Nhiều giải pháp tổng thể chống ùn tắc giao thông

.

Phó Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Ngọc Tuấn vừa ký ban hành kế hoạch triển khai theo lộ trình các giải pháp tổng thể chống ùn tắc giao thông trên địa bàn thành phố đến năm 2020.

Giao thông Đà Nẵng ngày càng có dấu hiệu quá tải. Ảnh: THÀNH LÂN
Giao thông Đà Nẵng ngày càng có dấu hiệu quá tải. Ảnh: THÀNH LÂN

Ùn tắc do cơ cấu quy hoạch chưa hợp lý

Theo số liệu thống kê được đề cập trong kế hoạch, đến hết năm 2016, số lượng phương tiện cơ giới thuộc phạm vi quản lý trên địa bàn thành phố là hơn 868.640 xe các loại, trong đó có 61.210 ô-tô, 807.430 xe máy; so với năm 2010, lượng phương tiện cơ giới đã tăng 1,56 lần.

Qua thống kê cho thấy, trong 5 năm trở lại đây, số lượng phương tiện đăng ký mới trên địa bàn Đà Nẵng không ngừng tăng, tỷ lệ gia tăng phương tiện bình quân đều từ 8,58 - 10,46%/năm; trong đó
 tỷ lệ tăng trưởng ô-tô trung bình qua các năm là 7,46%; mô-tô 12,25%; riêng lượng ô-tô năm 2016 có dấu hiệu tăng đột biến đến gần 20%. Đồng thời, tổng số phương tiện vận tải hành khách tính đến cuối năm 2016 là 436 đơn vị, với 1.810 xe. Ngoài ra, số lượng xe con đang sử dụng là 23.197 chiếc trên tổng số 43.553 ô-tô các loại đang lưu hành.

Bên cạnh đó, nếu giữ nguyên mạng lưới vận tải công cộng như hiện nay thì đến năm 2020, mạng lưới công cộng chỉ có thể đáp ứng được từ 1-2% nhu cầu đi lại. Vận tải cá nhân sẽ chiếm hơn 90% tổng nhu cầu đi lại, nguy cơ ùn tắc giao thông sẽ xảy ra không chỉ tập trung ở các nút giao cắt mà sẽ mở rộng phạm vi trên các tuyến đường dẫn vào nút.

Trong thời gian qua, hiện tượng ùn tắc giao thông xảy ra chủ yếu vào giờ cao điểm ở một số nút giao thông, trục giao thông chính khu vực trung tâm. Vị trí ùn tắc thường xuất phát từ nút giao thông với các trục đường có lưu lượng giao thông vào nút lớn, dẫn đến tình trạng ùn tắc tiếp đoạn đường trước đó. Nguyên nhân do cơ cấu quy hoạch chưa hợp lý, chưa quan tâm nhiều đến giao thông tĩnh, không gian cho vận tải công cộng…, đặc biệt cho các khu vực quy hoạch là trung tâm thương mại dịch vụ, khu vực tập trung đông người.

Nhiều khu vực được quy hoạch xây dựng nhà cao tầng, khu thương mại dịch vụ tập trung ở trung tâm thành phố. Trong khi đó, hạ tầng giao thông kết nối ít được điều chỉnh quy mô cho phù hợp với nhu cầu mới. Bên cạnh đó, hiện trạng quy hoạch thành phố với nhiều khu vực phân lô, tạo nên nhiều nút giao thông với mật độ lớn.

Hiện trạng hạ tầng giao thông khu vực trung tâm nhỏ hẹp, tỷ lệ đất giao thông thấp gây khó khăn cho việc cải tạo nâng cấp; chưa kịp đầu tư hệ thống giao thông tĩnh; phương tiện giao thông công cộng còn hạn chế; cùng với sự phát triển trên lĩnh vực du lịch là trình trạng tăng trưởng số lượng phương tiện xe kinh doanh du lịch…

Xây dựng các nút giao thông trọng điểm, khác mức

Mặc dù đã triển khai nhiều giải pháp nhưng tình trạng ùn tắc giao thông vẫn còn xảy ra. Do đó, kế hoạch triển khai các giải pháp tổng thể của Đà Nẵng nhằm ngăn chặn ùn tắc giao thông giai đoạn 2017-2020 tập trung vào các giải pháp trọng tâm sau:

Từ năm 2018-2019, tiếp tục đầu tư xây dựng mạng lưới giao thông bên cạnh công tác rà soát, điều chỉnh quy hoạch giao thông vận tải theo điều chỉnh quy hoạch chung của thành phố, phân bố lại và nâng cao hiệu quả của mạng lưới giao thông.

Xây dựng mô hình tính toán, đánh giá, phân tích mạng lưới giao thông hiện trạng, dự báo nhu cầu phát triển hệ thống mạng lưới giao thông đô thị trên toàn thành phố hoặc khu vực, làm cơ sở quy hoạch các trục chính, phân bố lại luồng giao thông, cân đối tổng thể mạng lưới giao thông và lộ trình tổ chức giao thông, phân luồng xe, lộ trình đầu tư các trục giao thông, kể cả giao thông trên cao và giao thông ngầm.

Từ năm 2016-2020, xây dựng một số nút giao thông trọng điểm, khác mức. Trong đó, phấn đấu hoàn thành các thủ tục, khởi công trong năm 2018 hai công trình nút giao khác mức: nút giao thông phía tây cầu Trần Thị Lý và nút giao thông phía tây cầu Rồng; hoàn thành công tác chuẩn bị đầu tư, thi công hoàn thành trong năm 2017, 2018 các nút giao: 2 Tháng 9 - Xô Viết Nghệ Tĩnh - cầu Tiên Sơn, Nguyễn Hữu Thọ - Lê Đại Hành và nút giao dọc tuyến xe buýt nhanh BRT.

Triển khai dự án đầu tư xây dựng hệ thống giám sát giao thông thông minh trên địa bàn thành phố theo hình thức BT để kết nối toàn bộ hệ thống đèn tín hiệu điều khiển tại trung tâm, lắp đặt camera xử lý vi phạm tại các nút giao thông, trục đường chính.

Triển khai đầu tư xây dựng các bãi đậu xe. Trong đó, năm 2017 đề xuất đầu tư xây dựng 3 bãi đỗ xe nổi, bãi đỗ xe cao tầng lắp ghép, trước mắt ưu tiên khu vực trung tâm, ven biển.

Từ năm 2018-2020, tiếp tục đề xuất đầu tư các bãi đỗ xe nổi, lắp ghép và đề xuất đầu tư các bãi đỗ xe theo quy hoạch được duyệt.

Tiếp tục triển khai các giải pháp về tổ chức giao thông đường một chiều; cấm đỗ xe theo ngày chẵn, lẻ; cấm dừng, đỗ ô-tô khách; cải tạo nút giao thông; lắp đặt biểu báo, sơn vạch, vịnh đỗ xe. Rà soát điều chỉnh các quy định về phân luồng, tổ chức giao thông phù hợp với tình hình thực tế.

PHƯƠNG UYÊN

;
.
.
.
.
.