Chính trị - Xã hội
Đừng lo cán bộ trẻ làm "hư bột hư đường"
Thành ủy Đà Nẵng vừa ban hành đề án có tính đột phá: tiến cử quy hoạch cán bộ dưới 35 tuổi để tạo nguồn cán bộ trẻ đảm nhiệm các chức danh diện Ban Thường vụ Thành ủy quản lý và cán bộ chủ chốt thành phố.
Theo đề án vừa được Thành ủy Đà Nẵng thông qua, nhiều cán bộ trẻ dưới 35 tuổi sẽ được quy hoạch, tiến cử vào đội ngũ lãnh đạo của chính quyền TP. Đà Nẵng trong nhiệm kỳ tới. Trong ảnh: Một kỹ sư trẻ, giỏi chuyên môn hiện công tác tại Công ty Cấp nước Đà Nẵng giới thiệu với Bí thư Thành ủy Đà Nẵng Nguyễn Xuân Anh (trái) về tình hình giám sát nguồn nước ngọt sẽ cấp cho 1 triệu dân của Đà Nẵng. Nguồn: Tuổi Trẻ |
Thẳng thắn và cởi mở, trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Nguyễn Xuân Anh - Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Thành ủy kiêm Chủ tịch HĐND TP. Đà Nẵng - chia sẻ:
- Vì sao chọn người dưới 35 tuổi? Vì khi họ được tiến cử, đưa vào quy hoạch phải trải qua quá trình đi cơ sở, địa bàn khó khăn, phức tạp để thử thách, rèn luyện. Quá trình để cán bộ trẻ được quy hoạch thử thách công việc ở các vị trí công tác đó kéo dài từ 3-5 năm, nếu họ đảm nhiệm xuất sắc, khi bổ nhiệm vào vị trí chủ chốt đã hơn 40 tuổi. Mà 40 tuổi thì không còn gọi là trẻ, nửa đời người rồi.
Theo tôi, con người tầm 40 tuổi là sung mãn về tinh thần lẫn thể lực chứ qua ngưỡng 50 tuổi thì bắt đầu có một số hạn chế. Bây giờ nếu chúng tôi không đào tạo sẽ không có kịp một đội ngũ thay thế cho các nhiệm kỳ sau. Nhiệm kỳ tới, các anh trong Ban Thường vụ Thành ủy, trong Ban chấp hành Đảng bộ thành phố đã nghỉ nhiều.
Tôi dự báo trong giai đoạn 2020-2025 và những năm tiếp theo, cán bộ lãnh đạo, quản lý diện Ban thường vụ Thành ủy quản lý nói chung và cán bộ lãnh đạo chủ chốt thành phố nói riêng sẽ có sự hụt hẫng nhất định. Vậy nên phải có giải pháp đáp ứng yêu cầu cán bộ trong tình hình mới.
* Vậy có phải lãnh đạo Đà Nẵng trước đây chưa chuẩn bị kỹ lớp kế cận?
- Tôi không dám phê phán các vị lãnh đạo tiền nhiệm nhưng như các địa phương khác, mình đang vướng cái đó, lớp sau không kịp thay thế lớp trước. Khi nghỉ đột ngột, đồng loạt dẫn đến tình thế bị động, chắp vá lắm, phải điều chỗ này lấp chỗ kia. Vì không có quá trình rèn luyện, thử thách, khi đó mình không hiểu được cán bộ có quá trình công tác, phẩm chất, đạo đức như thế nào. Đưa họ vào vị trí rồi mới phát hiện năng lực lẫn đạo đức yếu kém... thì quá muộn rồi. Bởi cán bộ mình đưa lên thì được mà khi đưa xuống đâu có dễ.
* Tuy nhiên, tâm lý người dân hiện vẫn chưa hoàn toàn tin vào khả năng các lãnh đạo trẻ tuổi, nhất là một số lãnh đạo trẻ có thành phần xuất thân là “con ông cháu cha”?
- Hiện nhiều người còn tâm lý “Trẻ thì biết gì làm, đưa họ làm lãnh đạo thì hư bột hư đường hết”. Nghĩ như vậy là không phải đâu. Quan điểm của tôi là tạo điều kiện tối đa để anh em phát huy đi cơ sở. Hiện đội ngũ cán bộ trẻ của TP. Đà Nẵng, nhất là đội ngũ được đào tạo ở nước ngoài, giỏi lắm. Mình làm Bí thư Thành ủy nhưng chưa chắc đã giỏi hơn các cán bộ trẻ.
Mình làm Bí thư thì tập hợp, sử dụng, phát huy tối đa năng lực của anh em là chính; đồng thời đưa ra chủ trương, chính sách trên tinh thần lắng nghe ý kiến của họ. Chứ về chuyên môn, anh em cán bộ trẻ hiện nay rất giỏi và tràn đầy sức lực, nhiệt huyết cống hiến.
Có nhiều bạn trẻ được đào tạo bài bản từ nước ngoài về, vậy tại sao thành phố không cho họ cơ hội? Còn thành hay bại là tại bản thân họ chứ. Nếu thành phố không tạo điều kiện cho họ phấn đấu, trưởng thành thì chắc chắn họ sẽ trách sao lãnh đạo không cho họ cơ hội. Tôi tin họ làm rất tốt khi được giao việc.
Bản thân tôi cũng thuộc diện con lãnh đạo, mà nhiều vị lãnh đạo Nhà nước bây giờ cũng là con các vị lãnh đạo tiền bối thôi. Người có đầy đủ phẩm chất, năng lực thì phải giao việc cho họ. Mình giới thiệu, tiến cử quy hoạch cho được việc mình thì không nên, vì giới thiệu rồi mà người thân mình kém, làm việc không ra hồn thì xấu hổ lắm.
Bí thư Thành ủy Nguyễn Xuân Anh kiểm tra công tác khắc phục ô nhiễm môi trường tại bãi rác Khánh Sơn.Ảnh: SƠN TRUNG |
* Vậy sắp tới đây đề án tiến cử cán bộ trẻ có cho phép lãnh đạo thành phố tiến cử người thân của mình vào diện quy hoạch? Danh sách người được tiến cử, quy hoạch có được công bố để dư luận giám sát không?
- Hiện chưa có quy định nào cấm lãnh đạo tiến cử người thân vào diện quy hoạch. Nhưng tôi tin rằng lãnh đạo họ có liêm sĩ khi tiến cử một người thân của mình vào quy hoạch. Cán bộ lãnh đạo đủ độ nhạy cảm để biết rằng mình có nên giới thiệu người thân của mình vào quy hoạch hay không, khi biết rõ người thân mình không có năng lực. Tôi nghĩ ở Đà Nẵng sẽ không ai làm việc đó cả. Tuy nhiên, mình phải thẳng thắn với nhau rằng đừng có cứng nhắc việc giới thiệu người thân. Chỉ sợ người đó năng lực yếu kém mà được giới thiệu thì không nên.
Trong quý 2-2017, chúng tôi sẽ bắt đầu làm quy hoạch. Chúng tôi cũng làm theo quy định nhưng sẽ công bố rộng rãi và đầy đủ hơn. Ví dụ quy hoạch cán bộ ở Thành ủy được công bố rộng rãi trong Ban Chấp hành Đảng bộ thành phố, công bố về đơn vị người đó công tác và cả chi bộ cơ sở người đó đang sinh hoạt. Còn kiểu đăng danh sách lên để báo đăng đài đọc thì chưa.
* Nếu sau một thời gian thử thách, người được tiến cử làm không tốt sẽ xử lý thế nào? Còn trách nhiệm của lãnh đạo đứng ra tiến cử đến đâu?
- Quy hoạch là “có ra có vào” chứ không ai đóng kín hết. Anh vi phạm, không hoàn thành thì mời ra khỏi vị trí quy hoạch để người khác vào. Giả dụ hồi đó tôi đánh giá ông tốt nên giới thiệu, đưa vào quy hoạch. Nhưng trong quá trình công tác ông làm không hiệu quả, phẩm chất chính trị có vấn đề thì đưa ra. Quy hoạch một vị trí có ba người, một người cho ba vị trí. Không có chuyện được quy hoạch rồi vào đó thích gì thì làm.
Còn chuyện người lãnh đạo biết người mình tiến cử có sai phạm, biết rõ cán bộ đó không tốt mà giấu, rồi giới thiệu thì phải chịu trách nhiệm. Nhưng cũng có trường hợp trước khi tiến cử anh làm tốt, tuy nhiên vài năm sau anh lại có biểu hiện vi phạm thì đổ lỗi cho người giới thiệu cũng rất khó.
* Vậy làm sao để hạn chế việc tiến cử nhầm người? Đề án tiến cử cán bộ vào quy hoạch lần này có đặt nặng vấn đề lý lịch?
- Chúng tôi đang bàn thảo và sẽ có sự sàng lọc kỹ càng. Theo đó, một Thành ủy viên được tiến cử hai người nhưng cũng trải qua quy trình bỏ phiếu, sàng lọc, mình tiến cử mà người khác không đồng ý thì sao? Tôi cho rằng nếu hai người có năng lực như nhau, nhưng lý lịch người nào “sạch” hơn sẽ chọn người ấy. Riêng chuyện người được tiến cử nhưng mơ hồ về chính trị là không thể chấp nhận.
Tuy nhiên, một người quá giỏi về chuyên môn, đạo đức cũng tốt, nhưng lý lịch gia đình có vấn đề thì thành phố sẽ cân nhắc để sử dụng họ, nếu không sẽ lãng phí nguồn nhân lực.
* Nhưng muốn cán bộ trẻ có “sân” để thể hiện thì đòi hỏi cán bộ lớn tuổi phải nhường sân. Thành phố có chính sách để động viên những người lớn tuổi, năng lực có hạn về hưu sớm?
- Thực ra bây giờ TP. Đà Nẵng đang có chính sách và động viên mấy anh lớn tuổi còn một, hai năm nữa về hưu nên về sớm để nhường “sân” cho lớp trẻ. Tuy nghỉ hưu sớm nhưng thành phố sẽ xem xét cấp đầy đủ chế độ như đang giữ chức vụ trước đó, bên cạnh các chính sách của Chính phủ.
* Việc tiến cử cán bộ quy hoạch làm lãnh đạo có đặt nặng yếu tố “người Quảng” không, thưa ông?
- Không. Cán bộ đó trước tiên phải sinh sống trên địa bàn TP. Đà Nẵng, không phân biệt người có gốc gác vùng miền nào, giọng nói thế nào. Anh có thấy không, anh Nam (Lê Quang Nam - Giám đốc Sở Tài Nguyên - Môi Trường) vừa được bổ nhiệm là người Huế, anh Bằng (Đào Tấn Bằng - Chánh văn phòng Thành ủy) là người Bình Định. Làm tốt thì chúng tôi sẽ chọn thôi.
Trẻ, có năng lực và giỏi ngoại ngữ Bí thư Thành ủy Đà Nẵng Nguyễn Xuân Anh vừa ký phê duyệt đề án xây dựng và tạo nguồn cán bộ trẻ đảm nhiệm các chức danh diện Ban Thường vụ Thành ủy quản lý và cán bộ chủ chốt thành phố. Theo đó, tiêu chuẩn chuyên môn của cán bộ gồm: tốt nghiệp đại học chính quy công lập hoặc tốt nghiệp bậc đại học trở lên tại một số cơ sở đào tạo ở nước ngoài được Bộ GD&ĐT công nhận (kết quả tốt nghiệp loại khá trở lên), khả năng ngoại ngữ B1 châu Âu; trình độ lý luận chính trị từ trung cấp trở lên; có độ tuổi từ 35 trở xuống và ít nhất 5 năm công tác tại các cơ quan, đơn vị ở Đà Nẵng. Trên cơ sở đó, các Thành ủy viên, thủ trưởng các sở, ban, ngành, Mặt trận, đoàn thể, bí thư quận ủy, huyện ủy... sẽ là người tiến cử các cán bộ công tác tại địa phương, đơn vị. Người tiến cử phải có trách nhiệm theo dõi, giúp đỡ cán bộ phát triển, đồng thời chịu trách nhiệm cá nhân khi cán bộ sai phạm, vi phạm đến mức độ phải thi hành các hình thức kỷ luật của Đảng, chính quyền. Thành ủy Đà Nẵng cũng yêu cầu các đơn vị liên quan nghiên cứu tăng thêm các chức danh phó bí thư cấp quận, huyện và phó giám đốc sở, ban, ngành... để tạo điều kiện cho cán bộ trẻ rèn luyện, thử thách. Theo dự báo, giai đoạn 2020-2025 và những năm tiếp theo, cán bộ lãnh đạo thuộc diện Ban Thường vụ Thành ủy Đà Nẵng quản lý và cán bộ lãnh đạo chủ chốt thành phố sẽ có sự thiếu hụt nhất định. Như tại đại hội nhiệm kỳ 2015-2020, số cán bộ trẻ dưới 40 tuổi được bầu vào Thành ủy tuy có tăng nhưng mới đạt 9,6% (5/52 người). |
Nhiều người thích làm chính quyền hơn ban Đảng Bí thư Thành ủy Nguyễn Xuân Anh cho rằng hiện ở Đà Nẵng có tình trạng nhiều cán bộ lãnh đạo không thích làm các ban Đảng mà thích làm chính quyền hơn. Làm Phó Chủ tịch thành phố thì thích mà làm trưởng ban Đảng thì không ưa. Tâm lý không muốn vào thường vụ, thích làm chính quyền, còn lỡ vô thường vụ ngại về nhận công tác ở các ban dân vận hay ban tuyên giáo. |
Nguồn: TUỔI TRẺ