Chính trị - Xã hội

Kinh phí Công đoàn là để chăm lo, bảo vệ người lao động

14:29, 28/09/2017 (GMT+7)

Mặc dù đã có những quy định của pháp luật về việc trích nộp kinh phí Công đoàn đối với các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp, nhưng đến nay công tác thu vẫn còn gặp nhiều khó khăn, kết quả thu thấp. Việc Tổng LĐLĐ Việt Nam phối hợp và chọn Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam (Vietinbank) làm đối tác cung cấp phần mềm quản lý thu kinh phí Công đoàn nhằm tăng cường quản lý và hạn chế thất thu theo phương thức mới, kỳ vọng tổ chức Công đoàn cả nước sẽ triển khai, làm tốt công tác này.

Tổng LĐLĐ Việt Nam phối hợp Vietinbank tập huấn triển khai thu kinh phí Công đoàn khu vực sản xuất kinh doanh qua hệ thống ngân hàng.
Tổng LĐLĐ Việt Nam phối hợp Vietinbank tập huấn triển khai thu kinh phí Công đoàn khu vực sản xuất kinh doanh qua hệ thống ngân hàng.

Ngày 20-6-2012, tại kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XIII đã thông qua Luật Công đoàn. Theo đó, luật quy định rõ tại Điều 26: Kinh phí Công đoàn do cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp đóng bằng 2% quỹ tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội cho người lao động. Nhưng đến nay, theo ông Phan Văn Anh, Ủy viên Đoàn Chủ tịch, Trưởng ban Tài chính Tổng LĐLĐ Việt Nam, công tác thu kinh phí Công đoàn vẫn còn gặp nhiều khó khăn, kết quả thu thấp, thất thoát... Qua nghiên cứu, phối hợp và sử dụng phần mềm quản lý thu theo phương thức mới, đồng thời triển khai thí điểm ở LĐLĐ quận Nam Từ Liêm (Hà Nội) đạt nhiều hiệu quả, Tổng LĐLĐ Việt Nam tiến hành triển khai đồng bộ trong cả nước. Đó là lý do vừa qua, tại thành phố Đà Nẵng, Tổng LĐLĐ Việt Nam phối hợp Vietinbank tổ chức tập huấn triển khai thu kinh phí Công đoàn khu vực sản xuất, kinh doanh qua hệ thống ngân hàng cho các Công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở, chủ tịch và kế toán các Công đoàn cơ sở thuộc 9 tỉnh, thành phố khu vực miền Trung từ Quảng Bình đến Ninh Thuận.

Ngoài Tổng LĐLĐ Việt Nam với số tài khoản: 117001366668, các cấp Công đoàn cấp 2 (LĐLĐ tỉnh, thành phố và tương đương), Công đoàn cấp 3 (LĐLĐ quận, huyện và tương đương) và Công đoàn cấp 4 (Công đoàn cơ sở) đều được Vietinbank gắn số tài khoản. Sau 24 giờ kể từ khi chủ doanh nghiệp nộp kinh phí Công đoàn vào tài khoản Tổng LĐLĐ Việt Nam, 67% mức đóng đó sẽ được chuyển vào tài khoản của CĐCS doanh nghiệp đó, 33% còn lại được chuyển tới các cấp Công đoàn cấp trên chậm nhất trong vòng 7-10 ngày.

Trường hợp doanh nghiệp chưa có CĐCS, 67% mức đóng kinh phí Công đoàn sẽ được chuyển cho Công đoàn cấp 2 hoặc cấp 3 quản lý doanh nghiệp đó. Cũng qua phần mềm này, việc đơn vị nào đóng kinh phí Công đoàn đến đâu hoặc chưa đóng, còn thiếu bao nhiêu… đều được cập nhật để các Công đoàn cấp trên nắm được.

Bà Văn Thúy Hằng, Trưởng ban Tài chính LĐLĐ thành phố đề nghị, trong quá trình triển khai thu theo phương thức mới, sau khi nhận 2% kinh phí doanh nghiệp chuyển, Tổng LĐLĐ Việt Nam chuyển thẳng 33% còn lại tới Công đoàn cấp trên trực tiếp của CĐCS đó để hạn chế phải qua một bước trung gian là Công đoàn cấp 2 gây mất nhiều thời gian.

Xác định kinh phí Công đoàn là nguồn để bảo đảm cho hoạt động của Công đoàn và chăm lo, bảo vệ quyền lợi người lao động, Phó Chủ tịch Thường trực Tổng LĐLĐ Việt Nam Trần Thanh Hải nhấn mạnh, việc thu kinh phí Công đoàn trực tiếp từ các doanh nghiệp và tập trung về Tổng LĐLĐ Việt Nam là giải pháp hữu hiệu để chăm lo tốt cho đoàn viên, người lao động; qua đó, tăng cường hiệu quả quản lý và giảm thất thu tài chính Công đoàn. Để việc triển khai hiệu quả, thời gian tới, Tổng LĐLĐ Việt Nam sẽ giao Ban Tài chính, Ban Tuyên giáo Tổng Liên đoàn phối hợp Báo Lao động mở chuyên mục mới như một diễn đàn nhằm hỗ trợ, tháo gỡ những vướng mắc của các đơn vị, địa phương trong quá trình triển khai thực hiện; đồng thời cũng là một kênh tuyên truyền để các doanh nghiệp hiểu và phối hợp thực hiện tốt công tác trích nộp kinh phí Công đoàn theo quy định.

* Lễ bàn giao “Mái ấm Công đoàn” do Thủ tướng Chính phủ tặng gia đình chị Phan Thị Tuyết Sương, công nhân Công ty TNHH Điện tử Foster Đà Nẵng, vừa diễn ra với sự chứng kiến của ông Trần Thanh Hải, Phó Chủ tịch Thường trực Tổng LĐLĐ Việt Nam; Thường trực LĐLĐ thành phố; đại diện lãnh đạo địa phương và gia đình chị Sương. Đây là 1 trong 20 nhà “Mái ấm Công đoàn” được Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc trao tặng trong Chương trình gặp gỡ công nhân lao động các tỉnh trọng điểm khu vực miền Trung năm 2017, mỗi nhà trị giá 50 triệu đồng.

* LĐLĐ và Hội Liên hiệp Phụ nữ thành phố vừa tổ chức ký kết chương trình phối hợp hoạt động trong nữ CNVCLĐ giai đoạn 2017-2022. Theo đó, 2 đơn vị sẽ phối hợp tổ chức các hoạt động trong nữ CNVCLĐ giai đoạn 2017-2022 với nhiều nội dung quan trọng, như: phối hợp tham gia xây dựng, bổ sung, sửa đổi, kiểm tra, giám sát việc thực hiện chính sách pháp luật liên quan đến lao động nữ, công tác cán bộ nữ, bình đẳng giới; về chính sách việc làm, BHXH, BHYT, vấn đề nhà ở, nhà trẻ, mẫu giáo, đời sống văn hóa cho nữ CNLĐ tại các khu công nghiệp, khu chế xuất; vấn đề gia đình, phòng, chống bạo lực gia đình, chăm sóc sức khỏe sinh sản cho nữ CBCCVC, CNLĐ.

* LĐLĐ thành phố, Công đoàn ngành Công thương thành phố vừa phối hợp tổ chức tuyên truyền pháp luật lao động, công tác an toàn vệ sinh lao động - phòng chống cháy nổ cho gần 80 CNVCLĐ Công ty Quản lý hội chợ - triển lãm và các chợ Đà Nẵng. CNVCLĐ được ban tổ chức giới thiệu những nội dung cơ bản của Bộ luật Lao động năm 2012, Luật Bảo hiểm xã hội, Bảo hiểm y tế, Luật Việc làm; các nội dung liên quan đến công tác an toàn vệ sinh lao động, kỹ thuật an toàn trong lao động, sơ cấp cứu một số trường hợp tai nạn lao động thường gặp.

* Công đoàn Viên chức thành phố vừa khánh thành và đưa vào sử dụng hệ thống máy tập thể dục phục vụ đoàn viên, công chức, viên chức, lao động tại công viên thuộc khu chung cư A6 Vũng Thùng, phường Nại Hiên Đông, quận Sơn Trà. Đây là công trình chào mừng Đại hội Công đoàn Viên chức thành phố Đà Nẵng lần thứ 6, nhiệm kỳ 2017-2022.

Thành Điệp

Ngọc Yến

.