Chính trị - Xã hội
Hòn Tàu, một thời và mãi mãi
Hòn Tàu và nhiều ngọn núi phụ cận là một phần của dãy Trường Sơn nhô ra về phía đông, trên địa bàn hai huyện Duy Xuyên, Quế Sơn. Tuy không thâm u cao hiểm như những cánh rừng già trên Hiên, Giằng, ở đây có nhiều hang hốc đá có thể là nơi sinh hoạt, hội họp, làm việc của hàng chục người. Ở đây có những quả núi với cấu tạo địa chất có thể đào những căn hầm lớn vững chắc phần nào chống đỡ được phi pháo ác liệt của địch.
Lễ gắn bia tưởng niệm các liệt sĩ ngành Tuyên huấn hy sinh tại khu căn cứ Hòn Tàu. Ảnh: MỸ HẠNH |
Vùng này không có dân, nhưng có một thế mạnh đặc biệt là từ đây có rất nhiều đường, chỉ cần đi chừng một buổi là có thể đến những vùng bàn đạp, cửa khẩu ven quốc lộ 1, những vùng địch kiểm soát nhưng ta vẫn có cách thâm nhập hoạt động.
Chúng ta có thể theo dốc Bà Son qua khu đền tháp Mỹ Sơn, ra Xuyên Phú, khu tây Duy Xuyên, ra ranh Cây Khế, Xuyên Hiệp, hay đi theo đèo Đá Mái qua Xuyên Trà. Về phía Quế Sơn có thể ra Đồng Lùng, Nghi Sơn rồi đi Phú Thạnh, Nam Bắc cầu Bà Rén.
Từ Mương đôi Hốc Xôi, Lộc Đại ra đường 105 lên Đèo Le. Nhiều ngã đi thoát như thế nên thông tin liên lạc không bao giờ bị chặn đứng, ách tắc, địch bịt ngã này ta đi ngã khác. Phần lớn các ngọn núi đều có cây không lớn nhưng cũng xanh dầy đủ để “rừng che bộ đội rừng vây quân thù”.
Địch có thể (và đã nhiều lần) tập kích vào các cơ quan, thường anh em ta thoát hiểm nhanh, lẹ. Có lần chúng huy động lực lượng lớn với phi pháo yiểm trợ bao vây cái gọi là Sở Chỉ huy Việt cộng Quảng Đà, hàng trăm đồng chí các cơ quan của ta cũng lặng lẽ rút nhanh ra khỏi vòng vây.
Mọi ngã đường từ Hòn Tàu đến những nơi chúng ta cần đến, phải đến. Đó là những nơi chúng ta có thể gặp gỡ, trao đổi với cán bộ, cơ sở từ Hội An, Đà Nẵng ra, là nơi giao liên hợp pháp của ta có thể ra vào thành phố, dẫn người đi về hay mang thư từ công văn (dưới dạng mật mã, hay dùng mực hóa học), bảo đảm thông tin liên lạc, chỉ đạo phong trào đô thị. Đây cũng là nơi chúng ta có thể mua gạo, mắm với số lượng lớn, mua được cả kháng sinh, thuốc sốt rét, giấy mực in, những thứ hàng được xem là quốc cấm.
Thời kỳ này, trên núi du di (cách gọi núi xa lắm) nhiều cơ quan của Đặc khu có hậu cứ. Đó là những khu sản xuất ven các sông A Vương, sông Bung, sông Mi, sông Thanh, đầu nguồn Vu Gia, Thu Bồn. Đây là khu vực thật sự an toàn nhưng chỉ những khi mở các cuộc hội nghị lớn dài ngày hoặc những lúc đồng bằng bị lũ lụt địch giở thủ đoạn đổ nước bắt dế, các cơ quan mới lui về trú tránh. Bởi từ đây xuống đến nơi cần đến, phải đến ít nhất cũng mất 3 – 4 ngày đi bộ cật lực, làm thế nào bảo đảm thông tin liên lạc, chỉ đạo kịp thời.
Có ở núi cao những ngày yên ả, mưa rừng dầm dề, nằm võng bên đống lửa ấm áp mới thấy quý biết bao và cảm ơn căn cứ Hòn Tàu đã cho chúng ta một chỗ đứng độc đáo xa mà gần, kín mà mở để chúng ta góp sức nhỏ bé của mình vào cuộc chiến đấu lớn của dân tộc.
Chúng ta đều biết từ năm 1967, nhất là sau Tết Mậu Thân, các cơ quan của Tỉnh ủy Quảng Đà và Thành ủy Đà Nẵng đều không còn đứng chân được ở vùng nông thôn, đồng bằng trong các nhà dân, được nhân dân đùm bọc, chở che.
Địch đã dùng một lực lượng cực lớn bom pháo, máy cày, chất độc hóa học tiến hành chiến tranh hủy diệt dồn xúc dân vào các khu dồn, trại tập trung, vào vùng đô thị, biến những làng xóm xanh tươi trù phú thành những bãi tranh ngói ngút ngàn, những vùng trắng dân, tự do oanh kích.
Mặc dù vậy, đồng chí Hồ Nghinh, Bí thư Tỉnh ủy kiêm Bí thư Thành ủy vẫn cho hình thành một bộ phận chỉ huy tiền phương thật tinh gọn, do đồng chí trực tiếp phụ trách với mấy cán bộ của các cơ quan giúp việc và bảo vệ trụ bám ở hai bờ bắc nam sông Thu Bồn trong các bãi bói, gò sùi. Nhờ đó đã bảo đảm lãnh đạo, chỉ đạo sâu sát, sắc bén, kịp thời và nêu một tấm gương đầy sức thuyết phục về người lãnh đạo kiên cường, dũng cảm, trụ bám cho toàn Đảng bộ.
Đương nhiên những lúc địch càn quét dữ ác hay khi có những sinh hoạt, hội họp cần thiết, anh Nghinh và Sở Chỉ huy tiền phương lại băng bộ về Hòn Tàu.
Ngoài anh Nghinh và bộ phận chỉ huy như vừa kể, tất cả các cơ quan của Đặc khu từ lực lượng vũ trang, lựu lượng an ninh đến các cơ quan Dân chính Đảng, bệnh xá, nhà in đều đứng chân ở Hòn Tàu.
Anh em ta từ căn cứ này thường xuyên đi về các vùng ven các căn cứ lõm, công tác tập trung cho nhiệm vụ lớn nhất là giành dân. Những chuyến công tác đầy mưu trí dũng cảm đã giữ vững và thắt chặt mối quan hệ máu thịt Đảng và dân, tạo nguồn thực lực để khi có cơ hội vùng lên giệt ác phá kèm, giành quyền làm chủ.
Dù khó khăn thiếu thốn trăm bề, căn cứ Hòn Tàu trong nhiều năm vẫn là nơi cán bộ, chiến sĩ của mấy chục cơ quan sống, chiến đấu và công tác. Ở đây đã mở các lớp huấn luyện ngắn ngày, những hội nghị sơ kết, tổng kết, nhiều kinh nghiệm sống động được đúc kết rồi trở về thực tiễn trong tầm cao hơn.
Ở đây, có những buổi sáng yên tĩnh nghe rõ tiếng đánh máy chữ lách cách hòa trong tiếng nước chảy rì rào dưới khe, có thể thấy cảnh một cán bộ Ban Mặt trận thành phố truyền đạt cho một cơ sở từ Đà Nẵng lên bài học đầu tiên về 5 khâu, 3 bước công tác quần chúng.
Ở đây trong hang đá, các bác sĩ phẫu thuật dưới ánh sáng của đèn pin và những thương binh gồng mình chịu đau vì thiếu thuốc mê và cả thuốc tê. Ở đây anh em tuyên huấn chúng tôi làm báo phát tin để tin thức của chiến trường Quảng Đà sôi động luôn giòn dã trên Đài Giải phóng và Đài Tiếng nói Việt Nam. Ở đây các công nhân nhà in in Báo Cờ giải phóng trên những tờ giấy cúng một mặt trắng một mặt vàng mà đồng bào khu tây đi chợ vùng địch mỗi người mua ít tờ gom lại.
Với tôi, kỷ niệm sâu sắc nhất mà cũng là đau đớn nhất ở Hòn Tàu là cái đêm 21-5-1972.
Ngày này, Ban Tuyên huấn đặc khu mở hội nghị sơ kết công tác (hình như là 3 tháng) có nhiều đồng chí ở các quận, huyện về dự. Buổi tối anh em điện ảnh có chiếu phim phục vụ. Một loạt bom B52 nổ khá xa. Chúng tôi quyết định dừng chiếu phim, mọi người tản về chỗ ngủ của mình. Quá nửa đêm, một loạt B52 trúng cơ quan, tiếng nổ quá sức lớn lại như không nghe thấy gì, đã cướp đi mạng sống của 10 đồng chí.
5 đồng chí còn thi thể, không có vết thương thực thể, tất cả đều chết do sức ép, nằm nguyên vẹn bên nhau như cá chuồn sắp lớp. 5 đồng chí trong 1 hang đá, những khối đá lớn chồng chất không lấy được thi thể ở 5 vùng quê khác nhau (anh Thăng ở Hải Dương, anh Tiệp ở Hà Nội, anh Vinh ở Thanh Hóa, anh Tùng ở Quảng Trị, anh Thu ở Đại Lộc).
(Mãi 40 năm sau, nhờ sự giúp đỡ của bên quân sự, của bà con địa phương với quyết tâm của đồng đội, hang đá được phá dỡ, khai quật, và chỉ còn… một ít xương vụn, một số di vật).
Các đồng chí hy sinh đúng ngày Ních-Xơn đến Mạc Tư Khoa vận động Liên Xô gây sức ép với ta trong đàm phán ở Paris. Hội nghị của chúng tôi cũng đề cập sơ qua vấn đề này. Quảng Trị đang quyết liệt ở Thành Cổ, cả nước và Quảng Đà phải đẩy mạnh tấn công phối hợp chia lửa với Quảng Trị và luôn nhớ rằng cái gì chúng không giành được ở chiến trường thì không thể giành được ở bàn đàm phán.
3 tháng trước, cũng trong mưu đồ ấy, Ních-Xơn đến Bắc Kinh. Chúng tôi cũng được truyền đạt đơn giản thôi “ông ấy gõ cửa nhầm nhà” và là cơ quan làm công tác tư tưởng, chúng tôi còn được nghe câu ca dân gian:
Bà Bình đẩy Mỹ xuống ao
Cụ Mao lẩm cẩm đưa sào vớt lên
Những chiến sĩ bình dị hy sinh thầm lặng ở một góc rừng không tên trên Hòn Tàu mà sao lại liên quan đến những sự kiện nóng bỏng hàng đầu của thế giới.
Các đồng chí của chúng tôi, Hòn Tàu của chúng tôi đã sống, chiến đấu và dâng hiến như thế.
Những ngày này các hoạt động kỷ niệm 50 năm Ngày thành lập Đặc khu ủy Quảng Đà làm sống lại trong chúng tôi bao nhiêu ký ức của một thời Hòn Tàu. Có người trăn trở thổ lộ: Chắc đến kỷ niệm 60 năm thì tất cả sẽ nhạt nhòa, quên lãng.
Nhưng rồi chúng tôi thấy ấm lòng, nhân kỷ niệm 50 năm Đặc khu ủy Quảng Đà, Tỉnh ủy Quảng Nam và Thành ủy Đà Nẵng đã quyết tâm đầu tư xây dựng công trình bảo tồn tôn tạo khu căn cứ cách mạng Đặc khu ủy Quảng Đà ở Hòn Tàu. Dẫu chưa phải là hoàn hảo như mong đợi nhưng chắc chắn công trình này sẽ được tiếp tục, Hòn Tàu sẽ là một địa chỉ đỏ của du lịch về nguồn và hơn thế.
Ước mong và tin rằng, Hòn Tàu – một di tích quốc gia sẽ được quy hoạch tôn tạo và quản lý bài bản, chuyên nghiệp. Những nhân chứng lịch sử của Hòn Tàu, kể cả những nhân vật quan trọng nhất đều có niên hạn. Di tích nói về họ, có thể là như thế, nhưng phải hướng tới phải thuộc về những thế hệ trẻ. Chỉ có như vậy nó mới có cuộc sống, mới có sức sống.
Tôi có lãng mạn quá không khi tin rằng… mai này tour du lịch về nguồn di tích Hòn Tàu sẽ kết nối với khu đền tháp Mỹ Sơn, di sản văn hóa thế giới, với khu thủy điện Duy Sơn lồng lộng vẻ đẹp của người anh hùng Lưu Ban, người con đất Quảng dám nghĩ dám làm và đã làm nên kỳ tích giữa một thời bao cấp còn quá nhiều trói buộc.
Nguyễn Đình An