Tổ chức, bộ máy lực lượng Kiểm tra quy tắc đô thị (KTQTĐT) là mô hình đặc thù của Đà Nẵng xuất phát từ yêu cầu thực tiễn của thành phố, tuy nhiên trong quá trình hoạt động còn một số hạn chế, bất cập.
Những ngày qua, bên cạnh nhiệm vụ quán triệt tác phong và thái độ làm việc của lực lượng này, Sở Nội vụ tiếp tục phối hợp rà soát tình hình triển khai, thực hiện đề án kiện toàn tổ chức và hoạt động của đội KTQTĐT quận, huyện và tổ KTQTĐT phường.
Phóng viên Báo Đà Nẵng có cuộc trao đổi với ông Võ Ngọc Đồng (ảnh), Giám đốc Sở Nội vụ về vấn đề này và được ông cho biết:
Lực lượng Kiểm tra quy tắc đô thị quận Hải Châu nhắc nhở các hộ kinh doanh thu dọn hàng hóa lấn chiếm lòng đường. Ảnh: HOÀNG HIỆP |
- Từ trước đến nay, chưa có văn bản của Trung ương quy định về việc thành lập, tổ chức bộ máy, hoạt động của các tổ chức làm nhiệm vụ về KTQTĐT. Mô hình tổ chức, bộ máy KTQTĐT là mô hình đặc thù của Đà Nẵng xuất phát từ yêu cầu thực tiễn của thành phố.
Theo đó, vào ngày 23-1-1998, UBND thành phố ban hành Quyết định số 569/QĐ-UBND về việc thành lập đội KTQTĐT quận, huyện trong năm 1998 và Quyết định số 570/QĐ-UBND quy định về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của đội KTQTĐT quận, huyện. Qua 20 năm tổ chức và hoạt động, đến nay, các bộ máy KTQTĐT trên địa bàn thành phố đã thực hiện việc kiểm tra, xử lý kịp thời nhiều trường hợp vi phạm trật tự xây dựng, trật tự đô thị.
Cạnh đó, hướng dẫn tổ chức, công dân thực hiện đúng quy định về trật tự xây dựng, đô thị. Đây là bộ phận giúp việc có hiệu quả cho UBND quận, huyện, phường và có vai trò lớn trong việc bảo đảm bộ mặt trật tự đô thị thành phố trong thời gian qua.
Tuy nhiên, việc chưa có quy định hay hướng dẫn cụ thể của bộ, ngành Trung ương dẫn đến một số khó khăn, vướng mắc trong việc tổ chức hoạt động. Mối quan hệ phối hợp giữa lực lượng KTQTĐT với các cơ quan chuyên môn về quản lý đô thị tại địa phương chưa rõ ràng.
Đồng thời, chưa có quy định khung về tiêu chuẩn, trình độ của thành viên các đội KTQTĐT tại địa phương, dẫn đến việc tuyển dụng, sử dụng chưa đồng nhất giữa các quận, phường và có một số thành viên không có trình độ chuyên môn hoặc có trình độ chuyên môn không bảo đảm để thực hiện nhiệm vụ.
Ngoài ra, việc giải quyết chế độ, chính sách của các viên chức, người lao động làm nhiệm vụ KTQTĐT tại các địa phương không thống nhất.
Vì thế, việc kiện toàn tổ chức và hoạt động của lực lượng KTQTĐT là cần thiết và UBND thành phố đã có Quyết định số 4307/QĐ-UBND ngày 7-8-2017 ban hành đề án kiện toàn lực lượng này. Theo đó, bổ sung số lượng người làm việc cần thiết để hỗ trợ cho các đội KTQTĐT quận, huyện, bao gồm số lượng người làm việc để bố trí phụ trách từng địa bàn phường, tham gia tổ KTQTĐT các phường trực thuộc quận.
UBND các phường chấm dứt hợp đồng lao động các thành viên tổ KTQTĐT tại các phường (vì không đúng quy định về quản lý số lượng, chức danh cán bộ, công chức, người hoạt động không chuyên trách phường, xã) để bố trí công tác KTQTĐT phường.
Thành viên đội KTQTĐT quận, huyện phải bảo đảm các tiêu chuẩn theo quy định, trong đó có trình độ chuyên môn là tốt nghiệp trung cấp trở lên thuộc các nhóm ngành đào tạo như: xây dựng, quản lý đô thị, quản lý đất đai, môi trường, giao thông-công chính, kinh tế, luật, hành chính…
* Vì sao nhiều thành viên của lực lượng KTQTĐT chưa có trình độ chuyên môn đào tạo trong thời gian dài như vậy?
- Đó là do lịch sử chuyển giao từ lực lượng Thanh niên xung kích của thành phố về UBND các quận, huyện và công tác tuyển dụng hợp đồng lao động tại các UBND quận, huyện theo phân cấp. Ngoài ra, một số phường còn tự hợp đồng lao động thêm để bố trí vào tổ KTQTĐT phường. Trình độ chuyên môn của một số thành viên đội KTQTĐT còn thấp và chưa bảo đảm về nghiệp vụ để tổ chức, thực hiện nhiệm vụ được giao…
Để khắc phục tình trạng trên, các viên chức, người lao động chưa có trình độ chuyên môn hoặc trình độ chuyên môn chưa bảo đảm theo quy định thì phải cam kết tham gia đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ.
Sau thời hạn 3 năm, nếu các đối tượng này chưa đạt chuẩn về trình độ chuyên môn theo quy định thì xem xét, thực hiện tinh giản biên chế đối với viên chức hoặc chấm dứt hợp đồng lao động. Riêng tại các phường phải chấm dứt hợp đồng lao động làm thành viên tổ KTQTĐT do các phường tự ký trước đây, thay bằng việc bố trí, phân công thành viên KTQTĐT quận về phụ trách địa bàn từng phường.
* Sau gần 1 năm, tình hình triển khai đề án kiện toàn tổ chức và hoạt động của lực lượng KTQTĐT ra sao, thưa ông?
- Sở Nội vụ đã có công văn hướng dẫn thực hiện đề án gửi các quận, huyện và phường để triển khai thực hiện. Hiện nay, sở đang đề nghị UBND các quận, huyện chỉ đạo rà soát, báo cáo cụ thể tình hình triển khai thực hiện.
Qua theo dõi, từ khi đề án được UBND thành phố phê duyệt đến nay, hầu hết các quận, huyện đã rà soát chức năng, nhiệm vụ và tổ chức bộ máy của lực lượng KTQTĐT theo quy định của UBND thành phố. Tuy nhiên, một số UBND quận, huyện (chủ yếu tập trung tại các quận có số lượng lớn hợp đồng lao động như Hải Châu, Thanh Khê…) chưa thực hiện việc giải quyết dứt điểm các trường hợp hợp đồng lao động không bảo đảm quy định tại lực lượng KTQTĐT.
Do đó, để thực hiện chỉ đạo Chủ tịch UBND thành phố, Sở Nội vụ tiếp tục đề nghị UBND quận, huyện chỉ đạo và có phương án chấm dứt hợp đồng lao động, báo cáo danh sách giải quyết chấm dứt hợp đồng lao động đối với các trường hợp không bảo đảm quy định tại lực lượng KTQTĐT.
Thời hạn thông báo chấm dứt hợp đồng lao động đối với các trường hợp nêu trên chậm nhất là ngày 31-7-2018. Việc chấm dứt hợp đồng lao động phải gắn với việc xây dựng đội ngũ lực lượng KTQTĐT bảo đảm trình độ chuyên môn, nghiệp vụ và đạo đức công vụ, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ quản lý đô thị đặt ra trên địa bàn.
* Có thực trạng là một số địa phương chưa chịu chấm dứt hợp đồng lao động các trường hợp không bảo đảm quy định vì cho rằng không có người thực hiện nhiệm vụ bảo đảm trật tự đô thị. Sở Nội vụ có ý kiến gì về việc này?
- Trước hết phải khẳng định rằng, bảo đảm trật tự đô thị là một trong các nhiệm vụ thường xuyên tại địa phương; chức năng chủ yếu thuộc về công tác quản lý Nhà nước theo thẩm quyền của UBND các cấp và cơ quan chuyên môn liên quan theo quy định pháp luật. Đội KTQTĐT là đơn vị giúp UBND quận, huyện thực hiện chức năng quản lý Nhà nước về xây dựng, công trình hạ tầng kỹ thuật đô thị, trật tự đô thị, đất đai, vệ sinh môi trường trên địa bàn.
Các địa phương cần phải quản lý, sử dụng lực lượng KTQTĐT theo đúng chức năng, nhiệm vụ được quy định; tránh tình trạng giao lực lượng KTQTĐT thực hiện những công việc không nằm trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ dẫn đến thiếu hụt nhân sự, chồng chéo dẫn đến thiếu hiệu quả về bố trí, sử dụng.
Mặt khác, chủ trương rà soát, cơ cấu lại đội ngũ viên chức, người lao động để thực hiện đúng quy định về quản lý, tuyển dụng, sử dụng công chức, viên chức là nhiệm vụ trọng tâm hiện nay theo chủ trương của Bộ Chính trị tại Kết luận số 17-KL/TW ngày 11-9-2017, chủ trương của Thường trực Thành ủy tại Thông báo số 1943-TB/TU ngày 21-3-2018 và chủ trương của Chủ tịch UBND thành phố tại Công văn số 2612/UBND-SNV ngày 12-4-2018. Để phục vụ nhiệm vụ này, Sở Nội vụ đã yêu cầu UBND các quận, huyện chỉ đạo, triển khai xây dựng kế hoạch tuyển dụng viên chức đối với đội KTQTĐT trong tháng 6-2018 căn cứ theo số lượng người làm việc được giao và khung năng lực quy định nhằm mục đích kiện toàn về số lượng, nâng cao chất lượng viên chức đội KTQTĐT quận, huyện. Trách nhiệm chỉ đạo và triển khai công tác tuyển dụng viên chức này thuộc về Chủ tịch UBND quận, huyện và các cơ quan, đơn vị trực thuộc (Phòng Nội vụ, Đội KTQTĐT) theo phân cấp hiện hành.
* Hiện nay và trong thời gian tới, làm thế nào để lực lượng KTQTĐT đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ quản lý trật tự đô thị, trật tự xây dựng ở địa bàn có tốc độ đô thị hóa cao và phức tạp, thưa ông?
- Bên cạnh chuẩn hóa đội ngũ có trình độ chuyên môn, một vấn đề quan trọng là đào tạo, bồi dưỡng để nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, kiến thức, kỹ năng cho lực lượng KTQTĐT. Theo đó, UBND các quận, huyện cần thường xuyên quan tâm nhắc nhở, chấn chỉnh tinh thần, tác phong, lề lối làm việc; đồng thời tổ chức để lực lượng KTQTĐT tham gia các khóa bồi dưỡng nghiệp vụ, kiến thức, kỹ năng, truyền đạt kinh nghiệm, bồi dưỡng về văn hóa giao tiếp và ứng xử khi thi hành công vụ cho lực lượng KTQTĐT do cơ quan có thẩm quyền tổ chức; tạo điều kiện, khuyến khích thành viên lực lượng KTQTĐT học tập nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ theo vị trí việc làm để có cơ hội tham gia tuyển dụng viên chức theo quy định hiện hành, bảo đảm yêu cầu khi thực hiện nhiệm vụ…
Ngoài ra, UBND thành phố cũng đã phân công Sở Xây dựng phối hợp với UBND quận, huyện và các cơ quan liên quan xây dựng quy chế phối hợp về bảo đảm trật tự đô thị trên địa bàn thành phố. Việc thay đổi phương thức làm việc hiện đại, chuyên nghiệp hơn cũng là nhiệm vụ cần quan tâm như: tăng cường nghiên cứu, ứng dụng các giải pháp về công nghệ thông tin, bổ sung trang thiết bị để hỗ trợ lực lượng KTQTĐT trong việc kiểm tra, thu thập hình ảnh, phản ánh hiện trạng, các vi phạm pháp luật về xây dựng, công trình hạ tầng kỹ thuật đô thị, trật tự đô thị, đất đai, vệ sinh môi trường trên địa bàn…
* Xin cảm ơn ông!
HOÀNG HIỆP (thực hiện)