Bằng nhiều giải pháp đồng bộ, UBND quận Thanh Khê đã vươn lên dẫn đầu về công tác cải cách hành chính (CCHC) năm 2017 khối UBND các quận, huyện.
Cán bộ tại bộ phận “một cửa” hướng dẫn người dân làm các thủ tục hành chính. |
Tại bộ phận “một cửa” của UBND quận Thanh Khê, mỗi ngày có khá đông người đến làm thủ tục hành chính nhưng mọi hoạt động diễn ra trật tự và nhanh chóng. Gần cửa ra vào có một máy bấm số thứ tự, người dân tự lấy số, sau đó ngồi chờ đến lượt. Quận bố trí hệ thống máy tra cứu hồ sơ, đăng ký dịch vụ trực tuyến, bộ phận hướng dẫn thủ tục hành chính... để người dân tìm hiểu, tư vấn.
Ông Trà Công Tân (trú tổ 25, phường Hòa Khê) đến làm giấy tờ chuyển nhượng tài sản, tuổi đã cao nên ông không quen dùng máy tra cứu xem giấy tờ mẫu. “Tuy vậy, tôi rất yên tâm vì có cán bộ hướng dẫn ghi giấy tờ. Tôi đến đây làm giấy tờ nhiều lần rồi, thấy cán bộ nhiệt tình, luôn giải thích cặn kẽ khi người dân thắc mắc”, ông Tân nói.
Hay trường hợp em Nguyễn Hồ Thanh Hoàng (tổ 32 phường Chính Gián) đến làm giấy chứng minh nhân dân cũng tỏ ra khá lúng túng vì đi một mình, nhưng ngay sau đó em được các cán bộ hướng dẫn cụ thể thủ tục và dặn dò, nhắc nhở để tránh sai sót.
Không chỉ ở bộ phận “một cửa”, lề lối làm việc của cán bộ, công chức, viên chức, người lao động (CBCCVC-NLĐ) trên địa bàn quận trong thời gian qua cũng được ghi nhận có nhiều chuyển biến tích cực. Đáng chú ý, từ khi UBND quận Thanh Khê ban hành quy chế áp dụng thẻ thưởng, phạt trong thực thi công vụ của CBCCVC-NLĐ tại các cơ quan, đơn vị, các phường..., ý thức trách nhiệm của cán bộ, công chức được nâng lên đáng kể.
Anh Phạm Đình Minh Hải, chuyên viên Phòng Nội vụ cho biết, chủ trương ban hành thẻ thưởng, phạt có từ năm 2010 - 2011 nhưng ở quy mô nhỏ. Một thời gian công tác này có bước thụt lùi nên đầu năm 2017, lãnh đạo UBND quận đề nghị Phòng Nội vụ tham mưu hình thức giám sát tình hình thực thi công vụ của CBCCVC-NLĐ.
Theo đó, quy chế áp dụng thẻ thưởng, phạt ra đời. Thẻ xanh là thẻ phạt áp dụng đối với CBCCVC-NLĐ có hành vi vi phạm ở mức độ nhẹ hoặc vi phạm lần đầu trong thực thi công vụ, bị các cơ quan có thẩm quyền phát hiện thông qua kiểm tra, giám sát.
Thẻ vàng là thẻ áp dụng đối với CBCCVC-NLĐ có hành vi vi phạm ở mức độ nặng, nghiêm trọng (sau hai lần nhận thẻ xanh sẽ nhận một thẻ vàng). Thẻ hồng áp dụng đối với CBCCVC-NLĐ có thành tích xuất sắc trong thực thi công vụ, được Chủ tịch quận tuyên dương trong buổi chào cờ đầu tuần.
Từ hai thẻ hồng trở lên sẽ có giấy khen, tiền thưởng. Người nhận thẻ hồng cũng được “xóa án” các thẻ xanh, thẻ vàng trước đó. Trường hợp cán bộ, công chức nào nhận thẻ hồng liên tục trong ba năm, cấp có thẩm quyền sẽ xem xét bổ nhiệm vào chức vụ lãnh đạo, quản lý.
Trong năm 2017, UBND quận Thanh Khê ban hành tổng cộng 14 thẻ xanh, 4 thẻ vàng và 4 thẻ hồng, song song đó là một số văn bản với hình thức thông báo, nhắc nhở. Từ đầu năm 2018 đến nay, không có trường hợp vi phạm, cho thấy quy chế đã được CBCCVC-NLĐ chấp hành nghiêm túc.
Theo bà Trần Tường Vân, Phó Chủ tịch UBND quận Thanh Khê, dù là thí điểm, nhưng trong năm 2017, cách thức thưởng, phạt này được lãnh đạo quận thực hiện rất công minh và nghiêm minh, không vị nể ai.
Do đó, khi quy chế được chính thức ban hành đã tạo động lực cho CBCCVC - NLĐ không chỉ làm tốt nhiệm vụ mà còn cẩn trọng hơn vì ai cũng ngại bị phạt thẻ xanh, thẻ vàng, mất thi đua khen thưởng. Do đó, quy chế thẻ thưởng, phạt đã góp phần tạo chuyển biến tích cực về CCHC trên địa bàn quận.
“Để đưa Thanh Khê dẫn đầu về công tác CCHC năm 2017, khối UBND các quận, huyện, UBND quận Thanh Khê đã thực hiện nhiều giải pháp đồng bộ, trong đó tập trung cải thiện công việc chuyên môn, trách nhiệm, thái độ của đội ngũ CBCCVC - NLĐ, cải tiến trong xử lý hồ sơ, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, nâng cao chất lượng của bộ phận một cửa và tổ hướng dẫn...
Chẳng hạn, qua rà soát, quận đã tinh gọn tổ hướng dẫn từ 40 thành viên xuống còn 12 thành viên có chuyên môn, trình độ, nắm vững các nội dung liên quan để tư vấn đúng, chính xác cho người dân”, bà Vân cho biết.
Cũng theo bà Vân, năm 2018, UBND quận Thanh Khê tiếp tục đẩy mạnh CCHC nhằm hướng đến phục vụ tốt nhất cho người dân. Trong đó, chú trọng xây dựng mô hình phường điện tử đạt chuẩn và xây dựng cơ sở dữ liệu tài khoản công dân điện tử, phấn đấu 100% người dân trên địa bàn quận Thanh Khê từ 16 tuổi trở lên, có chứng minh nhân dân đều có tài khoản điện tử.
Tiện ích của tài khoản công dân điện tử là người dân có thể thực hiện các dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 tại nhà, nghĩa là các giao dịch trong quá trình xử lý hồ sơ và cung cấp dịch vụ được thực hiện trên môi trường mạng, cho phép người sử dụng thanh toán lệ phí (nếu có) được thực hiện trực tuyến. Đồng thời, quận Thanh Khê thí điểm phối hợp với Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam (Vietinbank) tiến hành hình thức thanh toán trực tuyến này.
Bài và ảnh: NGỌC HÀ