Chính trị - Xã hội

Tái cơ cấu kinh tế là nội dung lớn, quan trọng và cấp bách

08:29, 04/11/2016 (GMT+7)

Tại phiên thảo luận ở hội trường trong khuôn khổ kỳ họp thứ 2 của Quốc hội ngày 3-11, đại biểu Trần Thị Hằng (Bắc Ninh) đánh giá cao sự điều hành của Chính phủ đã đổi mới, linh hoạt, quyết liệt, bám sát những định hướng cải cách thể chế kinh tế và tiếp tục thực hiện ba đột phá chiến lược. Đặc biệt, Chính phủ đã tạo ra sự chuyển biến mới về nói đi đôi với làm; xây dựng Chính phủ kiến tạo, sáng tạo, minh bạch, liêm chính, tạo niềm tin của nhân dân.

Tuy nhiên, đề nghị Chính phủ cần phân tích, đánh giá sâu hơn về hai chỉ tiêu sẽ không đạt được theo kế hoạch đặt ra. Đó là chỉ tiêu về tốc độ tăng trưởng GDP và tốc độ tăng trưởng tổng kim ngạch xuất khẩu.

Đại biểu cho rằng, trong kế hoạch tái cơ cấu nền kinh tế Chính phủ cần lấy tăng năng suất lao động để thúc đẩy nội lực nền kinh tế, góp phần đổi mới mô hình tăng tưởng, tái cơ cấu nền kinh tế đủ sức cạnh tranh trong điều kiện hiện nay. Trong đó, muốn tăng năng suất lao động cần có yếu tố con người - tức nguồn lực nhân lực chất lượng cao là quan trọng nhất.

Đại biểu Quốc hội tỉnh Trà Vinh, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân phát biểu tại hội trường.    Ảnh:  TTXVN
Đại biểu Quốc hội tỉnh Trà Vinh, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân phát biểu tại hội trường. Ảnh: TTXVN

Về vấn đề tái cơ cấu nền kinh tế, đại biểu Nguyễn Thiện Nhân (Trà Vinh) nhấn mạnh: Tái cơ cấu kinh tế thì phải thay đổi tư duy. Không chỉ là nguồn vốn mà cần trả lời những câu hỏi về thị trường, nguồn lực con người, ứng dụng khoa học công nghệ. Về nguồn nhân lực, đại biểu Nguyễn Thiện Nhân cho rằng Việt Nam có nguồn nhân lực vô cùng quý giá, là lợi thế vô cùng quan trọng.

Lao động của Việt Nam cần cù, sáng tạo, có chi phí không cao, có lợi thế lớn về cạnh tranh. Vì vậy trong thời gian tới phải tăng cường tối đa sử dụng nguồn lực con người. Phát huy nguồn lực con người phải là ưu tiên số một để tái cơ cấu nền kinh tế. Về tái cơ cấu kinh tế vùng, đại biểu Nguyễn Thiện Nhân cho rằng cần thảo luận về định hướng chính sách đầu tư cho vùng đang phát triển hay đầu tư cho vùng khó phát triển.

Đại biểu lấy ví dụ hiện chỉ 7 địa phương là Thành phố Hồ Chí Minh, Hà Nội, Cần Thơ, Hải Phòng, Đà Nẵng, Bình Dương, Đồng Nai đã tạo ra trên 53% GDP của cả nước, 71% thu ngân sách và 50% giá trị xuất khẩu cả nước. Từ thực tiễn đó, đại biểu cho rằng rất cần có chính sách thích đáng để các trung tâm kinh tế động lực vùng phát triển, từ đó tăng cường liên kết vùng, tăng đóng góp cho ngân sách.

Giải trình thêm về tái cơ cấu nền kinh tế, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh đây là nội dung lớn, quan trọng và cấp bách với nước ta hiện nay, nhất là khi Việt Nam đang nỗ lực đổi mới mô hình tăng trưởng nhanh, bền vững, vì con người và lấy con người là trọng tâm. Đây cũng là vấn đề rất khó, phạm vi rộng, liên quan đến nhiều khía cạnh từ tư duy, tầm nhìn, quan điểm, nhận thức, cách tiếp cận, đến thể chế, nguồn lực...

Về quan điểm tái cơ cấu, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết kế hoạch tái cơ cấu kinh tế giai đoạn 2016 - 2020 nêu rõ 5 quan điểm. Thứ nhất là phải gắn với chuyển đổi mô hình tăng trưởng. Thứ hai là xây dựng Nhà nước kiến tạo, từng bước tạo điều kiện để kinh tế thị trường giữ vai trò quyết định trong huy động và phân bổ các nguồn lực phát triển. Thứ ba là mục tiêu chỉ tiêu cụ thể, giải pháp đột phát, có trọng tâm, trọng điểm. Thứ tư là hội nhập quốc tế. Thứ năm là tăng trưởng xanh, và phát triển bền vững.

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng báo cáo, giải trình làm rõ thêm những nội dung mà một số đại biểu còn băn khoăn, lo lắng hiện nay. Trong đó, tăng trưởng GDP 9 tháng đầu năm 2016 chỉ đạt 5,93%, thấp hơn so với cùng kỳ năm 2015. Ước tính kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội cả năm 2016, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết, qua phân tích, đánh giá thì ước tính tăng trưởng GDP của cả năm 2016 là từ 6,3 - 6,5%. Và muốn đạt được con số này thì quý 4 năm 2016 phải đạt tốc độ tăng trưởng 7,09 - 7,71%.

Nói về kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2017, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết: Kế hoạch được xây dựng theo hướng tăng trưởng tích cực, phù hợp với Kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội 5 năm 2016-2020. Về tăng trưởng kinh tế, mục tiêu năm 2017 phấn đấu đạt 6,7% được cho là cao nhưng có cơ sở để phấn đấu.

Đó là Chính phủ trình Quốc hội những giải pháp căn cơ nhằm ổn định các cân đối vĩ mô, kiểm soát lạm phát, tiếp tục thực hiện mạnh mẽ cải thiện môi trường kinh doanh, tạo mọi thuận lợi để phát triển doanh nghiệp, thúc đẩy khởi nghiệp, đẩy mạnh tái cơ cấu tổng thể nền kinh tế.

Nông nghiệp dự kiến có sự phục hồi tốt, do hiệu quả của việc đẩy mạnh tái cơ cấu nông nghiệp. Công nghiệp chế biến, chế tạo có mức tăng trưởng tốt, sẽ có đóng góp tốt hơn vào tăng trưởng chung của GDP. Bên cạnh đó, số lượng doanh nghiệp đăng ký mới và quay trở lại có xu hướng tăng mạnh vào những tháng cuối năm 2016.

Theo TTXVN

.