40 NĂM NGÀY CHIẾN THẮNG CHIẾN TRANH BẢO VỆ BIÊN GIỚI TÂY NAM VÀ CAMPUCHIA LẬT ĐỔ CHẾ ĐỘ PÔN-PỐT (7-1-1979 - 7-1-2019)

Đường đến Ăngko

.

Tháng 12-1978, từ Khe Sanh, Hướng Hóa, Quảng Trị, Trung đoàn 95, Sư đoàn 325, Quân đoàn 2 thực hiện một cuộc hành quân thần tốc thứ 2 bằng cơ giới, vượt chặng đường hơn 1.444km vào tập kết tại huyện Bảy Núi cách biên giới Campuchia 20km, để làm mọi công tác chuẩn bị cho cuộc chiến đấu giúp bạn.

Tác giả (hàng đầu, thứ 8 bên phải sang) giao lưu cùng  lực lượng Quân đội Hoàng gia Campuchia tại Thành phố Hồ Chí Minh, tháng 12-2017.
Tác giả (hàng đầu, thứ 8 bên phải sang) giao lưu cùng lực lượng Quân đội Hoàng gia Campuchia tại Thành phố Hồ Chí Minh, tháng 12-2017.

5 giờ 30 phút ngày 7-1-1979, Trung đoàn cùng xe tăng thiết giáp đột phá vào mục tiêu chủ yếu Túc Mía. Hướng Tiểu đoàn 5 tiêu diệt 100 tên địch. Tiểu đoàn 4 giành thắng lợi giòn giã, loại khỏi vòng chiến đấu 200 tên. Kết thúc giai đoạn 1 của chiến dịch, Trung đoàn cùng đơn vị bạn đánh bật kẻ địch ra khỏi lãnh thổ của Tổ quốc Việt Nam và phát triển tiến công, tiêu diệt, đánh thiệt hại nặng một bộ phận lực lượng phản động có vũ trang ở Campuchua, góp phần hỗ trợ cho lực lượng vũ trang của bạn đập tan chính quyền Pôn Pốt.

Ngày 8-1-1979, sau 7 ngày hành tiến từ biên giới, chúng tôi đã thực hiện một loạt trận đánh về thị xã Căm-Pốt cách khoảng 10-15km. Đường khó, đoàn xe vận tải “Công ty hợp doanh Đồng Tháp” rất cố gắng nhưng mất hơn 10 tiếng đồng hồ mà vẫn chưa đưa được chúng tôi ra đến đường số 3; đến 14 giờ cùng ngày đành cho bộ đội tạm dừng để lo cơm nước và làm công tác chuẩn bị tổ chức hành quân tiếp theo. Đảng ủy, chỉ huy Trung đoàn họp, tôi không thể tham gia phát biểu được vì mất tiếng từ hôm đánh vào Túc Mía.

Nhìn cử chỉ và ánh mắt của tôi, các anh, nhất là anh Thái, Chính ủy Trung đoàn càng thấu hiểu và cảm thông rằng tôi đã không phụ lòng tập thể và không có gì lay chuyển được ý chí và nhiệt huyết. Chỉ huy Trung đoàn tiếp tục giao tôi chỉ huy một tiểu đoàn bộ binh cùng xe tăng và một số phân đội bảo đảm chiến đấu thọc sâu vào Căm-Pốt.

Ngày 9-1-1979, phải đột phá vào thị xã Căm-Pốt. Một chặng đường đầy cam go và quyết liệt, vừa hành tiến vừa trinh sát thăm dò đối phương, gặp địch là đánh, mở đường mà tiến. Bản lĩnh chiến trường đã tôi luyện và trải nghiệm qua mùa hè đỏ lửa 1972 tại Quảng Trị càng thôi thúc tôi vào trận. Tôi chọn thời cơ thích hợp và địa điểm an toàn trên đường hành tiến, hội ý cán bộ và tổ chức đội hình chiến đấu. Tôi ra lệnh toàn bộ súng máy phòng không 12,7mm, đại đội súng cối 82mm, đại liên đều giá trên các xe ô-tô Zin 130, xe tăng thiết giáp xen kẽ đội hình. Khi hành tiến pháo xe tăng, súng máy 12,7mm và đại liên cứ “nện” vào những nơi nghi ngờ để yểm trợ cho đơn vị tiến công.

Đúng như dự đoán, quá trình hành tiến phải tạm dừng 5 lần để tổ chức đội hình chiến đấu, trong đó có một trọng điểm mà cả cuộc đời binh nghiệp của tôi khó có thể quên.

Lúc đó khoảng 10 giờ, khi tôi đang chỉ huy lực lượng trinh sát của Trung đoàn vượt qua một chiếc cầu bị sập thì địch nổ súng hai bên, phải dừng lại. Bất ngờ từ phía sau, một cán bộ người to cao, trắng trẻo đến gần vỗ vai tôi: “Nào đi được chưa anh bạn?”. Tôi ngẩn người và nhận ra đó là Tư lệnh Quân đoàn Nguyễn Hữu An. Tôi vội thưa thì đồng chí ôn tồn bảo: “Không thưa gửi gì cả, Sở chỉ huy chiến dịch đang ở phía sau các đồng chí, nếu không nhổ sớm mấy thằng áo đen kia (bọn Pôn Pốt) thì tôi cứ đi đấy nhé!”. Rồi ông ra lệnh cho mọi người lui ra để tôi trình bày cách đánh và làm công tác bảo đảm... Sau khi ông nhất trí với tôi về phương án chiến đấu, tôi ra lệnh cho đại đội trinh sát, hai xe tăng và hai xe thiết giáp hộ tống để xe Tư lệnh chiến dịch vượt qua trọng điểm... Thật hú vía, mãi đến khi về học ở Học viện Cấp cao (nay là Học viện Quốc phòng), Giám đốc Học viện Thượng tướng Nguyễn Hữu An vẫn nhắc tôi về kỷ niệm xưa.

Chúng tôi bảo đảm cho Sở chỉ huy chiến dịch vượt qua trọng điểm cho đến 15 giờ 30 phút, bộ phận đi đầu đã chiếm được ngã ba đường vào thị xã Căm-Pốt. Đến đây tôi mới hiểu hết cái thâm độc của bọn Pôn-Pốt, chúng đã biến nơi đây thành vườn không, nhà trống, không chợ búa, lưu thông. Nằm ven con sông sầm uất là vựa lúa mà cả thị xã tiêu điều, nhân dân bị lính của Ăng-ka rình rập, thủ tiêu.

Sau khi chính quyền Pôn-Pốt bị đánh đổ, tôi tiếp tục chỉ huy các phân đội bộ binh, trinh sát, luồn sâu vào sào huyệt của địch, nghiên cứu tình hình, triển khai thế trận theo phương án chiến đấu mới: Vừa bảo vệ cầu đường, chốt giữ các mục tiêu trọng yếu, vừa hành quân luồn sâu bao vây, chia cắt địch ngoài rừng không cho bọn chúng quấy nhiễu nhân dân. Cuộc tiến công bắt đầu từ phía đông đường số 3 (thung lũng điểm cao 46) đến điểm cao 127 bắc đường số 3 đến tây nam núi Con Sâu và đèo 244, rồi luồn sâu vào tiến công các điểm cao 21H, H44 và 173, phối hợp đánh địch trên đường số 3 đoạn từ Chu Ki về thị xã Căm-Pốt. Đến khi thời cơ thuận lợi, hành lang được nối thông, chúng tôi tiến công thẳng vào Sở chỉ huy của Trung đoàn 123, Sư đoàn 230 của địch đang co cụm ở Trốp-Sa-La. Sau hơn 15 ngày hoạt động, Tiểu đoàn 5 cùng các đơn vị trực thuộc của Trung đoàn 95 loại khỏi vòng chiến đấu gần 100 tên địch, gây cho chúng nhiều thiệt hại, phối hợp với các lực lượng bạn giải phóng hơn 4.000 dân.

Thực hiện ý định chiến dịch đợt 2, chúng tôi cùng Tiểu đoàn 5 và Tiểu đoàn 6 luồn sâu tập kích vào điểm cao 177 đông bắc Trốp-Sa-La. Mới chỉ hai ngày đêm luồn rừng mà sao tôi cảm thấy gian truân hơn một tháng vượt Trường Sơn đi đánh Mỹ. Ở đây không có B-52, pháo bầy hay biệt kích, thám báo nhưng phải vừa đi vừa đánh; gian truân khắc nghiệt nhất là chống chọi cái khát, cái cháy bỏng của rừng lửa đang quây quanh (một phần do giặc đốt để cản đường quân ta, phần vì trời nắng nóng rừng tự bốc cháy).

Trên cương vị chỉ huy cũng đã một thời đọ lửa trên chiến trường Trị - Thiên, tôi càng khâm phục lòng dũng cảm, trí thông minh của những chiến sĩ đang cùng tôi chống khát bằng cách chặt dây rừng để tìm nước, khoét suối tìm hơi ấm để nương thân, chặn đầu gió để vượt biển lửa của quân thù. Tôi nhớ mãi hình ảnh của một chiến sĩ vác nòng súng máy 12,7mm vì thiếu nước mà ngất đi, tỉnh lại vẫn ráng bám theo đội hình; đại đội trưởng quân y tìm bùn vắt lấy nước hòa mì tôm và sữa để bón cho thương binh mau bình phục, tăng tốc độ, rút ngắn thời gian cho kịp giờ nổ súng.

Cho đến 18 giờ 30 phút, một chiến sĩ trinh sát mới phát hiện ra một vũng nước bằng cái nón, nhưng cả một Trung đoàn làm sao cho đỡ khát. Tôi phân công cán bộ tổ chức vét bùn, vợt lá rồi luân phiên cho từng phân đội, ai khỏe hơn nhường cho người yếu, ai bụng tốt nhận lấy phần bùn cho vào băng gạc để lấy nước, dùng nước trong nấu cháo, pha mì tôm cho bộ đội ăn. Cứ như thế, một guồng máy từ chỉ huy đến quân y phân chia từng giọt nước cho bộ đội. Đến 21 giờ thì việc lấy lại sức cho bộ đội cũng tạm ổn.

9 giờ 20 phút ngày 2-2-1979, đơn vị nổ súng tiến công tiêu diệt lực lượng địch ở Trốp-Sa-La, loại khỏi vòng chiến đấu hơn 400 tên địch, thu 71 súng, 43.607 viên đạn các loại, giúp bạn giải phóng hơn hai vạn dân.

Đợt luồn sâu, đánh hiểm vừa kết thúc, tôi về Sở chỉ huy Trung đoàn ở thị xã Căm-Pốt để nhận nhiệm vụ tiếp theo. Gặp tôi, anh Điện-Chủ nhiệm Quân y Trung đoàn cầm tay nói: “Thương anh quá, trong suốt chiến dịch giúp bạn ở biên giới Tây Nam, nơi nào khó khăn anh đều có mặt, hướng nào cần anh đều đến. Lần này vào cao điểm 84 xa hơn, sâu hơn, anh đánh xong sợ chúng tôi vào không kịp...”.

Nói đến đó, cổ anh như nghẹn lại: “Thôi, bệnh xá có hai chai sâm Trung Quốc loại “cải tử hoàn sinh”, anh cầm một chai đi đường. Khi nào thấm mệt, anh nhấm một ngụm là khỏe liền”. Ôi, anh Điện, tình bạn hữu, nghĩa đồng đội sao mà sâu nặng thế, tôi thầm nhủ trận này quyết diệt thật nhiều giặc để không phụ lòng anh. Trốp-Sa-La đã thuộc về ta, tôi điện báo để Sở chỉ huy cơ bản của Trung đoàn di chuyển. Khi gặp nhau ai cũng ôm chầm lấy... Tôi ngạc nhiên hỏi đồng chí Lân công vụ: “Sao lại khóc ?”. Đồng chí ấp úng: “Bác Điện... đi rồi!”. Tôi hỏi lại: “Đi đâu?”, thì đồng chí Chính ủy vỗ vai tôi an ủi: “Anh Điện hy sinh trên đường cơ động rồi!”.

Ôi! Sao lại như thế, người mà anh lo là tôi luôn xông pha phía trước, sao không bảo vệ được chu toàn cho anh - một bác sĩ đầy y đức, người chiến sĩ già nhất của Trung đoàn? Sao anh lại ra đi trong ngày kết thúc chiến dịch? Gương hy sinh và tấm lòng nhân hậu của anh thật cao cả. Anh Điện ơi! Cho tôi thắp nén hương lòng để tri ân anh và những đồng đội đã ngã xuống cho trận đánh hôm nay.

Kể từ sau trận luồn sâu vào Trốp-Sa-La, về lại thị xã Căm-Pốt, chúng tôi thấy tưng bừng náo nhiệt cờ hoa. Nhân dân tự do đi bầu cử các cấp, nhà nào cũng tổ chức làm bún ăn mừng. Buổi lễ ra mắt của Ủy ban nhân dân thị xã Căm-Pốt, nhân dân thị xã và những phum, sóc phụ cận tề tựu đông đủ, trật tự. Người về dự hội với những bộ quần áo rực rỡ sắc màu. Đã qua rồi những ngày tháng chỉ có màu những chiếc áo đen - màu tang tóc ngự trị. Nhiều thiếu nữ Campuchia vui mừng mà trào nước mắt xen lẫn chút nuối tiếc những mái tóc dài bị buộc phải cắt ngắn dưới thời Pôn-Pốt. Thật sự là một cuộc hồi sinh...

TRẦN MINH HÙNG

;
;
.
.
.
.
.