Ngày 18-12, dưới sự điều hành của Chủ tịch HĐND thành phố Nguyễn Nho Trung, phiên thảo luận, chất vấn và trả lời chất vấn tại kỳ họp thứ 9, HĐND thành phố khóa IX, diễn ra sôi nổi với nhiều vấn đề “nóng”, thu hút sự quan tâm của đông đảo cử tri thành phố.
Đại biểu HĐND bỏ phiếu tín nhiệm các chức danh do HĐND thành phố Đà Nẵng bầu. Ảnh: ĐẶNG NỞ |
Phải đánh giá lại quy hoạch tổng thể thoát nước
Tại phiên thảo luận, ĐB Nguyễn Thành Tiến cho rằng, hệ thống thoát nước đô thị thành phố hiện nay có biểu hiện sự lạc hậu, chưa theo kịp sự phát triển của đô thị, đặc biệt là khả năng thích ứng với điều kiện thời tiết cực đoan như đợt mưa lớn vừa qua. Nguyên nhân dẫn đến tình trạng này là chưa dự báo được sự phát triển của đô thị.
Quá trình phát triển đô thị đã làm giảm đi số lượng hồ điều tiết trong thành phố từ 42 hồ còn 30 hồ, tương ứng với diện tích hồ còn khoảng gần 200ha, với dung tích tối đa khoảng 3,5 triệu m³. Hệ thống thoát nước không thực hiện công tác duy tu nạo vét trong một thời gian dài.
Thành phố cũng chưa có biện pháp để hạn chế xả thải của nhiều dự án lớn gây quá tải hạ tầng thoát nước để giải quyết căn cơ vấn đề thoát nước đô thị.
ĐB Nguyễn Thành Tiến đề xuất: Cần rà soát đánh giá lại quy hoạch tổng thể thoát nước của Đà Nẵng. Qua đó nhận diện những khu vực yếu thế những khu vực phát triển tập trung của đô thị để tập trung bổ sung thích hợp vào quy hoạch trong thành phố sắp được thực hiện trên cơ sở quy hoạch, tính toán nâng cấp các tuyến cống thoát nước và đầu tư tuyến mới, bảo đảm năng lực thoát nước phù hợp đối với khu vực trung tâm Hải Châu, Thanh Khê; cần quy hoạch quy định cụ thể về diện tích hồ điều tiết để giải quyết bài toán thoát nước ở từng khu dân cư; xây dựng kế hoạch duy tu, nạo vét định kỳ cho hệ thống thoát nước, kiểm soát việc xả thải thi công phần móng của các công trình xây dựng.
Đề xuất giải pháp xây dựng thành phố môi trường, ĐB Tô Văn Hùng cho biết, hiện nay, bình quân mỗi ngày thành phố xả thải 900-1000 tấn rác; bình quân nước thải trên 200.000m³/1 ngày, đêm. Riêng 2 ngày 9,10-12-2018, thành phố xảy ra mưa lớn dẫn đến ngập úng sâu, cục bộ, ảnh hưởng các công trình hạ tầng kỹ thuật đô thị, tác động đến đời sống cộng đồng, gây hư hỏng tài sản người dân.
ĐB Hùng kiến nghị, mỗi người dân cần xem bảo vệ môi trường là nhiệm vụ, trách nhiệm của mình, cần sự chung tay của hệ thống chính trị; xã hội hóa, khai thác nguồn lực xã hội đầu tư xây dựng công trình bảo vệ môi trường; tăng cường phân loại rác tại nguồn, xây dựng nhà máy xử lý rác hiện đại, nâng cấp hệ thống thoát nước, xử lý nước thải; dự báo, thiết lập hệ thống dữ liệu, quy hoạch, phân cấp, hoàn thiện hệ thống văn bản; giám sát quan trắc tự động, thanh tra, kiểm tra...
Liên quan đến vấn đề thoát nước đô thị, Chủ tịch HĐND thành phố Nguyễn Nho Trung chỉ ra thực trạng vừa qua tính đồng bộ chưa bảo đảm, như chỗ có máy bơm không có nước ngập, chỗ ngập lại không có máy bơm; mùa nắng làm thủ tục, mùa mưa đem ra thi công cũng là nguyên nhân dẫn đến ngập úng; 83 tỷ đồng ngân sách để nạo vét hệ thống thoát nước mỗi năm có sử dụng hết không; ý thức người dân còn hạn chế trong việc xả thải… Chủ tịch HĐND thành phố Nguyễn Nho Trung đề nghị UBND xem lại hệ thống xử lý nước thải, bố trí vốn xử lý bất cập, cân đối nguồn vốn ưu tiên để xử lý hệ thống xả thải.
Gia tăng tình trạng nợ BHXH
Đề cập thực hiện chế độ bảo hiểm xã hội (BHXH) cho người lao động, ĐB Lương Nguyễn Minh Triết bày tỏ lo lắng về gia tăng tình trạng nợ BHXH. Theo số liệu của BHXH thành phố, tính đến hết tháng 10-2018, tổng số đơn vị nợ BHXH kéo dài 3 tháng trở lên có 1.432 đơn vị, số tiền nợ 180,085 tỷ đồng, ảnh hưởng đến 10.844 người lao động.
Riêng khoản nợ không có khả năng thu hồi là 974 đơn vị với số tiền 82,12 tỷ đồng. ĐB Lương Nguyễn Minh Triết đề nghị thành phố quan tâm hơn nữa việc chỉ đạo, thanh tra, kiểm tra tình hình nợ BHXH, có giải pháp ngăn chặn từ đầu, xử lý nghiêm đối với người sử dụng lao động cố tình, chây ỳ trong việc thực hiện quy định pháp luật về BHXH.
Đồng thời, cơ quan BHXH phải chủ động đưa vào diện kiểm soát đặc biệt đối với những doanh nghiệp nợ BHXH từ 3 tháng trở lên. Đối với những doanh nghiệp nợ quá lớn, cần nhanh chóng gửi hồ sơ đề nghị khởi tố qua công an; tăng cường phối hợp chặt chẽ giữa cơ quan BHXH với Sở Lao động – Thương binh và Xã hội, Công an thành phố, Liên đoàn Lao động thành phố, Ban Quản lý Khu công nghệ cao và các khu công nghiệp (KCN) Đà Nẵng để theo dõi, nắm chắc tình hình và có giải pháp thu nợ.
Kết luận phần thảo luận, Chủ tịch HĐND thành phố Nguyễn Nho Trung đề nghị các ngành, các cấp tiếp thu ý kiến đóng góp của các đại biểu HĐND thành phố; sớm chấm dứt tình trạng xây dựng trong năm học mới; nâng cao chất lượng y tế xã phường, có những quyết sách để ngành y tế đáp ứng được nhu cầu khám, chữa bệnh của người dân thành phố và trong khu vực.
Chính quyền các cấp rà soát việc nợ BHXH, kiên quyết xử lý những doanh nghiệp nợ BHXH, không để xảy ra điểm nóng về nợ BHXH; có giải pháp mang tính khả thi hơn, ưu tiên nguồn lực thực hiện các dự án cải thiện môi trường; đồng thời, đề nghị Thường trực HĐND thành phố, các ban của HĐND tăng cường công tác giám sát trong quá trình triển khai nhiệm vụ của các ngành.
Xử lý mạnh tay tour giá rẻ
Buổi chiều 18-12, kỳ họp HĐND thành phố bước vào phiên chất vấn và trả lời chất vấn. Trả lời ĐB Cao Thị Huyền Trân về giải pháp kiểm soát “tour du lịch 0 đồng”, Giám đốc Sở Du lịch Ngô Quang Vinh cho rằng, tour giá rẻ có tác động tích cực là tăng lượng khách du lịch đến Đà Nẵng, góp phần giải quyết việc làm và phát triển các dịch vụ.
Tuy nhiên, hoạt động này cũng gây những tác động tiêu cực: giảm các tour dịch vụ, phát sinh một số hàng hóa bán không rõ nguồn gốc, kém chất lượng... Vì vậy, Sở Du lịch tham mưu cho UBND thành phố và UBND thành phố cũng đã chỉ đạo các ngành và liên ngành vào cuộc quyết liệt.
Thanh tra Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch và Thanh tra Sở Du lịch đã thanh tra 31 đơn vị lữ hành, tước quyền sử dụng giấy phép của 2 đơn vị lữ hành và phạt 10 đơn vị, phối hợp với Công an thành phố xử phạt 38 người nước ngoài hướng dẫn du lịch trái phép, xử phạt 43 trường hợp hướng dẫn viên người Việt Nam vi phạm hoạt động hướng dẫn du lịch, chuyển hồ sơ sang công an để điều tra đối với 17 trường hợp sử dụng bằng cấp giả trong hồ sơ xin cấp thẻ hướng dẫn viên…
Sở Du lịch cũng vận động các xe vận chuyển du lịch lắp đặt camera trên xe để giám sát các hướng dẫn viên trái phép; xây dựng bài thuyết minh chuẩn và dịch sang tiếng Trung, tiếng Hàn để phát cho các công ty lữ hành và hướng dẫn viên nhằm tránh tình trạng thuyết minh sai về lịch sử, văn hóa.
“Tour giá rẻ là một trong những tồn tại của cơ chế thị trường và có nhiều hạn chế. Nếu chúng ta không làm tốt sẽ ảnh hưởng đến hình ảnh, gây thất thu thuế... Vì vậy, Sở Du lịch đã tham mưu UBND thành phố, dứt khoát phải hạn chế các tiêu cực này, bảo đảm môi trường du lịch bền vững”, ông Ngô Quang Vinh khẳng định.
Về vấn đề này, Chủ tịch HĐND thành phố Nguyễn Nho Trung yêu cầu ngành du lịch phải tăng cường kiểm tra, thanh tra các tour du lịch giá rẻ để tránh thất thu thuế... “Chúng ta phải phạt thật mạnh tay, như ở Singapore, khách du lịch nhai cái kẹo cao su cũng sợ.
Chúng ta cũng phải phạt làm sao để nhắc đến “tour du lịch 0 đồng” ở Đà Nẵng là sợ, không dám luồn lách. Tôi đề nghị Sở Du lịch phối hợp với Công an thành phố, Sở Công Thương và Cục Thuế làm thật thẳng tay việc này”, Chủ tịch HĐND thành phố Nguyễn Nho Trung nhấn mạnh.
Cần đẩy mạnh thu hút đầu tư cho những năm tiếp theo
ĐB Trương Minh Hải chất vấn về kết quả thực hiện chủ đề “Năm đẩy mạnh thu hút đầu tư 2018” và mô hình xúc tiến đầu tư của Đà Nẵng hiện nay đã phù hợp chưa.
Trả lời câu hỏi này, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Trần Phước Sơn thừa nhận, hiện nay, việc thu hút các tập đoàn lớn, các nhà đầu tư lớn đầu tư vào lĩnh vực công nghệ cao chiếm tỷ lệ quá thấp. Vì vậy, trong thời đến, thành phố sẽ tiếp tục đẩy mạnh công tác cải cách hành chính; đặc biệt là xây dựng, triển khai mô hình “một cửa liên thông” trong lĩnh vực thu hút đầu tư sẽ sớm được thực hiện.
Về công tác xúc tiến đầu tư, ông Sơn đề nghị thành phố nên hạn chế tổ chức các hội thảo, hội nghị xúc tiến đầu tư, mà cần phải xác định điểm đến của các tập đoàn, nhà đầu tư lớn khi đầu tư vào Việt Nam để có hướng tiếp cận, như vậy sẽ đạt hiệu quả hơn.
Bổ sung thêm thông tin về đầu tư, bà Huỳnh Liên Phương, Phó trưởng Ban xúc tiến hỗ trợ đầu tư thành phố cho rằng, công tác thu hút đầu tư năm 2018 chưa đạt như kỳ vọng nhưng cũng là kết quả tạo đà tăng thu hút đầu tư trong năm 2019 và các năm tiếp theo.
Theo bà Phương, điểm nghẽn của việc thu hút đầu tư chững lại là do việc tiếp cận đất đai trong KCN còn ít, manh mún nên nhà đầu tư muốn đến làm ăn cũng khó. Chưa kể giá đất hiện khá cao so với các địa phương lân cận và không có chính sách ưu đãi đầu tư nào cho các dự án vào KCN của thành phố hiện nay.
Mặt khác, các thủ tục theo quy định của Trung ương cũng rất phức tạp từ việc chuyển đổi mục đích đất, giải phóng mặt bằng, đấu giá đất ... Những việc này gây mất thời gian đã dẫn đến việc xúc tiến đầu tư kéo dài, nhiều nhà đầu tư nản lòng.
“Năm 2018, chúng tôi cũng đã nhận thấy “điểm nghẽn” này và hiện các sở, ngành của thành phố đã vào cuộc để đưa ra một quy định, quy trình chuẩn bị đầu tư cho các dự án ngoài KCN, Khu công nghệ cao mà không sử dụng vốn ngân sách Nhà nước. Quy trình này đã được ban hành tháng 11-2018”, bà Phương nói.
ĐB Trần Thắng Lợi chất vấn về tình trạng chậm giải ngân vốn XDCB, tỷ lệ giải ngân thấp (đạt 39,46%). Trả lời câu hỏi này, Giám đốc Sở kế hoạch và đầu tư Trần Phước Sơn cho rằng, việc giải ngân vốn XDCB nguyên nhân là do chính sách, quy định còn nhiều bất cập, chồng chéo giữa các luật như: Luật Đầu tư công, Luật Xây dựng, Luật Môi trường, Luật Đấu thầu.
Ông Sơn đưa ra giải pháp: Thành phố sẽ tiếp tục có kiến nghị với Trung ương để điều chỉnh hợp lý và phù hợp với thực tiễn. Riêng đối với chủ đầu tư dự án, đề nghị sớm triển khai thủ tục đầu tư ngay từ đầu năm; đồng thời rà soát và lựa chọn các nhà thầu đủ năng lực, tài chính và có sự giám sát chặt chẽ của các ban quản lý dự án cũng như kiên quyết xử lý đối với nhà thầu chậm tiến độ. UBND quận, huyện cần tập trung đẩy mạnh công tác giải tỏa đền bù và phải chịu trách nhiệm về chậm tiến độ trong công tác giải phóng mặt bằng.
Về vấn đề này, Chủ tịch HĐND thành phố Nguyễn Nho Trung cho rằng, việc thu hút đầu từ của thành phố chưa đạt như kỳ vọng cũng cần phải xem lại công tác chủ quan của các sở, ban, ngành. Theo Chủ tịch HĐND thành phố Nguyễn Nho Trung, thành phố ký rất nhiều dự án, nhưng triển khai thực hiện chẳng được bao nhiêu.
Chủ tịch HĐND thành phố đề nghị cần tổ chức tổng kết một năm thực hiện việc thu hút đầu tư của thành phố để nghiêm túc đánh giá những hạn chế, tồn tại để từ đó đẩy mạnh thu hút đầu tư cho các năm tiếp theo”.
Chú trọng quy hoạch, phát triển văn hóa; giải quyết việc làm với công tác đào tạo nghề
Trả lời chất vấn của ĐB Nguyễn Nho Khiêm (Chủ tịch Hội Nhà văn thành phố) về quy hoạch thiết chế văn hóa trên địa bàn thành phố, Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Huỳnh Văn Hùng cho biết, theo quy hoạch của thành phố, mục tiêu đến năm 2020 sẽ quy hoạch và xây dựng Trung tâm Văn hóa thành phố, 100% trung tâm văn hóa quận, huyện được đầu tư hoàn thiện, 80% phường, xã có trung tâm văn hóa - thể thao, 20% còn lại có nhà văn hóa.
Đến nay, đã có 17 xã, phường/56 xã, phường có thiết chế văn hóa hoàn chỉnh; 25 xã, phường có thiết chế văn hóa với các hạng mục cơ bản, còn lại 14 xã, phường hoàn toàn chưa có các cơ sở thiết chế văn hóa. Trách nhiệm trước hết thuộc về UBND các quận, huyện.
Từ năm 2016, UBND thành phố giao cho các quận, huyện lên kế hoạch quy hoạch xây dựng các trung tâm văn hóa, Sở Văn hóa và Thể thao tham mưu về mặt chủ trương và nghiệp vụ đối với chủ trương này.
Ông Huỳnh Văn Hùng đề nghị lãnh đạo các quận, huyện chỉ đạo quyết liệt để hoàn thành quy hoạch chung này. Để nâng cao hiệu quả hoạt động, ông Huỳnh Văn Hùng cho biết, thời gian tới đề nghị UBND thành phố chỉ đạo UBND các quận, huyện cần giải pháp quản lý, khai thác hiệu quả các thiết chế văn hóa - thể thao cơ sở với nhiều hình thức phù hợp điều kiện cụ thể của từng địa phương để phát huy cơ sở vật chất, phục vụ nhu cầu vui chơi, giải trí của người dân.
Trả lời chất vấn của ĐB Lê Thị Như Hồng về trách nhiệm của Sở trong việc chấn chỉnh tình trạng quảng cáo, rao vặt, ông Huỳnh Văn Hùng cho biết: Ngày 5-11, Chủ tịch UBND thành phố ký ban hành Chỉ thị số 04/CT-UBND, về việc “Chấn chỉnh và tăng cường hiệu lực công tác quản lý hoạt động quảng cáo, rao vặt trên địa bàn thành phố Đà Nẵng”, trong đó nêu rõ trách nhiệm quy định của từng ngành, địa phương.
Để chấn chỉnh vấn đề này hơn nữa cần nâng cao trách nhiệm của UBND quận, huyện; vừa vận động nhân dân nâng cao ý thức xây dựng thành phố văn minh, vừa quyết liệt xử lý theo Nghị định 28/2017/NĐ-CP của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực văn hóa, thể thao, du lịch và quảng cáo.
Trả lời ý kiến chất vấn của ĐB Lương Nguyễn Minh Triết về việc mô hình hiện nay của CLB bóng đá SHB Đà Nẵng còn phù hợp hay không, vì sao thành tích ngày càng đi xuống, ông Huỳnh Văn Hùng cho rằng, việc thành tích đi xuống là do phong độ trồi sụt.
Chủ tịch HĐND thành phố Nguyễn Nho Trung không đồng ý với ý kiến này và cho rằng hiện nay cơ sở vật chất cho đội bóng tại phường Hòa Minh (quận Liên Chiểu) không bảo đảm cho hoạt động của một đội bóng chuyên nghiệp, hệ thống đào tạo trẻ chững lại trong những năm qua.
Trả lời chất vấn của ĐB Nguyễn Nho Khiêm về tỷ lệ thất nghiệp của thành phố còn khá cao, Giám đốc Sở Lao động-Thương binh và Xã hội Phan Thị Thúy Linh cho rằng, nguyên nhân là do cơ cấu ngành nghề đào tạo và nhu cầu đào tạo còn chưa hợp lý. Sự kết nối cung cầu lao động vẫn hạn chế. Một bộ phận lớn người có nhận thức việc làm, tìm việc học nghề vẫn còn chưa cao, có tư tưởng sau khi tốt nghiệp THPT là học tiếp lên bậc đại học…
Bà Phan Thị Thúy Linh cho biết, giải pháp là tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, thay đổi nhận thức cho người dân; tư vấn định hướng, phân luồng cho học sinh; khuyến khích học sinh thi vào các trường nghề; tăng cường kết nối giữa người tìm việc và người sử dụng lao động.
Về vấn đề này, Chủ tịch HĐND thành phố Nguyễn Nho Trung đề nghị UBND thành phố nghiên cứu xây dựng định hướng đào tạo, phát triển nguồn nhân lực phù hợp, có giải pháp nâng cao năng suất lao động xã hội, gắn việc giải quyết việc làm với công tác đào tạo nghề, đáp ứng nhu cầu lao động cho các doanh nghiệp hoạt động trên địa bàn thành phố; tổ chức triển khai có hiệu quả một số đề án việc làm đã ban hành.
Trả lời chất vấn của ĐB Lê Thị Bích Thuận về kết quả giảm nghèo của thành phố giai đoạn 2016-2020 về đích trước 2 năm có thực chất, bền vững không, bà Phan Thị Thúy Linh cho biết, hiện nay số hộ nghèo còn lại trên toàn thành phố là 2.000, biện pháp giảm nghèo trong thời gian tới là tiếp tục chỉ đạo các địa phương quan tâm công tác giảm nghèo; ban hành chính sách hỗ trợ thiết thực theo hướng đa chiều; ban hành các chính sách để người dân tiếp cận việc làm; hỗ trợ hộ nghèo còn sức lao động vươn lên thoát nghèo theo hướng sát thực tế đối với từng hộ hơn là dàn trải.
Tội phạm ma túy, cho vay nặng lãi diễn biến phức tạp
Trả lời chất vấn của ĐB Lê Xuân Hòa, ĐB Nguyễn Kim Dũng về tình hình tội phạm ma túy, cho vay nặng lãi có xu hướng tăng, diễn biến phức tạp, Giám đốc Công an thành phố Vũ Xuân Viên cho biết, ngành Công an Đà Nẵng đang phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan chức năng trong việc quản lý, thường xuyên kiểm tra các cơ sở kinh doanh có điều kiện; nâng cao trách nhiệm của chính quyền cơ sở trong công tác quản lý các cơ sở kinh doanh có điều kiện trên địa bàn, xử lý nghiêm người đứng đầu để xảy ra vi phạm về tội phạm ma túy “núp bóng” trong các cơ sở kinh doanh như: khách sạn, nhà hàng, quán karaoke…; đồng thời có biện pháp xử lý nghiêm các cơ sở không thực hiện đúng cam kết về an ninh trật tự; thực hiện công khai việc xử lý các cơ sở vi phạm có tính chất nghiêm trọng trên phương tiện thông tin đại chúng nhằm răn đe, cảnh báo chung.
Đề cập đến vấn nạn tín dụng đen, cho vay nặng lãi và đòi nợ thuê, Thiếu tướng Viên cho rằng, loại hình tín dụng đen đã “nở rộ” trong 3, 4 năm trở lại đây. Do nhu cầu vay vốn trong nhân dân, đặc biệt là các doanh nghiệp vừa và nhỏ rất lớn, nên loại tội phạm cho vay nặng lãi đánh trúng tâm lý của người vay muốn vay nhanh, gọn thủ tục đơn giản.
“Đây là quan hệ dân sự bình thường, có sự thỏa thuận và diễn ra âm thầm, nhưng đến khi không trả được thì dẫn đến đòi nợ. Đã có trường hợp giết người, gây thương tích, bắt giữ người trái phép, khủng bố tinh thần người thân, lúc đó mới báo công an. Chính vì thế, biện pháp phòng ngừa và ngăn chặn các loại đối tượng này gặp nhiều khó khăn”, Thiếu tướng Viên cho biết.
Trước bức xúc của nhân dân, Giám đốc Công an Đà Nẵng đã chỉ đạo các cơ quan chức năng tổng rà soát trên toàn thành phố, lập danh sách 262 đối tượng sống trong thành phố câu kết với 64 đối tượng ngoại tỉnh, đặc biệt là các tỉnh như: Hải Phòng, Hà Nội, Phú Thọ… chuyên cho vay nặng lãi và có biểu hiện băng nhóm đòi nợ thuê; đồng thời, phân công cụ thể giám sát mọi hoạt động, thu thập tài liệu, củng cố chứng cứ và xử lý trong thời gian đến.
Ngoài ra, Công an thành phố đã nắm được trên địa bàn có 13 đơn vị núp bóng doanh nghiệp với danh nghĩa cầm đồ, mua bán ô-tô, xe máy có biểu hiện cho vay nặng lãi. Trong thời gian tới, Công an thành phố sẽ tăng cường tuần tra mật phục để xử lý.
Đ.NỞ - TR.HÙNG - Q.KHẢI - T.ANH