Trần Phú về vấn đề đóng thiếu BHXH. Theo thông tin tại buổi làm việc, mặc dù cơ quan BHXH đã đôn đốc, nhắc nhở nhiều lần và đề nghị đơn vị rà soát, lập thủ tục điều chỉnh tiền lương tham gia BHXH, BHYT, BHTN cho CBVCNLĐ vào những năm trước nhưng trường vẫn chưa điều chỉnh.
Cụ thể, từ năm 2008-2013 đơn vị không thực hiện lập hồ sơ điều chỉnh tiền lương tham gia BHXH, BHYT, BHTN cho CBVCNLĐ. Từ năm 2013 đến nay, đơn vị chỉ thực hiện điều chỉnh đối với các trường hợp được nâng lương hoặc giải quyết chế độ trong thời gian này. Từ tháng 9-2013 đến tháng 11-2014, đơn vị thực hiện trích nộp tiền BHXH, BHYT, BHTN cho CBVCNLĐ nhưng không lập hồ sơ để điều chỉnh kịp thời, dẫn đến số dư nợ hằng tháng của đơn vị thừa. Bởi vậy mới có con số tiền thừa đóng BHXH, BHYT, BHTN tháng 8-2014 của Trường THPT Trần Phú là 582.875.887 đồng. Số tiền thừa này BHXH thành phố đã trừ dần vào những tháng mà đơn vị đóng BHXH sau đó.
Ông Văn Phú Long, Trưởng phòng Thu, BHXH thành phố Đà Nẵng cho biết, đơn vị chỉ nhắc nhở chứ không thể biết sự sai lệch này, bởi Sở GD&ĐT và nhà trường nắm giữ quyết định tăng lương. BHXH thành phố chỉ biết được khoản tiền trường đóng BHXH hằng năm.
Đến tháng 12-2014, đơn vị đã thực hiện lập hồ sơ điều chỉnh tiền lương tham gia BHXH, BHYT, BHTN cho một số trường hợp và số dư nợ của đơn vị vào tháng 12-2014 là hơn 200 triệu đồng. Tính đến tháng 9 năm nay, đơn vị còn nợ hơn 30 triệu đồng (chưa tính các trường hợp đã được nâng lương nhưng chưa được điều chỉnh tiền lương tham gia BHXH, BHYT, BHTN). Cơ quan BHXH đang đề nghị trường phối hợp để nộp đúng số tiền theo quy định, giúp người lao động được hưởng đủ quyền lợi của mình, nhất là khi nghỉ hưu hoặc ốm đau, thai sản…
Ông Phan Hùng, Hiệu trưởng nhà trường cho biết, để đóng đủ số tiền cho 60 CBVCNLĐ, trường phải lấy tiền tiết kiệm chi và quỹ phúc lợi hiện có. Điều dư luận quan tâm là cần phải làm rõ số tiền dôi dư trước đây do nhà trường đóng BHXH theo mức lương cũ đã được sử dụng vào mục đích gì và kiểm điểm, đồng thời truy cứu trách nhiệm các cá nhân liên quan.
Bài và ảnh: PHƯƠNG TRÀ