Chính trị - Xã hội
Bài cuối: Thực quyền của HĐND huyện, quận, phường
Việc tái lập HĐND huyện, quận, phường hoạt động theo Luật Tổ chức chính quyền địa phương (TCCQĐP) năm 2015 và Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và HĐND năm 2015 cho thấy các quy định pháp luật về cơ cấu tổ chức, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của HĐND, đại điểu HĐND các cấp được hoàn thiện hơn trước rất nhiều.
Thường trực HĐND huyện Hòa Vang giám sát tiến độ thi công kênh thoát lũ Hòa Liên. |
Qua thực tế hơn một năm hoạt động, quyền năng của HĐND và đại biểu HĐND quận, huyện, phường bước đầu phát huy hiệu quả là cơ quan quyền lực đại diện cho ý chí, nguyện vọng của nhân dân tại địa phương. Tuy nhiên, trong quá trình hoạt động đã nảy sinh một số vướng mắc.
Chưa phát huy hết quyền năng pháp luật quy định
Theo ông Tô Văn Hùng, Trưởng ban Đô thị HĐND thành phố, sau 7 năm thí điểm không tổ chức HĐND huyện, quận, phường, các xã vẫn chưa thực sự nắm bắt và phát huy hết quyền hạn, chức năng, nhiệm vụ mà pháp luật trao cho mình.
Do đó, có thực tế là HĐND cấp xã vẫn mang tâm lý né tránh, không đụng chạm đến những công trình, dự án của thành phố, Trung ương trong quá trình triển khai trên địa bàn của mình quản lý nhưng gây bức xúc cho người dân.
Theo Luật Giám sát của QH và HĐND, HĐND cấp huyện, xã có quyền yêu cầu đối tượng chịu sự giám sát cung cấp thông tin (trừ thông tin thuộc danh mục bảo vệ bí mật Nhà nước), giải trình những vấn đề cử tri bức xúc. Hiện nay, HĐND cấp huyện, xã vẫn còn tâm lý “nhà to” thuộc trách nhiệm giám sát của cấp trên, còn “nhà nhỏ” là của mình.
Tâm lý này cũng “lây lan” sang cả cử tri. Khi có bất cứ bức xúc, vướng mắc gì, cử tri lại gửi đơn lên cấp thành phố mà không biết có những việc chỉ cần đến đúng địa chỉ HĐND quận, huyện, phường, xã là được giải quyết.
Có tình trạng đại biểu HĐND cấp cơ sở nhận thức hạn chế, cho rằng hoạt động giám sát của đại biểu HĐND chỉ thực hiện ở kỳ họp định kỳ 2 lần/năm mà không thấy rằng giám sát là chức năng thường xuyên của đại biểu và các cơ quan của HĐND. “Trên đường đi làm, anh phát hiện vấn đề bất cập trong quản lý đô thị, anh có ý kiến với Thường trực HĐND ngay. Đó chính là giám sát chứ không đợi lập đoàn giám sát này, đoàn giám sát kia đi làm việc hành chính, giám sát qua văn bản báo cáo”, ông Hùng nói.
Thời gian qua, trong các cuộc giao ban Thường trực HĐND thành phố với Thường trực HĐND các quận, huyện, Phó Chủ tịch HĐND thành phố Nguyễn Nho Trung thường xuyên nhắc nhở:
Trong phạm vi chức trách, nhiệm vụ của mình HĐND cấp huyện, xã cứ làm cho đúng việc của mình, tránh việc gì cũng đùn đẩy lên HĐND thành phố. Cho dù là dự án của Trung ương hay thành phố đi nữa, khi triển khai trên địa bàn của mình, nếu gây bức xúc cho cử tri, HĐND phường, xã đó có quyền mời lãnh đạo Ban quản lý dự án đến cung cấp thông tin, giải trình, cam kết chấm dứt việc gây bức xúc cho cử tri. Nếu làm đúng luật, tích cực, hiệu quả, HĐND quận, huyện, phường, xã sẽ khẳng định được thực quyền của mình.
“Pháp luật đã trao quyền, anh hoạt động hình thức hay không chính là do anh chứ không phải do thiếu cơ chế hay hạn chế của pháp luật gì cả”, Phó Chủ tịch HĐND thành phố Nguyễn Nho Trung nhấn mạnh.
Lo Văn phòng ghép “vừa đá bóng, vừa thổi còi”
Một số ý kiến tại các địa phương phản ánh Văn phòng HĐND và Văn phòng UBND quận, huyện, phường, xã đều chung sẽ dẫn đến tình trạng Văn phòng vừa tham mưu cho UBND “đá bóng” vừa tham mưu cho HĐND “thổi còi”.
Một điều chưa hợp lý nữa là cả cơ quan HĐND quận, huyện chỉ có 2 Phó Chủ tịch HĐND và 2 phó Trưởng ban Pháp chế và Kinh tế-Xã hội là đại biểu HĐND chuyên trách nên khó phát huy hết vai trò, chức năng, nhiệm vụ của HĐND. Có ý kiến đề xuất QH nên tách bạch Văn phòng HĐND với Văn phòng UBND quận, huyện ra để bảo đảm hiệu quả công tác tham mưu phục vụ nhiệm vụ của mỗi bên, vừa tránh được tình trạng vừa “đá bóng”, vừa “thổi còi”.
Ở cấp phường, theo ông Nguyễn Hữu Nam, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch HĐND phường Phước Mỹ (quận Sơn Trà), Văn phòng HĐND và UBND phường chỉ cử một cán bộ không chuyên trách làm nhiệm vụ tham mưu cho Thường trực và 2 Ban của HĐND phường. Vì cán bộ chuyên trách không được hưởng lương mà chỉ hưởng phụ cấp theo trình độ đào tạo.
Ví dụ, cán bộ chuyên trách đó có trình độ đại học sẽ hưởng phụ cấp với hệ số 2,34 của lương cơ bản và “đóng đinh” mức phụ cấp này mà không được tăng lên như công chức được tăng lương 3 năm/lần. Như vậy, khó tìm được cán bộ có trình độ cao, tâm huyết để giúp việc cho Thường trực HĐND và các Ban của HĐND phường. Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch HĐND phường Hòa Hiệp Nam Lê Duy Du phản ánh HĐND phường tập trung vào nhiệm vụ giám sát là chủ yếu, việc quyết định về phát triển kinh tế-xã hội vẫn chỉ là thông qua nghị quyết trên cơ sở được cấp trên giao chỉ tiêu bởi chưa được phân cấp về việc này.
Nói về kinh nghiệm hoạt động, Chủ tịch HĐND quận Thanh Khê Nguyễn Thị Minh Nguyệt cho biết, sau 7 năm không tổ chức HĐND quận, huyện, phường, nhiệm kỳ này các đại biểu HĐND quận, phường và tổ chức bộ máy của HĐND gần như hoàn toàn mới, không có cái gì để tiếp quản cả. Do đó, thời gian hoạt động ban đầu còn nhiều bỡ ngỡ. Kinh nghiệm hoạt động thì cần phải có thời gian để tích lũy. Các đại biểu HĐND quận, phường cần được tập huấn kỹ năng hoạt động nhằm nâng cao hơn nữa vai trò, hiệu quả hoạt động của mình.
Phân cấp mạnh hơn, HĐND mới thực quyền
Theo ông Bùi Đức Thụ, Phó Trưởng ban Công tác đại biểu của Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa XIV, quy định Văn phòng HĐND-UBND cấp huyện không ảnh hưởng gì đến hoạt động của cả UBND và HĐND cấp huyện, cũng không có chuyện vừa “đá bóng, vừa thổi còi”.
Những nội dung Văn phòng tham mưu, đề xuất, trình văn bản mới chỉ là “nguyên liệu”, dữ liệu, cơ sở lý luận và thực tiễn. Quyết định là tập thể Thường trực HĐND, tập thể đại biểu HĐND cấp huyện quyết định và biểu quyết quyết định theo đa số, chứ không phải là trình cái nào được cái ấy.
Với tư cách đại biểu nhân dân, người đại biểu HĐND phải nắm được vấn đề, ý chí, nguyện vọng của người dân mà mình đại diện để tham gia quyết định những vấn đề của địa phương. UBND có thể lựa chọn phương án trình, còn tập thể HĐND bằng trí tuệ của mình phải xem xét, thẩm định để quyết định vấn đề nào đồng thuận với phương án trình, cái nào không đồng thuận một phần và cần có phương án hoàn thiện.
“Đứng ở góc độ đó, tôi cho rằng không có chuyện “vừa đá bóng, vừa thổi còi” ở Văn phòng HĐND và UBND cấp huyện”. Chính đại biểu HĐND kiêm nhiệm nhiều “vai” mới “vừa đá bóng, vừa thổi còi”. Đây mới là vấn đề cần xử lý và chủ trương của Đảng, Nhà nước ta là cần tăng dần đại biểu cơ quan dân cử chuyên trách, giảm dần đại biểu kiêm nhiệm”, ông Bùi Đức Thụ nhấn mạnh.
Về ý kiến có nên để riêng các Văn phòng HĐND và UBND cấp tỉnh hay không, ông Bùi Đức Thụ cho biết, trên cơ sở đề án sắp xếp bộ máy trình Hội nghị Trung ương 6, chúng ta sẽ sắp xếp bộ máy. Có thể sẽ có mô hình 3 trong 1 hoặc 2 trong 1 về tổ chức văn phòng. Văn phòng chung được sử dụng để phát huy vai trò tổng hợp, tham mưu cho các cơ quan có chức năng, nhiệm vụ khác nhau. Mục tiêu là không phân biệt quyền anh, quyền tôi, đối trọng giữa 2 cơ quan HĐND và UBND. Hai cơ quan này phải có sự phối kết hợp chặt chẽ vì mục tiêu chung là việc phát triển kinh tế-xã hội, bảo đảm quốc phòng-an ninh của địa phương mình.
“Về vấn đề tổ chức, có ý kiến nói với tôi rằng, HĐND cấp huyện không nhất thiết phải bố trí đến 2 phó Chủ tịch HĐND, chỉ cần một thôi với lý do lãnh đạo, chỉ đạo chỉ cần 1 người, cần là cần người làm. Thứ hai nữa là chức năng, nhiệm vụ của HĐND cấp huyện chỉ ở mức độ thôi. Bởi Luật TCCQĐP quy định chức năng, nhiệm vụ của HĐND cấp huyện rất to nhưng thực ra các lĩnh vực phân cấp cho cấp huyện rất ít, cấp huyện chủ yếu là tổ chức thực hiện”, ông Thụ nói.
Có thể thấy, cấp huyện là một cấp ngân sách nhưng nhiệm vụ thu, chi, chế độ chính sách, định mức, tiêu chuẩn đều được luật hóa nên thực chất quyết định và thực quyền của HĐND cấp huyện rất hạn chế. Thực tế đang đặt ra vấn đề HĐND cấp huyện có cần đến 2 phó chủ tịch hay không? Tương tự, vấn đề quyết định và thực quyền của HĐND cấp phường, xã cũng hạn chế. Mặc dù Luật TCCQĐP có nói đến phân cấp nhưng cụ thể thì dành việc phân cấp cho các luật chuyên ngành, việc phân cấp trên thực tế chưa nhiều.
“Tôi cho rằng cần đẩy mạnh phân cấp, phân quyền hơn nữa cho các cấp chính quyền địa phương. Lúc đó vai trò cơ quan dân cử các cấp ở địa phương mới thực quyền. Như thực tế hiện nay là chưa hợp lý, cái này cần phải có tổng kết, đánh giá lại. Theo quan điểm của tôi, cấp nào quản lý tốt, điều hành hiệu quả thì giao nhiệm vụ cho cấp đó, nhất là cấp cơ sở, tránh tập trung hóa mà dẫn đến cơ chế “xin-cho”, tình trạng cửa quyền, quan liêu, tiêu cực, tham nhũng…
Có thể thấy, qua hơn một năm thực hiện Luật TCCQĐP, HĐND các cấp huyện, quận, phường trên địa bàn thành phố đã có những đột phá khởi sắc trong hoạt động, đặc biệt là phát huy tốt vai trò giám sát theo chức năng, nhiệm vụ được luật định. So với Luật Tổ chức HĐND và UBND năm 2003, Luật TCCQĐP đã hoàn thiện hơn rất nhiều.
Cụ thể là việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của các chủ thể trong tổ chức chính quyền địa phương; gắn kết trong việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ của các chủ thể; nhiệm vụ, quyền hạn của chính quyền theo từng địa bàn; phân định thẩm quyền giữa Trung ương và địa phương, phân cấp, phân quyền, ủy quyền của các cấp chính quyền; việc giám sát của nhân dân trong hoạt động chính quyền… Hiến pháp năm 2013 đã xác định cơ cấu tổ chức, nhiệm vụ, quyền hạn của chính quyền địa phương trong các văn bản luật quy định cụ thể. Điều cần làm là tổng kết, đánh giá để tiếp tục hoàn thiện hơn Luật Tổ chức chính quyền địa phương và các luật có liên quan nhằm bảo đảm phát huy tốt quyết định của chính quyền địa phương các cấp, nhất là cấp huyện, quận, phường, xã.
Bài và ảnh: SƠN TRUNG