Chính trị - Xã hội
Bảo vệ "nữ hoàng" linh trưởng
Khu bảo tồn thiên nhiên Sơn Trà thuộc địa bàn phường Thọ Quang (quận Sơn Trà) có hệ động vật, thực vật phong phú, đa dạng, trong đó, voọc chà vá chân nâu là loài động vật đặc biệt quý hiếm.
Đà Nẵng đã thống nhất chọn voọc chà vá chân nâu tại bán đảo Sơn Trà làm hình ảnh nhân diện của thành phố trong sự kiện APEC 2017. Trong ảnh: Voọc chà vá chân nâu tại bán đảo Sơn Trà. |
Nỗ lực bảo vệ đàn voọc chà vá chân nâu
Theo các nhà sinh thái học, hiện khu bảo tồn thiên nhiên Sơn Trà có tất cả 287 loài thú, 106 loài chim, 15 loài động vật hoang dã quý hiếm cần được bảo tồn, trong đó có voọc chà vá chân nâu - một loại linh trưởng đặc biệt hiếm hoi trên thế giới.
Với đặc trưng năm màu, voọc chà vá chân nâu trên bán đảo Sơn Trà được Tổ chức bảo vệ động vật hoang dã quốc tế tôn vinh là “nữ hoàng” của các loài linh trưởng. Loài này thuộc danh mục nhóm IIB ở mức nguy cấp trong Sách đỏ Việt Nam và tổ chức bảo tồn thiên nhiên thế giới xếp vào danh sách các loài động vật cần được bảo vệ vô điều kiện.
Ông Trần Hữu Vỹ, Giám đốc Trung tâm Bảo tồn đa dạng sinh học Nước Việt Xanh (GreenViet) cho biết, qua nghiên cứu, khảo sát của các nhà sinh thái học, ở Việt Nam, số lượng voọc chà vá chân nâu chiếm tới 83% số lượng voọc trên thế giới, với khoảng 530 cá thể.
Voọc chà vá chân nâu sống chủ yếu ở Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Thừa Thiên Huế, Quảng Nam… nhưng nhiều nhất vẫn là ở bán đảo Sơn Trà (Đà Nẵng). Cũng theo số liệu khảo sát, nghiên cứu, theo dõi của Tổ chức bảo tồn voọc chà vá quốc tế, trong khi loại linh trưởng này có nguy cơ tuyệt chủng trên thế giới, thì tại bán đảo Sơn Trà lại đang phát triển ổn định.
Nhưng thật đáng tiếc, do nạn săn bắt, phá rừng trong thời gian qua, đã làm suy giảm đáng kể số lượng động vật, đe dọa tới sự tồn vong của cả những loài động vật quý hiếm này.
Để bảo vệ “nữ hoàng” của các loài linh trưởng trên bán đảo Sơn Trà, thời gian qua, thành phố Đà Nẵng đã triển khai nhiều hoạt động thực tế nhằm tuyên truyền, nâng cao nhận thức về bảo tồn, phát triển bền vững Khu bảo tồn thiên nhiên Sơn Trà, đặc biệt đối với loài voọc chà vá chân nâu.
Đồng thời, xúc tiến các hoạt động hợp tác nghiên cứu khoa học với các tổ chức, cá nhân trong nước và ngoài nước. Bên cạnh đó, chính quyền thành phố đã đầu tư cho phát triển du lịch sinh thái tại Sơn Trà theo hướng kết hợp giữa bảo tồn và phát triển du lịch bền vững, bảo đảm sự an toàn cho loài voọc chà vá chân nâu.
Đầu năm 2016, Sở Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) thành phố cũng đã có tờ trình gửi UBND thành phố kiến nghị khẩn cấp thực thi các giải pháp bảo vệ động vật hoang dã và bảo đảm đa dạng sinh học tại Khu bảo tồn thiên nhiên bán đảo Sơn Trà.
Sở TN&MT cũng đề nghị thành phố giao các ngành liên quan thực hiện báo cáo xác định diện tích, cắm mốc và có biện pháp quản lý chặt đối với Khu bảo tồn thiên nhiên bán đảo Sơn Trà; xem xét, phê duyệt chủ trương lập quy hoạch tổng thể bảo tồn đa dạng sinh học trên địa bàn thành phố giai đoạn 2016-2025 và tầm nhìn 2040.
Bà Lê Thị Trang, Phó Giám đốc GreenViet cho biết, từ lâu hình ảnh loài voọc chà vá chân nâu được người dân Đà Nẵng tôn vinh và coi như biểu tượng về tính đa dạng sinh học của các loài động, thực vật quý hiếm và đặc sắc tại Đà Nẵng.
Đặc biệt, từ sau vụ việc “ngôi nhà” của loài voọc chà vá chân nâu ở bán đảo Sơn Trà có dấu hiệu bị xâm hại nghiêm trọng từ đầu năm 2015, thì sự tồn tại của quần thể loài voọc chà vá chân nâu ở Sơn Trà lại càng thu hút sự chú ý và quan tâm của người dân. Đã có nhiều cá nhân, đơn vị, doanh nghiệp lên tiếng và tham gia vào các hoạt động bảo tồn loài này ở Đà Nẵng.
Cũng theo bà Trang, ở bán đảo Sơn Trà hiện còn khoảng hơn 300 cá thể voọc chà vá chân nâu với một số đặc tính: Sinh sống theo từng gia đình nhỏ từ 5-7 cá thể/gia đình và có một cá thể đực trưởng thành trong mỗi gia đình.
Vì vậy, việc huy động sự tham gia của người dân, các cấp chính quyền và đặc biệt là các doanh nghiệp trên địa bàn vào các hoạt động bảo tồn voọc chà vá chân nâu ở Sơn Trà luôn là ưu tiên hàng đầu của GreenViet nhằm kêu gọi triệt để các nguồn lực trong bảo tồn thiên nhiên.
Thời gian đến, GreenViet sẽ tiếp tục hoạt động nghiên cứu và giám sát số lượng của quần thể voọc chà vá chân nâu ở bán đảo Sơn Trà. Các nghiên cứu về tập tính sinh hoạt, xã hội, ăn uống, sẽ được tiến hành hằng năm nhằm đưa ra được các khuyến cáo cho thành phố trong việc bảo vệ quần thể voọc chà vá chân nâu.
“Voọc sinh sôi trở lại”
Ông Trần Thắng, Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm liên quận Sơn Trà - Ngũ Hành Sơn cho biết, những năm trước đây, số vụ vi phạm lâm luật ở bán đảo Sơn Trà luôn diễn biến phức tạp. Chỉ tính riêng năm 2015, lực lượng Kiểm lâm cùng các lực lượng chức năng của thành phố đã phát hiện và xử lý hàng chục vụ liên quan đến khai thác gỗ và săn bắt động vật trái phép.
Đặc biệt, trong năm 2015, lực lượng chức năng đã phát hiện và khởi tố 2 vụ săn bắt, giết voọc chà vá chân nâu ở bán đảo Sơn Trà. Từ thực trạng này cho thấy, việc săn bẫy động vật hoang dã ở Khu bảo tồn thiên nhiên Sơn Trà đã trở thành vấn nạn, đe dọa sự an toàn, thậm chí có thể xóa sổ một số loài động vật quý hiếm, trong đó có loài voọc chà vá chân nâu.
Ông Thắng cũng thẳng thắn nêu ra những thách thức đối với việc bảo tồn loài voọc, trong đó có vấn đề nhận thức của người dân về bảo vệ thiên nhiên ở Sơn Trà còn thấp; nạn săn bắt, buôn bán động vật hoang dã diễn biến phức tạp; công tác tuyên truyền để người dân tham gia bảo vệ động vật hoang dã, quý hiếm còn hạn chế; chưa có giải pháp triệt để ngăn chặn việc săn bắt, khai thác rừng trái phép…
Đó cũng chính là những mối hiểm họa đối với các loài động vật nói chung, loài voọc nói riêng. Ngoài ra, một bộ phận cư dân địa phương, thậm chí cả người ở xa tới, do không có việc làm ổn định, đời sống khó khăn, vì buôn bán động vật hoang dã mang lại lợi nhuận cao nên vô hình trung đã “tiếp tay” cho lâm tặc hoành hành…
Còn theo Phó Chủ tịch UBND phường Thọ Quang Lê Tấn Thanh, ngày xưa, rừng ở bán đảo Sơn Trà có rất nhiều voọc chà vá chân nâu. Thế nhưng, từ khi tình trạng phá rừng, săn bắt động vật quý hiếm diễn ra, đàn voọc bị đe dọa dữ dội, số lượng cá thể giảm sút.
Có thời điểm, đàn voọc bỗng dưng mất hút! Bây giờ voọc đã quay về, ngày một nhiều hơn và sinh sôi trở lại. Có được điều này là nhờ sự vào cuộc mạnh mẽ của chính quyền thành phố, các cơ quan chức năng và những người yêu động vật hoang dã cùng sự nghiêm minh của pháp luật khi trừng trị những kẻ săn voọc.
Theo Hạt Kiểm lâm liên quận Sơn Trà - Ngũ Hành Sơn, với quyết tâm bảo vệ rừng, bảo vệ đàn voọc trên bán đảo Sơn Trà, ngay từ đầu năm 2016, Đội tuần tra liên ngành đã được thành lập bao gồm lực lượng kiểm lâm, Ban quản lý bán đảo Sơn Trà cùng chính quyền phường Thọ Quang thường xuyên tổ chức các cuộc tuần tra cả ngày lẫn đêm để ngăn chặn nạn phá rừng, săn bắt động vật trên bán đảo Sơn Trà.
“Qua công tác tuần tra, kiểm soát, chúng tôi đã liên tục bắt gặp đàn voọc chà vá chân nâu, trong đó có khá nhiều chú voọc “nhí”. Chúng nhảy nhót trên những cành cây để kiếm ăn. Được chứng kiến tận mắt hình ảnh này, không ít du khách cũng như cán bộ trong Đội tuần tra đã phải thốt lên: “Lâu lắm rồi mới thấy nhiều voọc như vậy! Có lẽ đàn voọc đang hồi sinh nhờ sự nỗ lực, quyết tâm của chính quyền thành phố và sự chung tay của các tổ chức, cá nhân cùng người dân bản địa trong công tác bảo vệ loài động vật quý hiếm này”, ông Thắng cho hay.
TRỌNG HÙNG