Chính trị - Xã hội

Cảnh báo mưa lớn, không để xảy ra thảm họa lũ chồng lũ

08:29, 04/11/2017 (GMT+7)

* Đà Nẵng ban hành kế hoạch ứng phó thiên tai trong Tuần lễ Cấp cao APEC

Ngày 3-11, Đài Khí tượng thủy văn (KTTV) Trung Trung Bộ phát tin cảnh báo mưa cực lớn trên diện rộng với lượng mưa phổ biến từ 400-600mm và có khả năng xảy ra lũ lớn từ đêm 3-11 đến hết ngày 8-11. Tỉnh Quảng Nam yêu cầu 2 hồ thủy điện Đăk Mi 4 và Sông Bung 4 xả lũ mạnh hơn (gấp 2-3 lần) để sẵn sàng đón đợt lũ mới. Trong khi đó, bão số 12 tiếp tục mạnh thêm và Ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng chống thiên tai chỉ đạo không để thảm họa lũ chồng lũ xảy ra.

Bão số 12 sẽ cập bờ biển các tỉnh từ Phú Yên đến Ninh Thuận vào sáng 4-11 với sức gió giật cấp 15.
Bão số 12 sẽ cập bờ biển các tỉnh từ Phú Yên đến Ninh Thuận vào sáng 4-11 với sức gió giật cấp 15.

Mưa phổ biến từ 400-600m

Theo Đài KTTV Trung Trung Bộ, do ảnh hưởng của không khí lạnh có cường độ mạnh kết hợp với hoàn lưu của cơn bão số 12 và nhiễu động trong đới gió đông trên cao hoạt động mạnh, nên từ đêm 3-11 đến hết ngày 8-11, khu vực Trung Trung Bộ có khả năng xuất hiện đợt mưa rất lớn trên diện rộng. Tại Đà Nẵng, từ đêm 3-11 đến hết ngày 8-11, có mưa to và mưa rất to, tổng lượng mưa phổ biến từ 400-600mm, có nơi trên 700mm; gió bắc đến đông bắc cấp 3-4, vùng ven biển cấp 5, cấp 6, giật cấp 7. Trên biển có mưa, gió bắc đến đông bắc, cấp 7-8, giật cấp 9, biển động; độ cao sóng từ 0,75 - 1,75m, sau tăng lên 2 - 4m; vùng biển quần đảo Hoàng Sa có mưa rào và giông, trong cơn giông đề phòng lốc xoáy và gió giật mạnh, gió đông bắc cấp 7 - 8, giật cấp 9-10, biển động mạnh, độ cao sóng từ 2-4m.
Từ đêm 3-11 đến hết ngày 8-11, trên các sông khu vực Trung Trung Bộ khả năng xuất hiện một đợt lũ. Đỉnh lũ trên các sông từ Quảng Bình đến Quảng Trị ở mức báo động (BĐ)1 - BĐ2, có sông trên BĐ2; các sông từ Thừa Thiên Huế đến Quảng Ngãi ở mức BĐ2 - BĐ3 và trên BĐ3.  Nguy cơ cao xảy ra lũ ống, lũ quét trên các sông suối nhỏ; sạt lở đất ở vùng núi, ngập úng tại vùng trũng khu vực Trung Trung Bộ, đặc biệt là khu vực từ Thừa Thiên Huế đến Quảng Ngãi. Đề phòng khả năng xảy ra sự cố mất an toàn ở các hồ chứa xung yếu trên khu vực.

Để ứng phó với khả năng xảy ra lũ lớn do mưa cực lớn trên diện rộng và bảo đảm phòng chống lũ cho hạ du sông Vu Gia - Thu Bồn, nhất là Đà Nẵng ngay trước và trong Tuần lễ Cấp cao APEC 2017, Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Quảng Nam yêu cầu 2 nhà máy thủy điện Đăk Mi 4 và Sông Bung 4 nghiêm túc tổ chức thực hiện lệnh của tỉnh về việc vận hành đưa mực nước hồ về mực nước đón lũ và điều tiết đưa mực nước hồ chứa về mực nước đón lũ trước 5 giờ sáng ngày 4-11. Ngay sau khi nhận lệnh xả lũ mạnh của tỉnh Quảng Nam, hồ thủy điện Đăk Mi 4 đã vận hành xả lũ với lưu lượng tăng vọt từ 172m3/s lên mức 675m3/s và hồ Sông Bung 4 xả lũ tăng vọt từ 251m3/s lên 595m3/s.

Đà Nẵng ban hành kế hoạch ứng phó thiên tai và thời tiết xấu dịp APEC

Trước tình hình thời tiết diễn biến phức tạp, UBND thành phố Đà Nẵng ban hành kế hoạch ứng phó tình hình thiên tai và thời tiết xấu trong thời gian diễn ra Tuần lễ Cấp cao APEC 2017 với các kịch bản ứng phó bão, lũ, mưa lớn, ngập lụt, sóng thần... Theo đó, Bộ Chỉ huy Quân sự thành phố triển khai thực hiện hiệp đồng công tác phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn với các đơn vị lực lượng vũ trang trên địa bàn thành phố, nhất là ứng cứu cho các vùng trọng điểm bị ngập lũ và các địa điểm bị ngập nội đô, nơi diễn ra các hoạt động của Tuần lễ Cấp cao APEC... Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng thành phố triển khai phương án cứu hộ, cứu nạn trên sông Hàn, vịnh Đà Nẵng, cửa sông Cu Đê, vùng biển Đà Nẵng. Công an thành phố chủ trì phối hợp với Sở Giao thông vận tải và các địa phương triển khai phương án bảo đảm an toàn giao thông, chốt chặn các tuyến đường và các khu vực nguy hiểm; bảo đảm an ninh, trật tự an toàn xã hội... Sở Xây dựng phối hợp Sở Tài nguyên và Môi trường triển khai phương án chống ngập úng trên các tuyến đường quan trọng, các khu vực dự kiến diễn ra các hoạt động của Tuần lễ Cấp cao APEC, khắc phục sự cố môi trường, dọn vệ sinh... Chủ tịch UBND các quận Hải Châu, Sơn Trà, Ngũ Hành Sơn... chịu trách nhiệm phối hợp cùng các đơn vị, sở, ban, ngành liên quan thực hiện công tác phòng, chống ứng phó với tình hình thời tiết xấu và thiên tai trên địa bàn. Trường hợp xảy ra mưa lớn, lũ lụt, theo dõi sát diễn biến mưa, lũ; phối hợp khơi thông cống rãnh thoát nước, tránh ngập úng khu vực nội thành; cắm biển báo, bố trí lực lượng chốt chặn ở những đoạn đường bị ngập sâu, cấm người, phương tiện qua lại ở những đoạn đường bị ngập và những nơi có dòng nước chảy xiết và các khu vực nguy hiểm…

Bão số 12 mạnh thêm

Theo Trung tâm KTTV quốc gia, đến sáng sớm 4-11, bão số 12 đi vào đất liền các tỉnh từ nam Phú Yên đến bắc Bình Thuận với sức gió mạnh nhất cấp 11-12, giật cấp 15, sau đó tiếp tục đi sâu vào đất liền và suy yếu dần. Đến 13 giờ ngày 4-11, vị trí tâm bão ở vào khoảng 12,0 độ vĩ bắc, 107,5 độ kinh đông, trên đất liền nam Tây Nguyên với sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bão mạnh cấp 8 (60-75km/giờ), giật cấp 10.

Trước diễn biến phức tạp của mưa lũ và cơn bão số 12, sáng 3-11, Ban chỉ đạo Trung ương Phòng chống thiên tai yêu cầu các đơn vị, địa phương tiếp tục thực hiện nghiêm Công điện số 1659/CĐ-TTg ngày 1-11-2017 của Thủ tướng Chính phủ. Kiểm tra, rà soát bảo vệ an toàn hồ đập, công trình phòng chống thiên tai; bố trí sẵn lực lượng, phương tiện, trang thiết bị cứu hộ trọng điểm xung yếu hồ đập, khu vực sạt lở đất, lũ quét, ngập lũ để xử lý kịp thời các tình huống có thể xảy ra; giám sát chặt chẽ các hồ chứa, vận hành đúng quy trình đảm bảo an toàn hạ du. Không để thảm họa lũ chồng lũ xảy ra trong ứng phó bão số 12. Triển khai các biện pháp ứng phó với bão và tình hình mưa lũ nhằm bảo đảm an toàn cho Tuần lễ Cấp cao APEC 2017...

Chủ động ứng phó mưa lũ, giảm thiểu ảnh hưởng đến Tuần lễ Cấp cao APEC

Đà Nẵng tiếp tục chủ động triển khai thực hiện các biện pháp ứng phó với mưa lớn trên diện rộng và lũ lụt, giảm thiểu ảnh hưởng đến các hoạt động của Tuần lễ Cấp cao APEC 2017. Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng lưu ý như vậy tại hội nghị trực tuyến ứng phó với bão số 12 và mưa lũ sau bão, tổ chức vào chiều tối 3-11.

Báo cáo tại hội nghị, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hồ Kỳ Minh cho biết, Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn thành phố đã có 2 công điện ứng phó với bão số 12 và tình hình mưa lớn, lũ, lũ quét, sạt lở và ngập úng trên địa bàn thành phố. Trong đó, tổ chức thông báo cho các tàu thuyền đang hoạt động trên biển biết thông tin bão và vùng nguy hiểm để chủ động phòng tránh an toàn. Chỉ đạo các quận, huyện sẵn sàng triển khai phương án phòng chống lũ quét và sạt lở đất; rà soát các khu dân cư đang sống ở những vùng trũng, thấp, vùng ven sông suối, vùng có nguy cơ sạt lở, lũ quét, đặc biệt chú ý nhân dân sống tại ven sông Túy Loan và Cu Đê. Triển khai phương án phòng chống ngập khu vực đô thị và vệ sinh môi trường, chằng chống và tỉa bớt cành lá cây xanh đường phố nhằm hạn chế ngã đổ, bảo đảm an toàn và mỹ quan cho Tuần lễ Cấp cao APEC...

Phó Chủ tịch Hồ Kỳ Minh cũng cho biết, hiện có 20 tàu thuyền của Đà Nẵng với 135 lao động đang hoạt động trên biển nhưng nằm ngoài vùng nguy hiểm của bão số 12. Về tình hình hồ chứa, có 7 hồ đầy nước, đã chảy qua tràn (Hòa Trung, Diêu Phong, Tân An, Hóc Gối, Hố Lăng, Hóc Bồ, Hố Cau), 14 hồ còn lại dung tích đạt 70% thiết kế và hiện đang túc trực theo dõi thường xuyên mực nước các hồ chứa, chuẩn bị sẵn sàng lực lượng, phương tiện để kịp thời xử lý khi có sự cố xảy ra... “Hiện nay, Ban chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn thành phố đã ban hành kế hoạch ứng phó với tình hình thiên tai và thời tiết xấu trong Tuần lễ Cấp cao APEC 2017, tổ chức ứng phó với 3 loại hình thiên tai có nguy cơ ảnh hưởng đến Tuấn lễ Cấp cao APEC là bão, mưa lớn, lũ và sóng thần”, Phó Chủ tịch Hồ Kỳ Minh báo cáo thêm.

HOÀNG HIỆP

Hủy nhiều chuyến bay do bão Damrey

Theo thông báo từ Hãng hàng không quốc gia Việt Nam (Vietnam Airlines), do ảnh hưởng của bão Damrey (bão số 12) nên phải hủy và hoãn một số chuyến bay của hãng. Cụ thể, hủy 8 chuyến giữa Hà Nội, Đà Nẵng, TP. Hồ Chí Minh và Cam Ranh (gồm VN9556, VN9561, VN1557, VN7554, VN1944, VN1945, VN1344, VN9351); hủy 2 chuyến giữa TP. Hồ Chí Minh và Đà Lạt (gồm VN1380, VN1381). Hãng VietJet cũng cho biết đã ngừng khai thác các chuyến bay đi và đến sân bay khu vực miền Trung trong ngày 3-11, gồm VJ612 (TP. Hồ Chí Minh đi Cam Ranh); VJ611/VJ609/VJ613 (Cam Ranh - TP. Hồ Chí Minh), VJ778 (Cam Ranh - Hà Nội) và các chuyến bay quốc tế từ Hàn Quốc, Trung Quốc đi và đến sân bay Cam Ranh.

Theo Vietnam Airlines, kế hoạch bay bù phù hợp sẽ được triển khai trong ngày 5-11. Hãng cũng đã sẵn sàng kế hoạch bay tăng cường ngay khi thời tiết cho phép.

PHƯƠNG UYÊN

.