Chính trị - Xã hội
Tháo gỡ khó khăn về kiểm tra, giám sát an toàn thực phẩm
Thời gian qua, công tác an toàn vệ sinh thực phẩm (ATVSTP) trên địa bàn quận Thanh Khê được triển khai thường xuyên, sâu rộng.
Theo ông Lê Văn Thêm, Phó phòng Y tế quận Thanh Khê, các cấp lãnh đạo, cơ quan Nhà nước trên địa bàn quận thời gian qua đã nhận thức đầy đủ về tầm quan trọng của công tác quản lý Nhà nước về ATVSTP nên đã gắn trách nhiệm của người đứng đầu với nhiệm vụ quan trọng này. Các chương trình, kế hoạch hành động vì thế được triển khai phù hợp, hiệu quả hơn. Công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật về ATVSTP thường xuyên được đổi mới, đa dạng bằng nhiều hình thức. Thông qua sự phối hợp chặt chẽ giữa các ngành, địa phương, công tác kiểm tra, xử phạt những tổ chức, cá nhân vi phạm thường xuyên được thực hiện. Chỉ tính riêng trong năm 2016, đoàn công tác liên ngành tổ chức kiểm tra 101/121 cơ sở sản xuất, chế biến, 184 cơ sở sản xuất, kinh doanh, chế biến thực phẩm. Qua kiểm tra, 227 cơ sở bảo đảm các quy định về ATVSTP, phát hiện 8 cơ sở vi phạm. Bên cạnh đó, các phường cũng đã tổ chức ra quân kiểm tra 794 cơ sở kinh doanh thực phẩm, kinh doanh dịch vụ ăn uống, bếp ăn tập thể dưới 30 trẻ. Qua đó phát hiện 54 cơ sở vi phạm các quy định Nhà nước về công tác ATVSTP.
Tuy nhiên, theo đánh giá chung, nhiệm vụ này đang gặp một số tồn tại, hạn chế. Các sản phẩm rau, củ quả, thủy sản tươi sống chủ yếu nhập về từ các địa phương khác nên khó kiểm soát nguồn gốc, xuất xứ. Việc buôn bán, sử dụng hàng hóa, thực phẩm không nhãn mác, hạn sử dụng vẫn còn diễn ra. Ngoài ra, tại Đà Nẵng, một số chỉ tiêu xét nghiệm trong thực phẩm không thể thực hiện được mà phải gửi đi nơi khác. Thời gian trả kết quả xét nghiệm kéo dài, chưa đáp ứng yêu cầu xử lý nhanh, ngăn chặn kịp thời đối với thực phẩm không bảo đảm chất lượng. Trong khi đó, theo ông Lê Hữu Khanh, Chủ tịch UBND phường Thanh Khê Đông, việc quản lý và kiểm tra thức ăn đường phố gặp nhiều khó khăn do địa điểm kinh doanh không cố định, mang tính thời vụ, việc buôn bán thường diễn ra ngoài giờ hành chính. “Đa phần các hộ kinh doanh thức ăn đường phố chưa có thói quen lưu hóa đơn mua hàng và không mở sổ nhập hàng nên không chứng minh được việc mua hàng có nguồn gốc. Mặt khác, những hộ kinh doanh thực phẩm trong chợ chưa có hóa đơn bán lẻ để cung cấp cho khách hàng”, ông Khanh cho biết.
Thời gian đến, các cấp, ngành, địa phương trên địa bàn quận đặt ra nhiều mục tiêu quan trọng. Trong đó phấn đấu đến hết năm 2017, tất cả các khu dân cư trên địa bàn đều tổ chức hoạt động tuyên truyền, vận động, giám sát ATVSTP. 100% các cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm phải được kiểm tra, giám sát thường xuyên, đồng thời 80% số cơ sở này phải bảo đảm các điều kiện ATVSTP. Đối với tuyến phường, kế hoạch quản lý thức ăn đường phố phải được triển khai có hiệu quả. Các phường đạt tiêu chuẩn “Phường văn minh đô thị” phải đạt tiêu chí về ATVSTP. Đặc biệt, tăng cường công tác phòng, chống ngộ độc thực phẩm, hạn chế tối đa các bệnh truyền qua thực phẩm xảy ra trên địa bàn quận.
ĐẠI BÌNH