Chính trị - Xã hội

PHÒNG, CHỐNG TÁC HẠI THUỐC LÁ

Những con số báo động về tác hại của thuốc lá

08:58, 01/12/2016 (GMT+7)

Theo Tổ chức Y tế thế giới, trong khói thuốc lá có khoảng 7.000 hóa chất, trong đó có 69 chất gây ung thư. Việt Nam là một trong những nước có tỷ lệ nam giới hút thuốc lá thuộc nhóm cao nhất thế giới, mỗi năm có khoảng 40.000 người tử vong do các bệnh liên quan đến thuốc lá.

Khói thuốc lá “bao phủ” khắp nơi.
Khói thuốc lá “bao phủ” khắp nơi.

Đây thực sự là những con số đáng báo động và càng đáng lo ngại hơn khi nhiều cuộc khảo sát điều tra của ngành Y tế thành phố thời gian qua cho kết quả khá tương đồng. Kết quả nghiên cứu của bác sĩ Huỳnh Bá Tân năm 2003 về tình hình hút thuốc lá ở quận Ngũ Hành Sơn cho thấy, có đến 36% dân số hút thuốc lá.

Người hút thuốc lá liên tục trên 10 năm chiếm đến 73,4%. Điều đáng lo ngại là tuổi bắt đầu hút thuốc lá chủ yếu là thanh-thiếu niên (từ 15 - 24 tuổi) chiếm 77,8%. Nghiên cứu năm 2005 của bác sĩ Tôn Thất Thạnh, Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng thành phố về “Tình hình sử dụng thuốc lá của thanh - thiếu niên, học sinh tại thành phố Đà Nẵng” cũng cho thấy, có 5,1% người hút thuốc trong độ tuổi từ 13-15. Cứ 10 học sinh thì có 6 em bị phơi nhiễm khói thuốc lá tại nhà. Còn nghiên cứu của bác sĩ Nguyễn Út, Phó Giám đốc Sở Y tế cùng cộng sự thực hiện vào năm 2011 chỉ ra nguy cơ phơi nhiễm rất cao cho những người không hút thuốc, khi có đến 68,8% gia đình ở thành phố Đà Nẵng có người hút thuốc lá.

Đặc biệt, mới đây nhất, nghiên cứu của bác sĩ Võ Thu Tùng, Giám đốc Trung tâm Truyền thông giáo dục sức khỏe thành phố và các cộng sự vừa hoàn thành trong tháng 11-2016 đã cho thấy, một bức tranh không hề tươi sáng về “cuộc chiến” chống thuốc lá ở thành phố. Cụ thể, hiện có đến 50,7% nam và 4,1% nữ trong độ tuổi từ 18 trở lên hút thuốc. Trong đó có 34,5% nam và 2,4% nữ cho biết hút thuốc hằng ngày.

Đây là điều giải thích vì sao thành phố có 96,5% người phơi nhiễm thuốc lá thụ động trong nhà, tại quán ăn, quán giải khát; 33,3% người phơi nhiễm trên phương tiện giao thông công cộng. Điều đáng lo ngại hơn, có đến 30,1% người bị phơi nhiễm tại các cơ sở y tế, 22,7% người bị phơi nhiễm tại cơ quan Nhà nước, 15,6% người bị phơi nhiễm tại các cơ sở giáo dục từ mầm non đến trung học phổ thông.

Theo đề xuất của tác giả đề tài nghiên cứu trên, do có đến 32,4% đối tượng được phỏng vấn không biết về việc xử phạt người hút thuốc nơi không cho phép và 14,1% khẳng định hút thuốc nơi bị cấm hút thuốc là... không bị xử phạt. Vì vậy, trong thời gian đến, trọng tâm của công tác phòng, chống tác hại của thuốc lá ở thành phố vẫn là đẩy mạnh tuyên truyền. Song song đó là triển khai tốt công tác hỗ trợ cai nghiện thuốc lá, với quy mô 100% đối tượng phải nhận được lời khuyên từ cán bộ y tế là hút thuốc lá có hại cho bản thân và người xung quanh; bổ sung các loại thuốc hỗ trợ cai nghiện vào danh mục thuốc bảo hiểm y tế, nhằm tạo điều kiện thuận lợi (nhất là về kinh phí) cho những người cai nghiện thuốc. Bên cạnh đó, thành phố tập huấn, đào tạo nâng cao công tác tư vấn cai nghiện cho cán bộ y tế và cộng tác viên.

Cùng với đó, rất cần các cơ quan chức năng thực hiện nghiêm túc việc xử phạt đối tượng hút thuốc lá tại những nơi có quy định cấm với khung phạt nặng, nếu vi phạm nhiều lần.

Trần Luân Sơn

.