Chính trị - Xã hội
Những tấm lòng để gió cuốn đi
Có những chương trình thiện nguyện đặc biệt xoa dịu nỗi đau tại một nơi rất đặc biệt – Bệnh viện Ung bướu Đà Nẵng, đã và đang nhân lên những câu chuyện đầy nhân văn tại thành phố bên bờ sông Hàn. Đặc biệt ở chỗ, các tình nguyện viên (TNV) không chỉ đến với các bệnh nhân bằng sự san sẻ vật chất mà với bầu nhiệt huyết, tình yêu thương, họ mang đến cho những số phận kém may mắn những “liều thuốc tinh thần” từ trái tim.
Dường như không có khoảng cách giữa các tình nguyện viên trẻ tuổi và các bệnh nhân tại chương trình Một bức tranh, nhiều hy vọng. Ảnh: T.T |
Hát giữa yêu thương
Mặc cơn mưa ngày cuối năm như trút, chương trình văn nghệ đong đầy cảm xúc kỷ niệm lần thứ 50 Ngày Chủ nhật tình nguyện (thuộc dự án Một bức tranh - Nhiều hy vọng – MBTNHV) vẫn được bắt đầu trước sảnh Bệnh viện Ung bướu Đà Nẵng trong sự háo hức của các bệnh nhân đang điều trị tại đây.
“Một cành hoa em cài mái tóc/ Anh đưa em qua quãng đường dài/ Về thành đô anh may áo cưới/ Ta thương nhau xây dựng ngày mai…” Tiết mục mở màn “Hoa cài mái tóc” của “ca sĩ” Lê Văn Đốc (56 tuổi, người huyện Lý Sơn, tỉnh Quảng Ngãi) – đang điều trị ung thư phổi hơn một năm nay tại bệnh viện chinh phục cả khán phòng với chất giọng hào sảng, tươi vui.
Hỏi ra mới biết, trước đây ông Đốc vốn là ca sĩ nghiệp dư của đảo Lý Sơn, chuyên đi hát đám cưới. Từ ngày vào viện đến nay, đây là lần thứ hai ông được hát và nghe hát, “cứ như được trở lại là mình trước đây vậy”, ông Đốc trải lòng.
Khác với nhiều chương trình văn nghệ khác, từ đầu đến cuối, các giọng ca vừa tạm rời giường bệnh thăng hoa trong sự bao bọc bởi tiếng hò reo cổ vũ, múa phụ họa của đông đảo TNV trẻ tuổi. Phần lớn chương trình, tiếng hát, nụ cười của các “ca sĩ” và khán giả như hòa làm một!
Rất nhiều giọt nước mắt chực ngấn nơi khóe mắt, nhất là mỗi khi bắt gặp những cánh tay run run vì nỗi đau bệnh tật vẫn tạm quên đi nỗi đau bệnh tật để cháy hết mình trên sân khấu. Có người, hôm nay đang đứng trên sân khấu nhưng có thể ngày mai, tuần sau, tháng sau, họ vĩnh viễn rời cõi đời này.
Ông Nguyễn Út – Giám đốc Bệnh viện Ung bướu Đà Nẵng nói, trong rất nhiều hoạt động tình nguyện tại bệnh viện từ trước đến nay, MBTNHV là dự án đậm nét, xuyên suốt nhất. Thực tế cho thấy, không dễ để duy trì lâu dài bất kỳ một chương trình, dự án thiện nguyện, vậy mà MBTNHV không chỉ duy trì mà ngày càng lan tỏa với nhiều hoạt động phong phú, sáng tạo, như hoạt động văn nghệ này, các bệnh nhân rất thích thú. Nhiệm vụ của chúng tôi là tiếp lửa, tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất để dự án tiếp tục “sưởi ấm” bệnh viện đặc biệt này, ông Nguyễn Út nói.
Giảng viên Hồ Dương Đông – người sáng lập, điều hành dự án MBTNHV cho biết, hơn hai năm trước, dự án bắt đầu từ cuộc thi vẽ tranh, chụp ảnh của sinh viên Trường Đại học Bách khoa - ĐH Đà Nẵng (nơi anh Đông công tác).
Chỉ sau 6 tháng, đã huy động được hơn 200 bức treo khắp 10 tầng Bệnh viện Ung bướu Đà Nẵng. Nay số lượng tranh đã tăng lên gấp ba và có mặt ở nhiều bệnh viện khác trên địa bàn thành phố. Lúc đầu chỉ là tranh, đến nay, dự án tổ chức nhiều hoạt động sáng tạo, thiết thực như: dọn vệ sinh, tổ chức các chương trình văn nghệ, hát cho bệnh nhân nghe, quầy sách báo di động, tặng tóc giả cho bệnh nhân…
Riêng lực lượng TNV, lúc đầu chỉ có sinh viên Trường Đại học Bách khoa, nay thu hút đông đảo các TNV là sinh viên của hầu hết các trường đại học, cao đẳng trên địa bàn thành phố. Không ít TNV có độ tuổi còn rất trẻ, là học sinh của các trường THPT, THCS trên địa bàn. Từ một thương hiệu của Đà Nẵng, mô hình dự án MBTNHV giờ đây đã “lan rộng” tại nhiều bệnh viện ung bướu ở Huế, Hà Tĩnh, Nghệ An, Hà Nội…
Những buổi tập yoga tiếp thêm sức mạnh cho bệnh nhân ung thư trên con đường chống chọi với nỗi đau bệnh tật.Ảnh: Q.T |
Tập yoga và… cười
Ai ở trong hoàn cảnh thường trực đối diện với cái chết, đau đớn với những lần xạ trị mới hiểu, nụ cười có ý nghĩa như thế nào với bệnh nhân ung thư. Vậy mà, có không gian thiện nguyện đặc biệt khác, cũng tại Bệnh viện Ung bướu Đà Nẵng - lớp học yoga của chị Hà Thị Thu Hương, họ đã được sảng khoái cười…
Mỗi chiều thứ ba, năm, bảy hằng tuần, những bệnh nhân đang điều trị tại Bệnh viện Ung bướu Đà Nẵng lại có dịp gặp nhau tại phòng tập yoga, tầng 4 bệnh viện. Khác hẳn với không khí u ám, lạnh lẽo của bệnh viện, căn phòng này bừng lên thứ ánh sáng ấm áp, rộn ràng, không giường bệnh, không mùi thuốc men...
Chị Thu Hương - Chủ nhiệm Câu lạc bộ yoga - đồng thời là một “chiến binh” dũng cảm đã chiến thắng trong cuộc chiến chống ung thư cho chính bản thân mình, bồi hồi nhớ lại: trời đất như đổ sụp khi tôi phát hiện mình bị ung thư vào năm 2012. Bệnh viện trong nước và cả nước ngoài đều khẳng định tình trạng bệnh của tôi rất tệ.
Gia đình tôi cũng có vài người mất vì ung thư, trong đó có bố ruột tôi - một bác sĩ. Trong lúc buồn phiền, tôi được gặp và theo học lớp yoga của một thầy người Ấn Độ, sức khỏe cải thiện nhiều, nhất là tinh thần luôn lạc quan. Kiên trì tập luyện yoga, ngồi thiền và có chế độ sinh hoạt, ăn uống điều độ sau 3 năm, “phép mầu” đã đến với chị Hương, cơ thể chị không còn tế bào ung thư cư trú.
Kể từ giờ phút đó, chị Hương hạ quyết tâm “sẽ dùng chính phương pháp đã cứu sống mình để giúp đỡ những bệnh nhân ung thư khác”.
Tâm nguyện của chị đã “gặp gỡ” với mục đích hoạt động nhân đạo của Bệnh viện Ung bướu Đà Nẵng. Khi chị Hương triển khai lớp dạy yoga miễn phí cho bệnh nhân, đội ngũ y bác sĩ, điều dưỡng viên tại bệnh viện đã hỗ trợ chị hết mình. Đặc biệt, bệnh viện còn xây dựng riêng cho chị một đội ngũ TNV - là các điều dưỡng, cán bộ tại bệnh viện để hướng dẫn cho bệnh nhân tập yoga và thiền những buổi chị Hương vắng mặt.
“Bệnh nhân ung thư như “sợi chỉ trên mành”, có những người tập hôm nay nhưng ngày mai lại lao vào cuộc chiến xạ trị, thậm chí, hôm nay còn tập, ngày mai… đã mất. Vì vậy, tôi chỉ biết làm tất cả trong khả năng của mình, miễn họ được vui”, chị Hương thổ lộ.
Chị Mai Thị Xí, người Quảng Ngãi, đã “ra vào” bệnh viện hơn 1 năm nay, bộc bạch: Những người bệnh như chúng tôi khi vào bệnh viện thì cơ thể cũng đã rã rời vì thuốc, do đó, nghe nói tập luyện yoga-một môn thể thao thường dành cho những quý cô giữ dáng, làm đẹp, chúng tôi không ham.
Nhưng cô Hương động viên mãi, cộng thêm các điều dưỡng cũng gần gũi, tỉ tê tâm sự nên chúng tôi khuyến khích nhau cùng lên tập cho có bạn có bè. Lên phòng tập, rời xa phác đồ điều trị, chúng tôi không còn cảm giác mình là người bệnh. Ở phòng tập này, thậm chí, người nhà bệnh nhân cũng hào hứng tham gia. Vui nhất là những buổi tập yoga cười. Và những nụ cười tưởng rất khó đã trở lại với những người đang đối mặt với “án tử” nơi đây.
Nơi gặp gỡ của những tấm lòng
TNV Võ Thị Lành – học sinh Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn luôn cảm thấy bản thân “được nhận” nhiều hơn “cho đi” khi tham gia dự án MBTNHV. Dịp hè vừa qua, dù nhà ở tận quận Ngũ Hành Sơn, với chiếc xe đạp điện đi nửa đường phải sạc pin, nhưng tuần 3 buổi tối hai, tư và sáu, Lành đều đặn lên bệnh viện cùng các TNV khác đến từng giường bệnh trao sách, báo, đàn, hát, kể chuyện động viên tinh thần bệnh nhân, tham gia ngày Chủ nhật tình nguyện ý nghĩa.
Hay với Nguyễn Thị Thanh Minh – sinh viên năm 4, Trường Đại học Ngoại ngữ - ĐH Đà Nẵng - một trong những TNV tích cực, năng động của dự án MBTNHV chia sẻ: “Thật khó diễn tả hết cảm xúc của chúng em khi nghe các cô chú đang điều trị tại đây thuộc tên từng đứa, khi chúng em nhìn thấy niềm vui ánh lên trong những đôi mắt trũng sâu, mệt mỏi”. Còn Mai Xuân Lâm – sinh viên năm 3, Trường Đại học Duy Tân tham gia dự án chưa bao lâu thì nói “Giá như em biết đến dự án sớm hơn”…
Hay như anh Hồ Dương Đông – người đã trải qua nỗi đau có người thân phải ra đi vĩnh viễn vì căn bệnh ung thư quái ác, thì từ lâu anh đã luôn coi những bệnh nhân đang điều trị tại Bệnh viện Ung bướu là người thân của mình. Mỗi lần nhớ lại bức tranh của một bệnh nhân vẽ và mất sau đó chưa đầy một tháng, có ghi dòng chữ “Hãy cho tôi trở lại người nông dân năm nào”, hay cậu bé bị ung thư, cũng là TNV của dự án với ước mơ làm Cảnh sát giao thông…, trong anh lại trào lên nỗi xúc động, thôi thúc khó tả…
Ông Nguyễn Hồng Sơn, Phó Chủ tịch Thường trực Hội Doanh nghiệp quận Hải Châu, cố vấn trưởng của dự án thiện nguyện MBTNHV cho rằng, chính sự gặp gỡ của những tấm lòng đã tạo nên những “liều thuốc tinh thần” kỳ diệu tại Bệnh viện Ung bướu Đà Nẵng, những năm qua.
Nếu không nhận được sự ủng hộ, tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất từ phía bệnh viện, các dự án thiện nguyện của chúng tôi dù có muốn cũng khó lòng thực hiện được. Điều chúng tôi và các bệnh nhân cần nhất không phải ủng hộ nhiều tiền hay ít, bạn hát hay hay dở, mà là “một thông điệp yêu thương”…, ông Sơn bày tỏ.
Thanh Tân-Quỳnh Trang