Chính trị - Xã hội

Phát triển kinh tế vùng, giải quyết căn cơ vấn đề môi trường

08:19, 03/11/2016 (GMT+7)

Thực hiện chương trình làm việc của kỳ họp thứ 2, Quốc hội dành hai ngày 2 và 3-11 để thảo luận về kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2016, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2017 và tái cơ cấu nền kinh tế giai đoạn 2016-2020.

Phân tích thực trạng được đề cập trong báo cáo của Chính phủ, đại biểu Nguyễn Hữu Cầu đề nghị năm 2017 phải siết chặt hơn nữa kỷ luật ngân sách, quản lý chặt chẽ hơn nữa nợ công. Theo báo cáo của Chính phủ và thẩm tra của Ủy ban Tài chính - Ngân sách, dự báo năm 2017 phấn đấu tăng trưởng GDP là 6,7%, theo đó nợ công dự báo là 64,8%, nợ Chính phủ dự báo là 53,3% GDP và nợ nước ngoài quốc gia là 47,4%. Theo đại biểu, việc Chính phủ đề nghị Quốc hội phê duyệt năm 2017 và giai đoạn 2016-2020 nợ công tương ứng 65, 55 và 50% là không đúng với quan điểm siết chặt nợ công, thực hiện nghiêm kỷ luật ngân sách.

Đại biểu Nguyễn Hữu Cầu đề nghị Quốc hội không chỉ siết chặt trần nợ công mà còn giao cho Chính phủ phấn đấu làm giảm nợ công. Đại biểu đề xuất nợ công không quá 65% GDP, đến năm 2020 không quá 63%; nợ Chính phủ không quá 53% GDP, đến năm 2020 không quá 50% GDP; nợ nước ngoài quốc gia không quá 50% GDP, đến năm 2020 không quá 47% GDP.

Theo đại biểu Vũ Tiến Lộc (Thái Bình), mục tiêu tăng trưởng GDP 6,7% cho năm 2017 là tương đối cao. Đại biểu phân tích, đầu năm 2016, nền kinh tế mới chỉ tăng trưởng chưa đến 6%. Các động lực chính của tăng trưởng là đầu tư công và xuất khẩu đều không đạt kế hoạch, trong khi nền kinh tế thế giới vẫn chưa khởi sắc, kinh tế trong nước còn nhiều khó khăn, gần 60% doanh nghiệp kinh doanh không có lãi, dịch bệnh thiên tai trước tác động của biến đổi khí hậu...

Rà soát các quy định không phù hợp, cản trở đầu tư kinh doanh

Về cải thiện môi trường kinh doanh, các ý kiến cho rằng, thời gian qua, Chính phủ đã vào cuộc quyết liệt, phát đi những thông điệp rõ ràng, khẳng định vai trò tiên phong của doanh nghiệp nỗ lực tháo gỡ khó khăn, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh.

Chính phủ tiếp tục ban hành Nghị quyết số 19 (những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia hai năm 2016-2017, định hướng đến năm 2020) và Nghị quyết số 35 về hỗ trợ phát triển doanh nghiệp đến năm 2020. Qua đó, môi trường đầu tư kinh doanh của Việt Nam có những bước cải thiện, năng lực cạnh tranh được nâng lên, các tổ chức quốc tế có uy tín ghi nhận, cộng đồng doanh nghiệp đánh giá cao, tạo cho doanh nghiệp nhiều kỳ vọng đến một bước ngoặt thực sự cải thiện môi trường kinh doanh, mở ra một giai đoạn mới cho sự phát triển của doanh nghiệp.

Tuy nhiên, có ý kiến cho rằng, việc cải thiện môi trường kinh doanh ở nước ta còn gặp nhiều khó khăn, rào cản. Việc thực hiện Nghị quyết số 19 và Nghị quyết số 35 còn gặp nhiều khó khăn, lúng túng khi phối hợp triển khai, việc xây dựng chương trình hành động còn mang tính “đối phó”, “qua loa” tập trung ở một số tỉnh, thành, cơ quan đơn vị...

Đại biểu Nguyễn Bá Sơn (Đà Nẵng) đề nghị thời gian tới, Chính phủ và các bộ, ngành tiếp tục rà soát, cải cách điều kiện kinh doanh và rà soát các quy định không còn phù hợp, cản trở đầu tư kinh doanh để trình Quốc hội sửa đổi, đáp ứng tình hình hội nhập và tạo điều kiện thuận lợi và sự phát triển của doanh nghiệp. Theo đại biểu, cần tăng cường tiếng nói và mức độ tham gia của khu vực tư nhân trong quá trình hoạch định chính sách, đặc biệt là chính sách có liên quan quyền lợi của doanh nghiệp; có cơ chế đối thoại thường xuyên hơn, lắng nghe, thu thập thông tin phản hồi đồng hành cùng doanh nghiệp và các nhà đầu tư để kịp thời tìm biện pháp tháo gỡ khó khăn, giải quyết những khuyến nghị của doanh nghiệp...

Liên kết vùng còn là sự ghép nối

Phát triển kinh tế vùng và liên kết vùng được nhiều đại biểu đánh giá là phương thức quan trọng trong việc thúc đầy nền kinh tế phát triển. Trong quá trình thực hiện các chủ trương, chính sách phát triển kinh tế vùng đã đạt được những thành quả nhất định, góp phần vào sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Tuy nhiên, bên cạnh đó có nhiều hạn chế, cần được nhìn nhận thẳng thắn.

Theo đại biểu Nguyễn Bá Sơn, việc quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế vùng và quy hoạch ngành theo từng vùng như hiện nay chưa phát huy hết tính hiệu quả trong định hướng điều phối phân bổ ngân sách, vai trò ràng buộc liên kết vùng và nội vùng vẫn còn nhiều hạn chế.

Đại biểu Nguyễn Bá Sơn nhìn nhận việc liên kết vùng hiện nay còn là sự ghép nối giữa các tỉnh, thành với nhau. Một số nơi là sự ghép nối cơ học, chưa có sự liên kết thực sự, cơ bản mà chỉ trên tinh thần tự nguyện, các cam kết giữa các địa phương trong vùng, chưa có tính pháp lý, không có chế tài bảo đảm thực hiện lâu dài. Các vùng kinh tế trọng điểm chưa thực sự phát huy vai trò đầu tầu, tác dụng lan tỏa, hiệu quả đầu tư chưa thật sự vượt trội, thiếu cơ chế chính sách đặc thù để thu hẹp khoảng cách phát triển giữa các vùng và vùng có lợi thế làm đầu tầu kéo nền kinh tế phát triển.

Để thực hiện hiệu quả chủ trương, chính sách về phát triển kinh tế vùng và liên kết vùng, theo đại biểu Nguyễn Bá Sơn, Chính phủ cần tiếp tục đổi mới mạnh mẽ, nâng cao chất lượng công tác quy hoạch, kế hoạch phát triển tổng thể của vùng gắn chặt với bảo vệ môi trường, biến đổi khí hậu; phân tích thế mạnh của từng vùng tạo nên nhiều chuỗi giá trị hàng hóa trong chuỗi giá trị toàn cầu; đồng thời tập trung phát triển nhanh hơn các vùng khó khăn, vùng sâu, vùng xa vùng biên giới hải đảo.

Cùng với đó, cần hoàn thiện cơ chế phân cấp, phân quyền giữa Trung ương và địa phương bảo đảm tính thống nhất; tập trung quản lý nhà nước về kinh tế, bảo đảm giám sát tốt việc thực hiện quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội của địa phương trong vùng và của vùng, tránh tình trạng trùng lắp lợi ích, cạnh tranh lẫn nhau.

Trong thực hiện, đại biểu Nguyễn Bá Sơn đề nghị các tỉnh, thành phố đề cao trách nhiệm người đứng đầu trong việc nâng cao khả năng tổ chức hoạt động phối hợp liên tỉnh; tăng cường công tác phối hợp giữa lãnh đạo các tỉnh, thành trong việc thực thi chính sách chung của Chính phủ đề ra, khắc phục tính cục bộ trong hoạt động xây dựng địa phương, xóa bỏ tư duy khép kín....

Vẫn còn tình trạng lãng phí đất đai

Chiều 2-11, các đại biểu Quốc hội nghe Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường; Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân giải trình, làm rõ nội dung các đại biểu quan tâm về việc bảo vệ tài nguyên đất, tài nguyên nước, tài nguyên khoáng sản…

Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà đã làm rõ một số vấn đề về tài nguyên môi trường và biến đổi khí hậu. Về tài nguyên đất, Bộ trưởng đánh giá đây là tài nguyên quý giá của đất nước, việc quy hoạch sử dụng là vấn đề cấp bách. Hiện nay, vẫn còn tình trạng lãng phí đất đai, đặc biệt là đất đai ở nông lâm trường chưa được quản lý sử dụng hiệu quả. Khiếu kiện liên quan đến đất đai là vấn đề nóng bỏng mà nếu quản lý tốt cũng là phục vụ tiềm năng phát triển của đất nước. Thời gian tới, Bộ sẽ chủ động nghiên cứu để hiện đại hóa quá trình quy hoạch sử dụng đất đai trên cơ sở tiếp cận cơ chế thị trường, tăng cường áp dụng công nghệ thông tin; kiểm kê quỹ đất trong phạm vi cả nước, đặc biệt trong khu vực nông lâm trường.

Bộ trưởng khẳng định giải quyết căn cơ vấn đề môi trường chính là tái cơ cấu nền kinh tế, không thâm dụng tài nguyên khoáng sản và môi trường là giải pháp căn cơ nhất. Sau hàng loạt sự cố môi trường, có thể nhận định môi trường của Việt Nam đã đến ngưỡng không thể chịu đựng được nữa. Vì vậy, tái cơ cấu kinh tế là xác lập vị trí mới của tài nguyên môi trường.

Trước đây, môi trường thường là đi sau phát triển nhưng hiện tại, môi trường phải đi trước, phải nằm trong các dự án đầu tư, trong quy hoạch và phát triển. Phát triển kinh tế xanh, kinh tế ít các bon phù hợp với tái cơ cấu kinh tế. Sau sự cố môi trường, Chính phủ đã làm rất nhiều việc, rà soát tất cả các nguồn thải, hiện đã hoàn tất thanh tra 137 cơ sở hạ tầng cụm công nghiệp, khu công nghiệp...

Những con số rõ ràng cho thấy thời gian tới phải có biện pháp quyết liệt, nghiêm túc theo quy định Luật Tài nguyên Môi trường, cũng như hoàn thiện đồng bộ đánh giá tác động môi trường. Sắp tới, Chính phủ sẽ đề xuất Quốc hội sửa đổi Luật Bảo vệ môi trường, quy định rõ nhiệm vụ giám sát chặt chẽ về môi trường của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và người dân.

TTXVN

.