Chính trị - Xã hội
Sinh thêm, cho cũng sợ...
Nhớ lại cách đây hơn 10 năm, tình cờ xem bản tin trên truyền hình nói về một đất nước ở châu Âu nỗ lực vận động người dân… sinh thêm, tôi thực sự bất ngờ vì trước đó tôi chỉ toàn thấy băng rôn, pa-nô treo đầy đường tuyên truyền sinh “có kế hoạch”, đài báo cũng đọc rôm rả quanh năm rằng dân ta chỉ nên sinh “từ 1 đến 2 con”. Nói chung, vì chỉ biết duy nhất một chiều “giảm sinh” nên tôi cứ ngỡ vấn đề dân số của mỗi quốc gia là làm sao sinh thật ít để “nuôi dạy con tốt”.
Ấy vậy mà hiện nay, chuyện xa xôi ở quốc gia phát triển nào đó cũng là vấn đề của đất nước mình. Tổng cục Dân số vừa cho hay, Nhà nước sẽ không đặt vấn đề tiếp tục giảm sinh. Đây thực sự là bước ngoặt của Việt Nam sau nhiều thập kỷ nỗ lực kìm hãm mức tăng dân số.
Thì ra, nguy cơ dân số giảm, dân số già là xu hướng “đi kèm” với quá trình phát triển kinh tế, xã hội. Giảm sinh vì thế không được khuyến khích, mà ngược lại, yêu cầu đặt ra là phải làm sao duy trì cho được mức sinh thay thế.
Trước đây các cặp vợ chồng trong độ tuổi sinh đẻ thường xuyên được cán bộ dân số “rỉ tai” sinh in ít, thậm chí cán bộ địa phương “theo sát” chuyện sinh bao nhiêu con để tránh quan niệm “trời sinh voi sinh cỏ”. Nghèo đói, sinh nhiều lấy đâu ăn no, mặc ấm, học hành, chăm sóc sức khỏe tới nơi tới chốn.
Giờ thì một đứa trẻ trong trứng nước đã được chăm bón từ thể chất đến môi trường phát triển giáo dục, y tế… Nhưng ngược đời, ở những địa phương có tốc độ phát triển kinh tế nhanh, cơ hội việc làm nhiều, điều kiện hưởng thụ cuộc sống tốt, người ta lại càng lười sinh. Lúc được ăn no, mặc đẹp, các cặp vợ chồng không màng đẻ “sồn sồn” mà nói tới sinh thêm con, họ chỉ thốt lên chữ: Sợ!
Bởi dù điều kiện chăm sóc con cái đã tốt hơn, nhưng đi cùng với đó là áp lực nuôi và dạy con ngày càng quá lớn. Ai đi qua thời đói khổ cũng không thể quên tuổi thơ “đuổi bướm hái hoa”, tự ăn, tự học như thể cứ lăn lóc ra đó rồi tự lớn.
Nhưng một đứa trẻ con ngày nay đâu có “được” vậy. Bạo lực học đường, xâm hại tình dục, áp lực giao thông, cướp giật… nên các gia đình trẻ đâu dám nuôi con theo “kiểu xưa”. Cuộc sống công nghiệp hiện đại cũng khiến việc sinh nở trở nên trục trặc hơn như sinh khó, nguy cơ tai biến trong thai kỳ, dị tật thai nhi.
Sau 6 tháng nghỉ thai sản, giữ con như thế nào để mẹ an tâm quay trở lại công việc cũng là bài toán đau đầu khác, bởi trường cho trẻ 6 tháng đến 18 tháng tuổi có… cho có, còn thuê được người giúp việc ưng ý thì quá hên xui. Đến lúc con tung tăng đến trường, tiền đi học có thể không thiếu, nhưng mỗi chuyện thành tích, tăng buổi, đổi kiểu thi, thí điểm môn học, thay sách, nâng cao trình độ… đủ khiến việc học của con thành gánh nặng cho cả nhà.
Chưa kể, y tế ngày nay dẫu phát triển vượt bậc, trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ không còn dễ tử vong vì những bệnh “xoàng” như xưa kia, nhưng bệnh dịch và bệnh lạ lại ngày một khó lường. Bệnh viện vì thế có cơi nới thêm cũng suốt ngày kêu la quá tải, cha mẹ thì khổ sở ôm con “chạy” theo dịch và “đua” theo vắc-xin muốn đứ đừ. Kể ra thì lắm chuyện, tóm lại mỗi chữ “sợ”, đến nỗi nhiều người nói luôn: Không những cho sinh thêm mà cho thêm tiền để sinh cũng không dám!
Khảo sát mới nhất của ngành dân số trên 700.000 dân cho thấy, 73% muốn sinh 2 con; 8,3% muốn sinh 1 con; 9,3% muốn sinh 3 con và 8% muốn sinh trên 3 con. Như vậy, số đông vẫn muốn dừng ở 2 con để nuôi dạy… cho đỡ khổ.
Nhưng đó chỉ là “muốn”, còn thực tế, nhiều cặp vợ chồng 8x, 9x nói tới kế hoạch có thêm đứa thứ hai thì thậm thò thậm thụt hơn là cứ “tập 2” thẳng tiến. Bạn tôi, một bà mẹ trẻ ở Thành phố Hồ Chí Minh nêu “kinh nghiệm”: sinh 1 đứa xong là “cắt phim” luôn, dù đứa đầu là con gái.
Thứ nhất, sinh ít để còn tận hưởng cuộc sống nhàn rỗi. Thứ hai, lỡ sinh đứa thứ hai cũng con gái thì lại gặp áp lực cháu gái-cháu trai với ông bà. Rút kinh nghiệm các mẹ, các chị đi trước, cố sinh cho bằng ra con trai, sướng ai không thấy chứ thân người mẹ quá nhọc nhằn nên tốt nhất bạn “chốt” tại đây cho khỏi áp lực…
Mong muốn giảm sinh ở những vùng có mức sinh nhiều và sinh đủ 2 con ở nơi sinh ít coi bộ không hề đơn giản.
TOÀN VÂN