Chính trị - Xã hội
Thứ trưởng Bộ Công An: "Truy tới cùng vụ việc Trịnh Xuân Thanh"
Bên lề hành lang Quốc hội, Thượng tướng Lê Quý Vương, Thứ trưởng Bộ Công an cho biết vụ án của Trịnh Xuân Thanh sẽ được đưa vào án điểm, truy tới cùng.
Thượng tướng Lê Quý Vương cho biết vụ án Trịnh Xuân Thanh sẽ đưa vào án điểm. (Ảnh: T.H/Vietnam+) |
Và, ông cũng muốn nói với Trịnh Xuân Thanh nên trở về nước để hưởng lượng khoan hồng của pháp luật, thể hiện bản lĩnh của người dám làm, dám chịu.
- Thưa Thứ trưởng, sau vụ việc Trịnh Xuân Thanh bỏ trốn ra nước ngoài, chúng ta cần lưu ý gì về việc này?
Ông Lê Quý Vương: Trong bối cảnh hiện nay, công tác điều tra các vụ án kinh tế hết sức khó khăn. Luật pháp Việt Nam quy định công dân nào cũng có quyền được cấp hộ chiếu, thậm chí cho phép đi lại thuận lợi một số nước trong khu vực…
Về mặt kiểm soát nhà nước trong xuất nhập cảnh chủ yếu quản lý công khai, có cửa khẩu, sân bay, hải cảng qua lại qua biên giới. Tuy nhiên, biên giới của Việt Nam rất rộng, có đường bộ, đường biển, tàu vận tải… nên việc lợi dụng đi lại khá dễ dàng.
- Với các đối tượng thuộc “tầm ngắm,” cơ quan điều tra có biện pháp ngăn chặn họ bỏ trốn hay không?
Ông Lê Quý Vương: Bộ Luật Hình sự quy định chỉ có tội khi tòa án nhân dân ra bản án, bản án có hiệu lực thi hành. Trường hợp công an muốn bắt giữ thì phải bắt quả tang, còn nếu không chỉ được giữ khẩn cấp và phải báo cáo với Viện kiểm sát phê chuẩn. Nói về biện pháp quản lý công dân thì quản lý hộ khẩu giờ thông thoáng, người ta có thể đăng ký thường trú chỗ này nhưng tạm trú chỗ khác.
Trong bối cảnh như vậy, lực lượng công an thực thi rất khó. Chỉ có đối tượng hình sự, có tiền án, nghi vấn có hoạt động hình sự thì mới có thể có biện pháp quản lý chặt chẽ.
Ngoài ra, luật pháp của Việt Nam và các nước về hình sự có khác nhau. Đối với Việt Nam, đây là tội danh vi phạm Bộ luật Hình sự nhưng ở nước khác lại quy định khác, kể cả về mức hình phạt.
Thậm chí, ngay trong vấn đề tương trợ tư pháp hình sự của Việt Nam với các nước có khác nhau, chỉ trừ một số nước có hiệp định tương trợ tư pháp thì có thuận lợi nhưng các nước vẫn có quy định riêng nên việc phối hợp có cái khó.
- Thực tế việc bắt giữ đối tượng ở nước ngoài là khó khăn, mất nhiều thời gian…?
Ông Lê Quý Vương: Bộ Luật Hình sự quy định rất rõ, có tội phạm lệnh truy nã là vô thời hiệu, phải truy tới cùng. Trường hợp của Trịnh Xuân Thanh cũng vậy.
Tôi muốn nói với ông Trịnh Xuân Thanh là sinh ra trong một gia đình có truyền thống, đáng quý, giờ đây gây ra hậu quả anh phải thể hiện bản lĩnh của con người dám làm, dám chịu, nên về nước để hưởng lượng khoan hồng của pháp luật.
- Trong trường hợp chưa bắt được Trịnh Xuân Thanh, cơ quan điều tra có đóng vụ án để xét xử trước không?
Ông Lê Quý Vương: Tùy theo nội dung vụ án, nếu đủ yếu tố, chứng cứ thì vẫn xử. Tội đến đâu, ai mắc đến đâu, mức độ thế nào, điều tra đến đâu xét xử đến đó. Còn lại, vẫn có thể tách ra để điều tra tiếp.
- Vụ án của Trịnh Xuân Thanh có thuộc diện án trọng điểm trong năm 2017 không?
Ông Lê Quý Vương: Tới đây sẽ đưa vào là án trọng điểm để chỉ đạo làm thấu đáo bởi dư luận và nhân dân rất quan tâm cần có lời giải đáp: Có đúng 3.300 tỷ đồng không hay là con số khác, cá nhân đối tượng liên đới thế nào, ngoài cố ý làm trái có tư lợi, tham ô, thiếu tinh thần trách nhiệm không…?
- Xin cảm ơn Thứ trưởng!
Theo Vietnam+