Chính trị - Xã hội

Thiết lập đồng bộ chính sách hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa

08:33, 23/11/2016 (GMT+7)

* Đề xuất chọn Đà Nẵng làm thí điểm giáo dục-đào tạo khởi nghiệp đổi mới sáng tạo

Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XIV, sáng 22-11, các đại biểu Quốc hội làm việc tại hội trường, cho ý kiến vào dự thảo Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV).

Đại biểu Nguyễn Bá Sơn phát biểu thảo luận tại hội trường về dự thảo Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa.
Đại biểu Nguyễn Bá Sơn phát biểu thảo luận tại hội trường về dự thảo Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa.

Nhiều ý kiến tán thành việc xây dựng và ban hành Luật Hỗ trợ DNNVV nhằm thiết lập đồng bộ các chính sách, chương trình để hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa có chọn lọc, phù hợp với mục tiêu và định hướng phát triển kinh tế của đất nước, lợi thế cạnh tranh của từng địa phương, quốc gia và nguồn lực có thể bố trí trong từng thời kỳ; tăng cường năng lực và hiệu quả cho hệ thống cơ quan, tổ chức hỗ trợ DNNVV; nâng cao hiệu quả điều phối, xây dựng, tổ chức thực hiện, giám sát và đánh giá các hoạt động hỗ trợ DNNVV...

Tham gia phát biểu thảo luận tại hội trường, Phó Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội đơn vị Đà Nẵng Nguyễn Bá Sơn nhất trí cao đối với nội dung tờ trình của Chính phủ về tính cấp thiết ban hành luật và những nội dung cơ bản của dự thảo luật, đồng thời góp ý một số nội dung. Cụ thể: Về Điều 4 dự thảo luật quy định tiêu chí phân loại DN thành ba loại là: DN vừa, DN nhỏ và DN siêu nhỏ theo những tiêu chí tương ứng. Việc phân loại trên là cần thiết, theo đó Nhà nước sẽ có những chính sách hỗ trợ cụ thể với từng loại DN. Tuy nhiên, chính sách hỗ trợ DN trong dự thảo hiện tại còn rất chung chung, thiếu cụ thể, chưa khắc phục được những hạn chế mà Nghị định 56 đặt ra như nội dung Tờ trình của Chính phủ đã nêu.

Vì vậy, cần có quy định cụ thể hơn về những chính sách hỗ trợ đối với từng loại hình DN tương ứng với quy định tại Điều 4 dự thảo luật này. Điều 11 quy định các DNNVV được hưởng thuế suất thuế thu nhập DN thấp hơn thuế suất thông thường; DN siêu nhỏ thì được hưởng thuế suất thuế thu nhập DN thấp hơn thuế suất áp dụng cho DNNVV nêu ở phần trên. Tuy nhiên, thuế thu nhập DN đối với từng loại DN đã được quy định tại Luật Thuế thu nhập DN. Vì vậy, việc quy định mức thuế suất ưu đãi đối với các loại DNNVV cần được quy định rõ tại luật này nhằm tránh xung đột pháp lý khi áp dụng sau này. Đề nghị nên quy định bổ sung chính sách thuế có tính khuyến khích cho hoạt động khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo đối với các DNNVV.

Theo đó, nên miễn thuế hai năm đầu và giảm 50%  trong hai năm kế tiếp để tạo điều kiện cho DN còn non trẻ có đủ thời gian phát triển vững chắc. Điều 12 dự thảo luật quy định khá cụ thể các trường hợp thuê mặt bằng tại các khu công nghiệp, khu công nghệ cao, khu kinh tế tập trung và chế độ hỗ trợ đối với trường hợp này. Tuy nhiên, không có quy định hỗ trợ đối với DN phải đi thuê đất ngoài các khu vực kể trên, thuộc lĩnh vực sản xuất, kinh doanh nông nghiệp, nông thôn.

Mặt khác, dự thảo luật quy định khuyến khích các DN đầu tư kinh doanh hạ tầng khu công nghiệp cho các DNNVV vào thuê mặt bằng. Và ngoài việc được hưởng ưu đãi thuế thu nhập DN còn được giảm thuế suất thuế thu nhập DN từ 30 - 50% nếu diện tích cho thuê đạt từ 30-50%. Quy định này là không hợp lý do phạm vi điều chỉnh của luật này là chính sách hỗ trợ cho DNNVV. Vì vậy, trong trường hợp này, đối tượng hỗ trợ vẫn phải là DNNVV.

Chế độ ưu đãi đối với các DN kinh doanh hạ tầng các khu công nghiệp tập trung đã có quy định khác của pháp luật hiện hành. Đề nghị cần nghiên cứu điều chỉnh quy định về chế độ hỗ trợ về mặt bằng trong dự thảo Luật này bảo đảm sự công bằng và đúng đối tượng. Điều 26 dự thảo luật quy định về nội dung hỗ trợ là khá đầy đủ. Tuy nhiên, cần bổ sung quy định cụ thể về điều kiện, đối tượng, chính sách hỗ trợ cho từng loại DN nhằm bảo đảm tính minh bạch, thống nhất, đồng bộ trong triển khai thực hiện.

Một trong 5 mục tiêu của dự án luật này là: “Tạo khung pháp lý để huy động khu vực kinh tế tư nhân và các tổ  chức, cá nhân trong và ngoài nước tham gia cùng Chính phủ thực hiện hỗ trợ DNNVV”. Tuy nhiên, dự thảo luật dành khoản 1 của Điều 38 quy định: …

Nhà nước khuyến khích cơ quan, tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước tham gia đầu tư, tài trợ, hỗ trợ cho DNNVV. Quy định như vậy là quá sơ sài, thiếu vắng nhiều nội dung quan trọng trong việc thu hút nguồn lực đầu tư. Đề nghị nghiên cứu, bổ sung các quy định cụ thể hơn về cơ chế, trình tự thủ tục, chính sách đối với các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước khi tham gia vào hoạt động hỗ trợ DN.

Dự thảo luật cũng đã đề cập về các Quỹ khởi nghiệp, Quỹ đổi mới sáng tạo, Quỹ đầu tư khởi nghiệp, Quỹ phát triển DNNVV… Đây là những chủ thể quan trọng, đồng hành, hỗ trợ, nâng đỡ cho các DN từng bước phát triển, hòa nhập vào cộng đồng DN.

Tuy nhiên, dự thảo chưa có quy định cụ thể về các chủ thể này. Đề nghị nghiên cứu quy định cụ thể về thiết chế, tổ chức bộ máy, hoạt động của các quỹ nói trên ngay trong luật này nhằm bảo đảm việc triển khai thực hiện đồng bộ, thống nhất khi luật được thông. Đồng thời, hoàn thiện các định nghĩa pháp lý về hoạt động khởi nghiệp đổi mới sáng tạo và về DN khởi nghiệp đổi mới sáng tạo.

Mặt khác, có quy định cho phép các địa phương trong phạm vi khả năng của mình, có thể thành lập các Quỹ hỗ trợ khởi nghiệp; xử lý tốt các vướng mắc trong quy định về hoạt động của Quỹ phát triển khoa học và công nghệ để vận hành thông thoáng, linh hoạt và thúc đẩy nhanh sự phát triển của cộng đồng DN tại địa phương.

Vấn đề đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao phục vụ khởi nghiệp, phát triển DN là một nội dung quan trọng và lâu dài. Đề nghị bổ sung quy định về đào tạo khởi nghiệp. Trước mắt, đề xuất Quốc hội, Chính phủ hỗ trợ thành phố Đà Nẵng xây dựng chương trình đào tạo khởi nghiệp và đưa chương trình đào tạo vào giảng dạy trong các trường đại học, cao đẳng và dạy nghề trên địa bàn thành phố. Đồng thời, đề xuất Chính phủ lựa chọn Đà Nẵng là địa phương làm thí điểm về giáo dục và đào tạo khởi nghiệp đổi mới sáng tạo.

l Sáng cùng ngày, các đại biểu Quốc hội biểu quyết thông qua dự án Luật sửa đổi, bổ sung Điều 6 và Phụ lục 4 về Danh mục ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện của Luật Đầu tư. Với 83,16% đại biểu tán thành, Quốc hội đã thông qua dự án Luật sửa đổi, bổ sung Điều 6 và Phụ lục 4 về Danh mục ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện của Luật đầu tư.

Luật này có hiệu lực thi hành từ ngày 1-1-2017, trừ quy định tại khoản 2 Điều này. Quy định về các ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện sau đây có hiệu lực thi hành từ ngày 1-7-2017: Kinh doanh thiết bị, phần mềm ngụy trang dùng để ghi âm, ghi hình, định vị; sản xuất, lắp ráp, nhập khẩu ô-tô. Chính phủ quy định việc áp dụng chuyển tiếp đối với tổ chức, cá nhân đang đầu tư kinh doanh trong các ngành, nghề quy định tại khoản này.

l Sáng cùng ngày, Quốc hội biểu quyết thông qua Nghị quyết giao Chính phủ thực hiện thí điểm cấp thị thực điện tử cho người nước ngoài nhập cảnh Việt Nam. Theo đó, thị thực điện tử được cấp qua hệ thống giao dịch điện tử, có giá trị nhập cảnh một lần, thời hạn không quá 30 ngày. Việc thí điểm cấp thị thực điện tử được thực hiện trong thời hạn 2 năm, kể từ ngày 1-2-2017. Chính phủ báo cáo Quốc hội kết quả thực hiện nghị quyết này tại kỳ họp cuối năm 2018.

B.T (tổng hợp)

.