Chính trị - Xã hội

Cảm hóa những người lạc lối

16:45, 27/10/2017 (GMT+7)

Không chỉ là cơ sở sản xuất, kinh doanh thuần túy, Hợp tác xã (HTX) Ô-tô Liên Chiểu (Ga-ra Ninh) còn tiếp nhận, dạy nghề miễn phí, tạo cơ hội việc làm cho những thanh - thiếu niên chậm tiến, từng vi phạm pháp luật để họ hòa nhập cộng đồng, trở thành người có ích cho xã hội.

Học viên thực hành sửa chữa ở Ga-ra Ninh.
Học viên thực hành sửa chữa ở Ga-ra Ninh.

Hơn 9 năm qua, HTX Ô-tô Liên Chiểu do ông Trần Nhật Ninh làm giám đốc không chỉ dạy nghề miễn phí mà còn lo nơi ăn chốn ở cho hơn 500 học viên có hoàn cảnh khó khăn, hơn 100 thanh niên hư hỏng và trẻ lang thang cơ nhỡ.

Từng đi bộ đội, rồi học sĩ quan Trường Quân khu 5, ông Ninh rời quân ngũ. Sau 10 năm công tác trong ngành thuế, ông chuyển sang làm cán bộ lâm nghiệp cho Lâm trường Sông Nam. Và cơ duyên đưa ông Ninh đến với nghề sửa chữa ô-tô rất tình cờ. Khi làm cán bộ lâm nghiệp, ông quản lý một đoàn xe cơ giới, mỗi lần xe hỏng máy phải gọi thợ đến sửa và đó là những dịp ông học “mót” nghề... Khi HTX Ô-tô Liên Chiểu thành lập, ông Ninh đóng góp 70% cổ phần vốn và chính thức làm giám đốc.

Từ đây, ông chủ ga-ra này khiến nhiều người ngỡ ngàng khi tiếp nhận, dạy nghề miễn phí, tạo cơ hội việc làm cho những thanh - thiếu niên chậm tiến, từng vi phạm pháp luật để họ hòa nhập cộng đồng, trở thành người có ích cho xã hội. Ông Ninh tâm sự: “Học tập Bác Hồ về tình yêu thương con người, dù biết việc đào tạo, cưu mang số đối tượng này sẽ rất khó khăn, nhưng tôi vẫn động viên gia đình đi theo hướng này. Tôi nghĩ, nếu mình cảm hóa, giáo dục các em nên người thì sẽ bớt gánh nặng cho xã hội”.
Từ sự chỉ bảo của người thầy không bằng cấp Trần Nhật Ninh, nhiều thanh niên trước đây hư hỏng, ăn chơi lêu lổng nay có việc làm ổn định. Ông Ninh cho rằng, cần hiểu tâm lý và nắm bắt hoàn cảnh của học viên khi đến học nghề để công tác giáo dục, cảm hóa mềm mỏng và hiệu quả hơn.

Khi thành phố có chủ trương đẩy mạnh công tác giáo dục, cảm hóa thanh, thiếu niên chậm tiến, ông Ninh nhận đỡ đầu nhiều trường hợp trong danh sách đề xuất của Hội Cựu chiến binh, Quận Đoàn và Công an gửi đến, trong đó có em Phạm Đình H. (quê xã Hòa Liên, huyện Hòa Vang). H. đang học lớp 9 thì bỏ học, suốt ngày lang thang và nghiện game. Vì quá bất lực với con nên cha mẹ gửi H. đến HTX của ông Ninh. Buổi đầu, H. tỏ ra bướng bỉnh, về sau thấy các anh đi trước thuộc dạng còn “bất hảo” hơn mình mà vẫn sống hòa đồng, trách nhiệm, thêm vào đó được ông Ninh chỉ bảo tận tình nên em tiến bộ hẳn…

Em Nguyễn Văn D. cũng là trường hợp cá biệt. D. không cha, không mẹ, sống lang thang. Năm 1997, D. được ông Ninh nhận về nuôi dưỡng, đào tạo nghề, hỗ trợ tiền ăn uống, sắm cho xe đạp. Bằng tấm lòng của người thầy, người cha, ông Ninh đã cảm hóa được D. Sau 2 năm học việc, D. trở thành thợ giỏi, vào TP. Hồ Chí Minh lập nghiệp… Ngoài ra, còn nhiều trường hợp thanh niên chậm tiến được học nghề từ HTX, hiện có việc làm ổn định.

Với phương pháp giáo dục, thuyết phục là chính, ông Ninh tranh thủ thời gian chuyện trò riêng với từng em để tìm hiểu cá tính, điều kiện hoàn cảnh gia đình, để từ đó có biện pháp giáo dục, khuyên răn phù hợp với từng đối tượng. Nhờ vậy, suốt 9 năm qua, HTX đã đào tạo hơn 500 học viên nghèo thành nghề, hơn 70% có việc làm và thu nhập ổn định. Ông Ninh cũng đã trực tiếp cưu mang, đào tạo nghề miễn phí cho hơn 100 thanh - thiếu niên hư hỏng thành người có ích cho xã hội và gia đình. Bên cạnh đó, từ năm 2008 đến nay, vợ chồng ông trích gần 500 triệu đồng tặng quà cho người già, hộ nghèo, ủng hộ các hội, đoàn thể phường Hòa Khánh Nam, quận Liên Chiểu và huyện Hòa Vang...

Bài và ảnh: THÀNH LÂN

.