Chính trị - Xã hội
Phát huy sự đồng thuận
Ngày 18-11-1930, Ban Thường vụ Trung ương Đảng ban hành Chỉ thị về việc thành lập Hội Phản đế đồng minh để tập hợp lực lượng của các tầng lớp nhân dân đấu tranh chống thực dân Pháp, giành lại độc lập dân tộc. Ngày 18-11 hằng năm trở thành Ngày truyền thống của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và là Ngày Hội Đại đoàn kết toàn dân tộc.
Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc ở thôn Hưởng Phước, xã Hòa Liên (huyện Hòa Vang). |
Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc được tổ chức sâu rộng tại các khu dân cư thực sự đầy ý nghĩa và mang tính đồng thuận của lòng dân và sự đoàn kết sâu sắc trong cộng đồng dân cư. Thông qua tổ chức Ngày hội tuyên truyền, giáo dục, vận động nhằm nâng cao nhận thức của các tầng lớp nhân dân về chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về Đại đoàn kết toàn dân tộc; về yêu cầu đại đoàn kết trong thời kỳ đổi mới đất nước; về lịch sử vẻ vang và sự đóng góp to lớn của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam trong lịch sử dân tộc Việt Nam; về vai trò của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam trong giai đoạn hiện nay.
Để Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc ở khu dân cư được sinh động, các địa phương mời các đồng chí lãnh đạo cấp ủy, chính quyền, Mặt trận cùng tham gia Ngày hội với nhân dân ở các khu dân cư. Đồng thời để tạo khí thế thi đua sôi nổi trước, trong và sau Ngày hội, từng khu dân cư, tùy theo từng nơi, các địa phương có thể tổ chức các hoạt động như trao nhà đại đoàn kết, nhà tình nghĩa; thăm và tặng quà các gia đình chính sách, cán bộ lão thành cách mạng, cán bộ Mặt trận các thời kỳ, các gia đình có hoàn cảnh khó khăn; tổ chức các cuộc thi, liên hoan văn nghệ, hái hoa dân chủ, tổ chức các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục, thể thao, các trò chơi dân gian mang tính truyền thống văn hóa của địa phương, dân tộc, sinh hoạt văn hóa cộng đồng, chú trọng phát huy nét đẹp văn hóa truyền thống của dân tộc, của địa phương. Chú ý phát huy vai trò, thế mạnh của các tổ chức thành viên, các tổ chức, cá nhân sinh sống tại địa bàn dân cư; tùy theo điều kiện của từng địa phương, có thể tổ chức “bữa cơm đoàn kết” tại khu dân cư... Đây cũng là dịp để mỗi hộ gia đình, mỗi người dân trong khu dân cư có điều kiện xích lại gần nhau, tình làng nghĩa xóm ngày càng bền chặt.
Ngày hội còn là dịp để tổng kết, biểu dương, khen thưởng các cá nhân, gia đình, tập thể điển hình tiên tiến trong việc hưởng ứng, tham gia thực hiện các Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”, “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, trao danh hiệu Gia đình văn hóa, công tác an sinh xã hội... Dịp này, bà con tại các khu dân cư cùng ngồi lại với nhau để cùng nhìn nhận, đánh giá những công việc đã làm được và chưa làm được trong các phong trào thi đua yêu nước do MTTQ Việt Nam phát động; việc thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước; các quy ước của cộng đồng trong năm qua...
Sinh thời Chủ tịch Hồ Chí Minh từng căn dặn: “Làm việc gì cũng phải có quần chúng. Không có quần chúng thì không thể làm được...” hay “Dễ mười lần không dân cũng chịu, khó trăm lần dân liệu cũng xong”. Đại đoàn kết dân tộc là truyền thống cực kỳ quý báu của nhân dân và dân tộc ta, là nguồn sức mạnh, động lực chủ yếu và là nhân tố có ý nghĩa quyết định bảo đảm thắng lợi bền vững của sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Với ý nghĩa đó, Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc ở khu dân cư là chất keo gắn kết cộng đồng, khơi dậy tinh thần đoàn kết, tương thân, tương trợ, sưởi ấm tình làng, nghĩa xóm. Việc tổ chức Ngày hội càng thêm ý nghĩa hơn khi có sự đồng thuận của lòng dân, lấy tinh thần đoàn kết Ngày hội để giải quyết nhiều vấn đề phát sinh trong cuộc sống thường ngày, thể hiện rõ sự gắn kết cộng đồng, những bất hòa mâu thuẫn trong làng xóm được giải tỏa, tình làng nghĩa xóm thêm bền chặt; xây dựng cộng đồng dân cư ngày một phát triển, cuộc sống mọi người và nhà nhà ngày càng ấm no, hạnh phúc, từng bước đẩy lùi các tệ nạn xã hội... qua đó, tạo bầu không khí vui tươi, đầm ấm, thể hiện sự đoàn kết, gắn bó trong cộng đồng dân cư.
Bài và ảnh: PHẠM PHÚ BÌNH