Chính trị - Xã hội
Kiểm soát mất cân bằng giới tính khi sinh
Các chuyên gia của tổ chức Phụ nữ Liên Hiệp Quốc (LHQ), Quỹ Nhi đồng LHQ, Quỹ Dân số và Nhân quyền LHQ đã khẳng định: “Nơi nào không có tư tưởng trọng nam khinh nữ thì dù ở đó sẵn có các công nghệ tiên tiến để phát hiện giới tính thai nhi, cũng sẽ không ai sử dụng.
Do vậy ở đó, tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh cũng sẽ không xảy ra”. Sự kỳ thị cần chặn đứng. Tư tưởng trọng nam khinh nữ, muốn sinh con trai nối dõi tông đường có từ lâu đời và các yếu tố liên quan khác… dẫn đến thừa nam, thiếu nữ ảnh hưởng đến an ninh xã hội như nam giới khó có cơ hội lấy vợ, nạn buôn bán phụ nữ, xâm hại tình dục có nguy cơ tiềm ẩn…
Tuyên truyền Ngày Dân số Việt Nam |
Ngay từ năm 1994, trong Chương trình hành động của Hội nghị Dân số và phát triển thế giới được tổ chức tại Cairo – Aicập, 198 nước tham gia đã nhất trí: “Xóa bỏ mọi hình thức phân biệt đối xử với trẻ gái cũng như những nguyên nhân gốc rễ của tư tưởng thích con trai, gây ra những hành vi tai hại và phi đạo đức, liên quan đến lựa chọn giới tính và giết trẻ sơ sinh gái” và “Nâng cao nhận thức xã hội về giá trị của trẻ em gái, từ đó nâng cao lòng tự trọng và ưu thế của trẻ em gái”.
Sau 18 năm kể từ Hội nghị Dân số và phát triển tổ chức tại Cairo, tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh không những chưa được khắc phục mà ngày càng trở nên nghiêm trọng. Nghiên cứu hiện tượng mất cân bằng giới tính khi sinh trong gần 2 thập kỷ qua, các chuyên gia LHQ cho rằng:
Truyền thống thừa kế của chế độ phụ hệ ở nhiều cộng đồng xã hội cùng với việc trông cậy vào sự hỗ trợ tài chính của con trai để bảo đảm an sinh khi về già cùng với nghi lễ mai táng chính là tiền đề quan trọng nhất trong các chuẩn mực xã hội, đã tạo ra giá trị lớn nhất của trẻ trai so với trẻ gái.
Ngoài ra, xu hướng giảm quy mô gia đình, đôi khi cũng do áp lực của chính sách hạn chế số con càng làm sâu sắc thêm tư tưởng gốc rễ thích con trai. Và kết quả là tạo ra áp lực gia đình và xã hội rất lớn đối với người phụ nữ.
Họ buộc phải sinh bằng được con trai. Sự “thất bại” của họ có thể dẫn đến những hậu quả bạo hành, sự từ bỏ của gia đình và thậm chí là cái chết. Do vậy, nhiều phụ nữ bất chấp sức khỏe, tính mạng của mình, buộc phải mang thai nhiều lần, cho đến khi có được con trai!
Trong những năm qua, công tác Dân số và kế hoạch hóa gia đình trên địa bàn Đà Nẵng đạt được những kết quả quan trọng, góp phần tích cực trong chiến lược phát triển kinh tế-xã hội. Tuy nhiên, những năm gần đây, nguy cơ dẫn đến mất cân bằng giới tính khi sinh vẫn tiếp diễn.
Tỷ số giới tính khi sinh từ năm 2011-2015 dao động từ 107-110 trẻ sơ sinh trai/100 trẻ sơ sinh gái là trên mức ngưỡng tự nhiên. Năm 2016, đã kiềm chế tốc độ gia tăng tỷ số giới tính khi sinh dưới 0,3%. Tổng số trẻ em sinh ra là 13.611 trẻ, trong đó 7.023 bé trai/6.588 bé gái. Tỷ số giới tính khi sinh tương đương 106,6 bé trai/100 bé gái.
Để kịp thời giảm tốc độ gia tăng tỷ số giới tính khi sinh, bảo đảm cân bằng giới tính trong tương lai, góp phần nâng cao chất lượng dân số, Đà Nẵng đã ban hành kế hoạch thực hiện Đề án Kiểm soát mất cân bằng giới tính khi sinh giai đoạn 2016-2020 với kinh phí dự kiến trên 6,6 tỷ đồng.
Từ nay đến năm 2020, các ban, ngành, địa phương, hội, đoàn thể có nhiệm vụ tổ chức các hoạt động tuyên truyền để nâng cao nhận thức, ý thức trách nhiệm của mỗi cá nhân, gia đình và cộng đồng trong việc thực hiện các quy định của pháp luật về nghiêm cấm việc cung cấp dịch vụ liên quan đến lựa chọn giới tính thai nhi.
Bài và ảnh: MINH PHÚC