Chính trị - Xã hội
Quy định cụ thể mức hỗ trợ khuyến công địa phương
Chủ tịch UBND thành phố Huỳnh Đức Thơ vừa ký ban hành Quy định chính sách khuyến công trên địa bàn thành phố Đà Nẵng, có hiệu lực từ ngày 1-1-2017. Chính sách này quy định nội dung và mức chi hỗ trợ kinh phí đối với hoạt động khuyến công địa phương; quy định việc quản lý và sử dụng kinh phí khuyến công địa phương để khuyến khích, hỗ trợ các tổ chức, cá nhân trên địa bàn tham gia phát triển công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp, áp dụng sản xuất sạch hơn trong công nghiệp.
Cụ thể, về mức chi đào tạo nghề, truyền nghề hỗ trợ 100% tổng chi phí (không quá 200 triệu đồng/khóa). Mức hỗ trợ 100% tổng chi phí tập huấn, hội thảo, diễn đàn không quá 50 triệu đồng/hội thảo. Mức hỗ trợ 100% tổng chi phí tổ chức khảo sát, học tập kinh nghiệm tại nước ngoài không quá 200 triệu đồng/lần.
Chi tổ chức các cuộc thi, cuộc vận động không quá 350 triệu đồng/cuộc thi. Chi ứng dụng công nghệ thông tin không quá 100 triệu đồng/đơn vị. Chi hỗ trợ thành lập doanh nghiệp không quá 10 triệu đồng/doanh nghiệp. Chi hỗ trợ xây dựng mô hình trình diễn kỹ thuật mức hỗ trợ tối đa 30%, nhưng không quá 300 triệu đồng/mô hình.
Chi hỗ trợ đánh giá sản xuất sạch hơn cho các cơ sở công nghiệp không quá 50 triệu đồng/cơ sở. Ngoài ra, một số hoạt động như tổ chức hội chợ triển lãm trong và ngoài nước, tổ chức bình chọn và cấp giấy chứng nhận sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu, đăng ký thương hiệu, thuê tư vấn các sơ sở, các chương trình tuyên truyền, truyền thông đại chúng, thành lập hội, hiệp hội ngành nghề... đều có mức chi theo quy định.
Đối tượng áp dụng gồm các tổ chức, cá nhân trực tiếp đầu tư, sản xuất công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp, doanh nghiệp nhỏ và vừa, hộ kinh doanh thành lập theo quy định, các phường trong kế hoạch thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, các làng nghề, hợp tác xã, tổ hợp tác, cơ sở sản xuất công nghiệp áp dụng sản xuất sạch hơn...
ANH DUYÊN