Tạo động lực mới, đưa hợp tác Việt Nam - Lào ngày càng thực chất, hiệu quả

.

Chiều 6-1, tại trụ sở Trung ương Đảng, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng tiếp Thủ tướng Chính phủ nước Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào Thongloun Sisoulith nhân dịp sang dự kỳ họp lần thứ 41 Ủy ban liên Chính phủ Việt Nam-Lào.

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng tiếp Thủ tướng Lào Thongloun Sisoulith.                                    Ảnh: TTXVN
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng tiếp Thủ tướng Lào Thongloun Sisoulith. Ảnh: TTXVN

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng bày tỏ vui mừng về mối quan hệ Việt Nam-Lào ngày càng phát triển đi vào chiều sâu, thiết thực và hiệu quả; hoan nghênh và đánh giá cao sự phối hợp chỉ đạo quyết liệt của hai Thủ tướng cùng với nỗ lực của các bộ, ngành và địa phương hai nước trong việc triển khai thực hiện các Thỏa thuận cấp cao giữa hai Đảng, hai nước trong thời gian qua; đánh giá cao kết quả kỳ họp lần thứ 41 Ủy ban liên Chính phủ Việt Nam - Lào là cơ sở hết sức quan trọng để hai nước phấn đấu hoàn thành thắng lợi Thỏa thuận về kế hoạch hợp tác giữa hai Chính phủ năm 2019 và Hiệp định hợp tác song phương Việt Nam-Lào giai đoạn 2016-2020.

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đề nghị hai Chính phủ phối hợp chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp chủ động tích cực phối hợp triển khai có hiệu quả các nội dung thỏa thuận tại kỳ họp lần thứ 41 Ủy ban liên Chính phủ Việt Nam-Lào; trong đó đi sâu trao đổi thông tin, kinh nghiệm về công tác xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả; phát triển kinh tế-xã hội; phối hợp chặt chẽ về quốc phòng - an ninh, đối ngoại; tập trung tìm các giải pháp tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc để nâng cao hiệu quả hợp tác về kinh tế, đầu tư, thương mại, văn hóa, giáo dục, khoa học kỹ thuật.

Cùng ngày, tại Hà Nội diễn ra kỳ họp lần thứ 41 Ủy ban liên Chính phủ Việt Nam - Lào do Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc và Thủ tướng Chính phủ Lào Thongloun Sisoulith đồng chủ trì. Tham dự kỳ họp có đại diện lãnh đạo 30 bộ, ngành, địa phương của hai nước.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, trong bối cảnh tình hình thế giới và khu vực năm 2018 diễn biến phức tạp, khó lường, trên tinh thần quan hệ đặc biệt, hai bên đã cùng nhau chia sẻ những khó khăn, thách thức, ủng hộ lẫn nhau tại các diễn đàn quốc tế và khu vực; tiếp tục đổi mới cách làm, nâng cao hiệu quả hợp tác, đưa quan hệ hai nước đi vào chiều sâu, hiệu quả và ngày càng phát triển.

Thủ tướng Lào cũng đánh giá cao kết quả hợp tác toàn diện giữa hai nước; bày tỏ tin tưởng kỳ họp sẽ tạo ra động lực mới, đưa hợp tác giữa hai nước ngày càng đi vào thực chất, hiệu quả, góp phần quan trọng vào việc củng cố và tăng cường mối quan hệ hữu nghị vĩ đại, đoàn kết đặc biệt và hợp tác toàn diện Lào - Việt Nam.

Hai bên hài lòng trước các kết quả triển khai Chương trình hợp tác giữa hai Chính phủ năm 2018 trên tất cả các lĩnh vực. Theo đó, quan hệ chính trị - đối ngoại ngày càng gắn bó, tin cậy; hợp tác quốc phòng - an ninh ngày càng chặt chẽ, góp phần giữ vững ổn định chính trị, quốc phòng, an ninh, trật tự an toàn xã hội của mỗi nước; hợp tác kinh tế có nhiều tiến triển tích cực, hơn 400 dự án của doanh nghiệp Việt Nam với tổng vốn đăng ký khoảng 4,1 tỷ USD tiếp tục đóng góp cho ngân sách và phát triển kinh tế - xã hội của Lào; kim ngạch thương mại hai chiều năm 2018 đạt trên 1 tỷ USD, tăng 14% so với năm 2017. Một số dự án kết nối giao thông chiến lược đang được tích cực triển khai. Hợp tác giáo dục đào tạo được đẩy mạnh, số lượng học bổng của Việt Nam cho Lào ngày càng tăng, đưa tổng số lưu học sinh Lào tại Việt Nam lên hơn 14.200 người.

Hai bên nhất trí cao về phương hướng hợp tác năm 2019, trong đó tập trung tiếp tục tăng cường các trụ cột hợp tác về chính trị, đối ngoại, quốc phòng, an ninh; tăng cường trao đổi kinh nghiệm xây dựng chính sách ổn định kinh tế vĩ mô, phát triển bền vững; nâng cao tính kết nối và bổ trợ giữa hai nền kinh tế, đặc biệt trong lĩnh vực giao thông và năng lượng; phối hợp rà soát, cải thiện môi trường kinh doanh, đầu tư, hạ tầng kết nối giao thông, tạo điều kiện thuận lợi hơn nữa cho doanh nghiệp, phấn đấu đưa kim ngạch thương mại song phương năm 2019 tăng ít nhất 10%; tiếp tục ưu tiên và thúc đẩy việc nâng cao chất lượng hợp tác giáo dục - đào tạo và phát triển nguồn nhân lực, trong đó có việc thí điểm đưa các nội dung công trình lịch sử quan hệ đặc biệt Việt Nam - Lào vào giảng dạy tại các trường học hai nước. Các bộ, ngành, địa phương hai nước tiếp tục thúc đẩy trao đổi, hợp tác thực chất, hiệu quả trên các lĩnh vực văn hóa, khoa học, xã hội, thông tin - truyền thông, thể thao, y tế, nội vụ, tư pháp...

Trên tinh thần tin cậy đặc biệt, hai bên nhất trí tiếp tục phối hợp chặt chẽ, ủng hộ lẫn nhau tại các diễn đàn quốc tế và khu vực, cùng nỗ lực làm sâu sắc hơn tiến trình hợp tác, liên kết của Cộng đồng ASEAN, tăng cường đoàn kết, vai trò trung tâm và tiếng nói chung của ASEAN trên các vấn đề chiến lược của khu vực, trong đó có vấn đề Biển Đông; nhất trí hợp tác quản lý, sử dụng hiệu quả, bền vững nguồn nước sông Mê Công. Lào khẳng định ủng hộ Việt Nam ứng cử làm Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc nhiệm kỳ 2020-2021.

* Ngay sau kỳ họp, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và Thủ tướng Lào Thongloun Sisoulith đã chứng kiến lễ ký và trao sáu văn kiện hợp tác gồm: (i) Thỏa thuận về kế hoạch hợp tác giữa Chính phủ Việt Nam và Chính phủ Lào năm 2019; (ii) Biên bản kỳ họp lần thứ 41 Ủy ban liên Chính phủ về hợp tác song phương giữa Chính phủ Việt Nam và Chính phủ Lào; (iii) Thỏa thuận tài trợ 300 tấn hạt giống lúa của Chính phủ Việt Nam cho Chính phủ Lào; (iv) Thỏa thuận về kế hoạch hợp tác giáo dục năm 2019 giữa Bộ Giáo dục và Đào tạo Việt Nam và Bộ Giáo dục và Thể thao Lào; (v) Biên bản bàn giao - tiếp nhận Dự án Đài phát thanh - phát hình tại tỉnh Savanakhet, Lào; (vi) Biên bản bàn giao tiếp nhận Dự án khoa tiếng Việt tại Đại học Suphanouvong và Đại học Champasak, ký túc xá lưu học sinh nước ngoài tại Đại học Quốc gia Lào và Trường THPT hữu nghị Lào - Việt Nam giai đoạn 2.

TTXVN
 

;
;
.
.
.
.
.