.

Chính trị - Xã hội

Bắt buộc kê khai tài sản để phòng, chống tham nhũng hiệu quả

09:42, 08/11/2017 (GMT+7)

* Quốc hội tán thành với nội dung các báo cáo

Sáng 7-11, Quốc hội (QH) tiếp tục thảo luận tại hội trường về các báo cáo công tác của Chánh án Tòa án Nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện Kiểm sát Nhân dân tối cao; công tác phòng ngừa, chống tội phạm và vi phạm pháp luật; công tác thi hành án; công tác phòng, chống tham nhũng (PCTN). Tham gia thảo luận, đại biểu (ĐB) Nguyễn Bá Sơn, Phó Trưởng đoàn ĐBQH thành phố Đà Nẵng đề cập một số vấn đề liên quan đến công tác phòng ngừa, chống tội phạm, vi phạm pháp luật và công tác PCTN.

Về công tác PCTN, ĐB Nguyễn Bá Sơn cho rằng, qua tổng kết 10 năm triển khai thực hiện Luật PCTN, Chính phủ đã chỉ ra 8 điểm tồn tại, yếu kém. Lần này, tiến hành sửa đổi Luật PCTN là cơ hội lớn để khắc phục những hạn chế, yếu kém mà Chính phủ đã nêu ra. ĐB Sơn nhận định, vấn đề kê khai tài sản hiện nay được đặt trên nền tảng sự tự giác của người kê khai tài sản; như vậy là không ổn, không phù hợp với nguyên tắc pháp luật. Do đó, ĐB đề nghị cần quy định việc kê khai tài sản là quy định cứng, bắt buộc, thay vì coi đây là việc tự giác. Quy định này sẽ khắc phục được thực tế có những kết luận thanh tra xác định việc kê khai tài sản không kịp thời, không được thực hiện một cách chủ động và được xem là phạm trù ngoài pháp luật để kiểm điểm rút kinh nghiệm và cùng lắm là kiểm điểm rút kinh nghiệm sâu sắc là không đúng. Cần xem đây là hành vi vi phạm pháp luật về PCTN để xử lý rốt ráo thì mới có thể tiến thêm một bước trong công tác PCTN trong thời gian đến.

Về tình trạng hành hung y, bác sĩ, nhân viên y tế tại các cơ sở khám chữa bệnh trên địa bàn cả nước trong thời gian qua, ĐB Nguyễn Bá Sơn đồng tình với ý kiến cần có biện pháp mạnh về vấn đề này. Tuy nhiên, theo ĐB, có một vấn đề cần phải chỉ rõ ra, đó là trách nhiệm bảo đảm an ninh trật tự ở các khu vực này thuộc về chính quyền địa phương, mà ở đó cơ quan công an làm nòng cốt trong việc xây dựng, tham mưu các phương án bảo đảm an ninh trật tự địa bàn. Do đó, ĐB đề nghị Chính phủ phải chỉ đạo, nhắc nhở các lực lượng này có những giải pháp cần thiết để khắc phục.

Về nạn bạo lực học đường, ĐB Nguyễn Bá Sơn nhận định, ban đầu chỉ là những hiện tượng đơn lẻ, dần dần có vẻ như xuất hiện thường xuyên hơn và nguy hiểm hơn ở chỗ các em học sinh khác có biểu hiện cổ xúy, đứng xem chứ không có ai can thiệp vào. ĐB cho rằng, vấn đề đạo đức của học sinh tại các trường học là điều đáng quan tâm, hiện nay câu chuyện đánh nhau không chỉ diễn ra trong lớp học mà ra cả ngoài đường, không phải là chỗ vắng người mà công khai ngay chỗ đông người. ĐB đề nghị Chính phủ chỉ đạo các cơ quan chức năng có giải pháp mạnh mẽ về lâu dài nhằm ngăn chặn tình trạng này.

Về nạn xâm phạm tình dục trẻ em, ĐB Nguyễn Bá Sơn bày tỏ sự đồng tình với đề xuất cần có trình tự, thủ tục đặc biệt trong việc điều tra đối với các loại án xâm hại tình dục trẻ em, trong đó trẻ em là đối tượng phải được áp dụng các biện pháp đặc biệt. Đối với trình tự này, phải có điều tra viên hoặc tổ chức điều tra đặc biệt am hiểu chuyên môn chuyên ngành, đồng thời cần có sự tham gia của các chuyên gia tâm lý với tư cách là người tham gia tố tụng để bảo đảm các quyền lợi của trẻ em, qua đó thay đổi quy trình và tập quán điều tra lâu nay với loại đối tượng đặc biệt này.

Trần Vinh

* Phát biểu kết luận phiên thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu cho biết, qua 1,5 ngày Quốc hội thảo luận các Báo cáo của Chính phủ về công tác phòng, chống vi phạm pháp luật và tội phạm, công tác thi hành án, công tác PCTN năm 2017, các báo cáo công tác của Viện trưởng Viện KSND tối cao, Chánh án TAND tối cao năm 2017 và Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Tư pháp đã có 50 vị đại biểu Quốc hội phát biểu ý kiến thảo luận và tranh luận sôi nổi thẳng thắn trách nhiệm về các báo cáo. Các đồng chí Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Công an, Chánh án TAND tối cao, Viện trưởng Viện KSND tối cao đã phát biểu tiếp thu và làm rõ thêm một số vấn đề.

Về cơ bản các vị đại biểu Quốc hội tán thành với nội dung các báo cáo và cho rằng các báo cáo đã được chuẩn bị công phu nghiêm túc.

Các vị đại biểu Quốc hội đánh giá năm 2017 tình hình kinh tế-xã hội trong nước có những chuyển biến tích cực, Chính phủ, TAND tối cao, Viện KSND tối cao đã triển khai nhiều biện pháp đồng bộ, thực hiện đúng chức năng nhiệm vụ theo quy định của Hiến pháp và pháp luật, đạt nhiều kết quả tích cực trong công tác phòng, chống tội phạm vi phạm pháp luật, PCTN.

Công tác điều tra truy tố xét xử và thi hành án góp phần giữ vững ổn định chính trị bảo đảm trật tự an toàn xã hội, tạo tiền đề quan trọng để phát triển kinh tế-xã hội góp phần bảo vệ quyền con người, quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức cá nhân và hội nhập quốc tế của nước ta.

B.T

.