Chính trị - Xã hội

Xây dựng văn minh trong việc tang: Cán bộ phải làm gương

08:31, 12/11/2016 (GMT+7)

Để khắc phục tình trạng đám tang được tổ chức rình rang gây tốn kém, lãng phí, bản thân mỗi cán bộ, đảng viên phải gương mẫu thực hiện nếp sống văn minh trong việc tang.

Đây được xem là giải pháp quan trọng nhất được nêu tại buổi tọa đàm về giải pháp thực hiện nếp sống văn minh trong việc tang trên địa bàn thành phố, do Sở Văn hóa-Thể thao (VH-TT) Đà Nẵng tổ chức vào sáng 11-11.

Theo ông Nguyễn Hữu Chiến, Phó Giám đốc Thường trực Sở VH-TT, hai năm qua, việc thực hiện nếp sống văn minh trong việc tang trên địa bàn thành phố được triển khai đồng bộ và đạt hiệu quả. Hầu hết các địa phương, cơ quan, tổ dân phố, thôn thành lập ban lễ tang điều hành nghi lễ trang trọng, đúng pháp luật, đúng trình tự, không rườm rà, phù hợp phong tục, tập quán địa phương; việc làm cơm mời khách trong đám tang giảm hẳn; giảm vòng hoa, bức trướng trong lễ viếng; không cử nhạc hiếu quá 22 giờ và trước 6 giờ mỗi ngày; tình trạng rải vàng mã trên đường đưa tang giảm 90%...

“Với quan niệm nghĩa tử là nghĩa tận, nhiều gia đình tổ chức tang lễ khá tốn kém. Nhiều gia đình thuộc diện khó khăn khi có tang xin hỗ trợ kinh phí nhưng lại dùng tiền đó tổ chức nghi lễ tốn kém. Do đó, chúng tôi cương quyết không hỗ trợ nếu gia đình không cam kết thực hiện tang lễ theo mô hình “3 giảm”; đồng thời, dựa vào Hội đồng các gia tộc tuyên truyền một cách hợp lý, hợp tình, không áp đặt pháp luật cứng nhắc nên dần xóa bỏ những hủ tục lạc hậu trong việc tang”, ông Nguyễn Lâm Hà, Chủ tịch UBND phường Mân Thái chia sẻ.

Dù có những chuyển biến tích cực, song văn minh trong việc tang vẫn còn nhiều điều để bàn. Đó là thời gian quàn ướp thi hài đều vượt quá quy định (gấp từ 2 đến 3 lần thời gian cho phép) ảnh hưởng đến môi trường và sinh hoạt chung của cộng đồng; chưa có chuyển biến mạnh trong hỏa táng (số lượng các trường hợp hỏa táng của Đà Nẵng trong một năm chỉ bằng 20 ngày của Hà Nội và 10 ngày của TP. Hồ Chí Minh); thuê ban nhạc tang, âm thanh lớn, kéo dài nhiều ngày; sử dụng nhiều vòng hoa tang gây lãng phí…

Các ý kiến tại buổi tọa đàm chỉ ra rằng, thực tế cho thấy, các đám tang của cán bộ, công chức còn nằm trong diện gây lãng phí và nghi thức rườm rà nhất.

Ông Ngô Khôi, Phó Giám đốc Sở Nội vụ, Trưởng ban Tôn giáo thành phố cho rằng, ngoài các văn bản chế tài xử phạt, việc làm gương của cán bộ, đảng viên đóng vai trò quan trọng thực hiện nếp sống văn minh trong việc tang; kế đến cần xác nhận vai trò của chức sắc tôn giáo trên địa bàn thành phố đối với chuyển biến nhận thức của tín đồ.

Tiếp thu những ý kiến trên, thời gian đến, ngành Văn hóa tiếp tục ban hành những văn bản quy định chi tiết, cụ thể về văn minh trong việc tang để có cơ sở tổ chức tuyên truyền. Khi đã tuyên truyền nhưng người dân vẫn vi phạm sẽ có biện pháp xử lý. Ngành cũng đi sâu nghiên cứu những vấn đề tâm linh, tập quán, tín ngưỡng nhằm tuyên truyền những phong tục hay, vận động người dân từ bỏ dần tập tục lạc hậu, biến tướng; đẩy mạnh sự gương mẫu của cán bộ, đảng viên; đề cao vai trò của chức sắc tôn giáo.

“Chúng ta không cực đoan đối với những vấn đề liên quan đến tâm linh. Chẳng hạn, không thể áp dụng ra luật để cấm hẳn rải vàng mã, mà ban hành các văn bản hạn chế một cách tối đa rải tại các tuyến đường trung tâm, còn vùng ngoại ô, nông thôn có thể cho phép thực hiện phong tục hoặc đốt tập trung ở một nơi quy định. Cái gì hợp lý, hợp tình dần dần người dân sẽ tiếp nhận”, ông Nguyễn Hữu Chiến nói.

NGỌC HÀ

.