Sáng 6-12, kỳ họp thứ 6 HĐND thành phố khóa IX tiếp tục thảo luận các vấn đề liên quan đến tinh giảm biên chế, xã hội hóa dịch vụ công, học sinh tiểu học học 2 buổi/ngày, đầu tư thiết chế văn hóa, tội phạm và tệ nạn xã hội…
Đại biểu Cao Thị Huyền Trân cho rằng, chủ trương học sinh tiểu học học 2 buổi/ngày là đúng đắn. Ảnh: QUỐC KHẢI |
Khuyến khích xã hội hóa dịch vụ công, đầu tư cho văn hóa
Đề cập hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập (SNCL), ĐB Huỳnh Bá Cử, Phó trưởng Ban Pháp chế cho rằng, hiện nay hoạt động của các đơn vị này còn nhiều bất cập, hạn chế. Nếu như năm 1997, toàn thành phố có 285 đơn vị thì đến năm 2017 đã tăng lên 485 đơn vị. Số lượng viên chức hưởng lương từ ngân sách chiếm tỷ lệ cao. Riêng năm 2016, chi tiền lương cho bộ máy hành chính sự nghiệp khoảng 2.500 tỷ đồng, chiếm 41% chi thường xuyên; trong đó đơn vị sự nghiệp chiếm đến 80%. Điều đáng nói là tổ chức hoạt động của các đơn vị SNCL quá cồng kềnh, chồng chéo chức năng nhiệm vụ; thậm chí một số lĩnh vực còn “lấn sân” nhau hoặc giao quá nhiều cơ quan cùng tham gia quản lý, dẫn đến tình trạng khó xác định trách nhiệm của từng đơn vị.
ĐB Huỳnh Bá Cử đề nghị thành phố cần sắp xếp tinh gọn lại bộ máy, cắt giảm biên chế, bảo đảm thực hiện đúng theo chủ trương của Đảng, Nhà nước và phù hợp với thực tiễn cũng như mong đợi của người dân thành phố. Việc triển khai cần phải được nghiên cứu, cân nhắc thận trọng; không nóng vội và cần có lộ trình cụ thể. Cần tiếp tục đẩy mạnh xã hội hóa cung ứng dịch vụ công cũng như mạnh dạn chuyển các đơn vị SNCL theo mô hình cổ phần hóa khi có đủ điều kiện. Tạo cơ chế, chính sách khuyến khích thành lập các đơn vị sự nghiệp ngoài công lập…
ĐB Nguyễn Nho Khiêm, Phó Chủ tịch Liên hiệp Các Hội Văn học nghệ thuật Đà Nẵng đề nghị cần đầu tư nhiều hơn cho lĩnh vực văn hóa. Trong đó, triển khai các nội dung xây dựng nếp sống văn hóa của nhân dân theo hướng văn minh, tiến bộ; đẩy mạnh xã hội hóa các hoạt động văn hóa nghệ thuật nhằm làm phong phú các hoạt động hai bên bờ sông Hàn và khu vực ven biển; cần phát huy tính sáng tạo của đội ngũ văn nghệ sĩ trên địa bàn thành phố trong thời gian tới. Trong khi đó, ĐB Tô Văn Hùng, Trưởng ban Đô thị đề nghị thành phố nghiên cứu để xây dựng công viên xứng tầm với vị thế thành phố Đà Nẵng. Bởi hiện nay, quỹ đất dành cho công cộng chưa nhiều, trong đó công viên dành cho mọi người dân sinh hoạt, vui chơi rất ít, quy mô còn nhỏ.
Đối với lĩnh vực giáo dục, ĐB Cao Thị Huyền Trân, Phó trưởng Ban Văn hóa-Xã hội cho rằng, chủ trương học sinh tiểu học học 2 buổi/ngày là đúng đắn. Qua 4 năm thực hiện, 97% học sinh tiểu học được học 2 buổi/ngày. Tuy nhiên, bất cập hiện nay là số lượng học sinh tăng cao nên nhiều trường phải sử dụng phòng bộ môn để làm phòng học. Do vậy 11 trường trên địa bàn không được công nhận trường chuẩn quốc gia. Về giải pháp, ĐB Huyền Trân kiến nghị thành phố cần đầu tư cơ sở vật chất, tổng rà soát quy mô các trường tiểu học căn cứ trên quy mô dân số địa phương để có lộ trình và phân kỳ đầu tư nhằm nâng cấp các trường; xây dựng kế hoạch tuyển sinh trên địa bàn để tránh trường hợp một số trường quá tải, trong khi có trường thì thiếu học sinh. Về vấn đề này, Phó Chủ tịch HĐND thành phố Nguyễn Nho Trung đề nghị ngành giáo dục thành phố cần phải rà soát lại quy hoạch của ngành để bảo đảm các tiêu chuẩn “trường phải ra trường, lớp phải ra lớp” trong thời gian đến. Ngành giáo dục cũng phải rà soát toàn diện các chính sách nhằm đổi mới toàn diện giáo dục trên địa bàn.
Kiềm chế tội phạm ma túy, tai nạn giao thông
Nhiều ĐB bày tỏ lo ngại trước tình hình tội phạm nói chung, tội phạm ma túy nói riêng, có chiều hướng gia tăng. ĐB Lê Thị Mỹ Hạnh, Chủ nhiệm Thường trực Ủy ban Kiểm tra Thành ủy cho biết tội phạm giết người năm 2017 tăng 60% so với năm 2016 với 15 vụ, song song đó là sự gia tăng của tội phạm ma túy; do đó thành phố cần các giải pháp mạnh mẽ để tăng cường thực hiện chương trình “Thành phố 4 an”. Còn theo ĐB Lê Minh Trung, Hiệu trưởng Trường Chính trị thành phố, năm 2017, số người nghiện ma túy trên địa bàn thành phố được phát hiện tăng 6,7%, số lượng ma túy bắt giữ cũng tăng gấp 10 lần so với năm 2016. Nhìn vào con số này, ĐB Lê Minh Trung lo ngại về mục tiêu không có người nghiện ma túy trong cộng đồng theo chương trình “Thành phố 5 không”, của thành phố khó về đích.
Về vấn đề này, Đại tá Lê Văn Tam, Giám đốc Công an thành phố cho biết, nguyên nhân dẫn đến tội phạm ma túy và số người nghiện ma túy tăng là do việc cai nghiện tại cộng đồng đạt hiệu quả thấp; số người cai nghiện tập trung khi trở về địa phương chưa được giải quyết công ăn việc làm ổn định, dẫn đến tình trạng tái nghiện tăng cao. Bên cạnh đó, nhận thức của một bộ phận thanh, thiếu niên cho rằng, một số loại ma túy khi sử dụng không gây nghiện, dẫn đến việc sử dụng ma túy ở thanh, thiếu niên gia tăng. Để kiềm chế tội phạm giết người và ma túy, Đại tá Lê Văn Tam cho biết, trong thời gian đến, Công an thành phố sẽ phối hợp với các ngành chức năng của thành phố đẩy mạnh công tác tuyên truyền phổ biến pháp luật; chủ động phối hợp với các lực lượng dân phòng đẩy mạnh công tác đấu tranh, trấn áp các loại tội phạm.
Theo Phó Chủ tịch HĐND thành phố Nguyễn Nho Trung, từ ma túy đến tội phạm khoảng cách rất ngắn. Vì vậy đề nghị các địa phương cần phải rà soát, thống kê, cập nhật và lập hồ sơ đối với đối tượng nghiện ma túy để theo dõi và quản lý đối tượng người nghiện ma túy trong cộng đồng. Bên cạnh đó, các ngành, địa phương, đặc biệt là lực lượng Công an, phải phát huy hơn nữa vai trò trong công tác quản lý đối tượng nghiện ma túy cũng như làm có hiệu quả trong công tác quản lý và cai nghiện tại cộng đồng.
Về tình hình trật tự an toàn giao thông, ĐB Huỳnh Minh Chức, Chủ tịch Hội Cựu chiến binh thành phố cho biết, năm 2016 có 53.846 trường hợp vi phạm trật tự an toàn giao thông, năm 2017 là 61.842 trường hợp vi phạm. Đây là điều bất hợp lý vì cơ sở hạ tầng giao thông của thành phố khá tốt, công tác kiểm tra, giám sát và xử lý vi phạm cũng rất quyết liệt. ĐB Huỳnh Minh Chức đề nghị cần đẩy mạnh tuyên truyền giáo dục, xây dựng văn hóa giao thông cho từng đối tượng cụ thể để luật thực sự đi vào cuộc sống. “Trường hợp nào tái phạm 3 lần trở lên phải tập trung học tập, ký cam kết không tái phạm hoặc cưỡng bức lao động công ích để giáo dục răn đe”, ĐB Huỳnh Minh Chức kiến nghị.
Tại phiên thảo luận, ĐB Lê Thị Như Hồng, Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ thành phố đề nghị cần có giải pháp đồng bộ để bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm; kiểm soát thực phẩm nhập vào các chợ, siêu thị trước khi đến bữa cơm từng gia đình.
Xử lý trách nhiệm chậm giải quyết kiến nghị cử tri Về tình hình giải quyết kiến nghị của cử tri, ĐB Huỳnh Minh Chức cho biết, nhiều sở, ngành và địa phương vẫn còn chậm trễ. ĐB đề nghị lãnh đạo thành phố và các địa phương phải coi việc giải quyết kiến nghị cử tri là một trong những tiêu chí đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ của lãnh đạo các cấp. “Phải tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý trách nhiệm các cấp, các ngành, địa phương khi chưa quyết liệt trong giải quyết kiến nghị của cử tri. Phải thực hiện đúng đắn và kịp thời trách nhiệm của mình”, ĐB Huỳnh Minh Chức nhấn mạnh. |
Q.KHẢI - TR.HÙNG