"Làng Sông Đà" trên công trình La Sơn-Túy Loan

.

Gọi tên làng “Sông Đà” bởi, ngôi làng này được hình thành từ cuộc sống và sinh hoạt của công nhân Công ty CP Sông Đà 10. Họ đi theo vào đây xây dựng công trình cao tốc La Sơn-Túy Loan và đã hình thành nên ngôi làng mới này dưới chân núi Hải Vân.

Làng “Sông Đà” nhìn từ đỉnh dãy Hải Vân.
Làng “Sông Đà” nhìn từ đỉnh dãy Hải Vân.

Ông Phạm Chiến Thắng, Giám đốc điều hành Công ty CP Sông Đà 10 cho biết khi mới vào xây dựng công trình cao tốc La Sơn-Túy Loan, hàng trăm công nhân của công ty phải ở tạm lán trại. Cuộc sống sinh hoạt rất khó khăn, vì xa khu dân cư. Từ lán trại đi ra đến chợ phải mất hàng tiếng đồng hồ đường núi… Chính vì vậy, để giảm phần vất vả của những lần đi tiếp tế lương thực, các gia đình công nhân đã tự xây dựng nên ngôi làng này.

Nằm ẩn mình dưới chân núi Hải Vân, tại khu vực giáp ranh hai tỉnh Thừa Thiên Huế và thành phố Đà Nẵng, làng “Sông Đà” có hơn 30 chục nóc nhà với hơn 100 công nhân. Tất cả đều là công nhân của công trình đường cao tốc La Sơn-Túy Loan. Họ đến đây từ nhiều địa phương khác nhau trong cả nước, cùng làm công nhân và cùng nhau sinh sống tại đây.

Mặc dù là ngôi làng tạm, ở cách biệt khu dân cư, và sẽ không có tên trên bản đồ hành chính, nhưng làng “Sông Đà” lại có đủ mọi hoạt động của một xã hội thu nhỏ. Ở làng có đủ mọi nhu cầu thiết yếu cầu cuộc sống, từ chương trình truyền hình, cà-phê, ăn sáng, đến karaoke, hớt tóc… không thiếu một thứ gì.

Trong cuộc vui cùng anh em công nhân của làng “Sông Đà”, ông Phạm Quang Nghiêm, Trưởng phòng Quản lý dự án 4, Giám đốc điều hành hiện trường dự án La Sơn-Túy Loan, (Ban quản lý dự án đường Hồ Chí Minh, Bộ Giao thông vận tải) cho biết, quá trình hình thành làng “Sông Đà” được phát triển từ vài chục công nhân ban đầu của Công ty CP Sông Đà 10. Họ đến từ khắp các miền đất nước đi theo công trình xây dựng đường cao tốc. Trên địa bàn xây dựng cao tốc La Sơn-Túy Loan, hiện có nhiều đơn vị thi công với hàng trăm công nhân đang làm việc như Công ty TNHH Tập đoàn Sơn Hải, Công ty CP Tập đoàn Trường Thịnh, Công ty CP Sông Đà 10…Trong những ngày đầu đến với công trình, các công nhân trải qua rất nhiều gian khổ, đối mặt với muôn vàn thử thách, nhưng sau khi hình thành nên làng “Sông Đà” thì hiện cuộc sống, sinh hoạt của hàng trăm công nhân đang xây dựng công trình đã ổn định và đầy đủ hơn nhiều rồi.

Trong ngôi nhà bày bán hàng nhu yếu phẩm hằng ngày ở đầu làng “Sông Đà”, chị Phạm Thị Thanh cho biết: “Tôi vào làm công nhân ở đây từ đầu năm 2013, là lớp công nhân đầu tiên. Nói về những khó khăn khi ấy, có lẽ phải nhắc đến hơn 10 năm nữa.  Chỉ nguyên cái khí hậu khắc nghiệt của miền Trung này đã đủ làm nản lòng không ít người, nắng thì như thiêu đốt mà mưa thì dai dẳng, dầm dề. Mỗi đội công nhân lúc đó mới chỉ có vài chục người sống giữa rừng không điện, không thông tin; đường sá tự mở; quanh năm ăn cơm với cá khô, đậu phụng rang muối; lấy rau rừng, đọt măng về làm canh, cuộc sống công nhân gắn chặt với núi rừng, cả năm không ra đến phố. Nhiều khi mưa lớn, đường tắc, chuyện hết gạo, hết muối, thiếu ăn là thường... Nhưng giờ thì sướng rồi mọi thứ đều có, không thiếu thứ gì...”.

Sáng sớm, sương mờ giăng khắp núi rừng, kết thành những vệt mờ tỏa khắp thung lũng chân dãy Hải Vân. Đang xuân, làng mới “Sông Đà” như thức dậy sớm, bởi hàng trăm công nhân dang hối hả trở lại công trình sau những ngày nghỉ Tết, làng mới “Sông Đà” lại tràn ngập hương sắc mùa xuân.

Những gia đình người thợ xây dựng đã theo suốt quá trình thi công dự án cao tốc La Sơn-Túy Loan. Dự án khởi công ngày 22-12-2013, có tổng chiều dài 77,5km, bắt đầu từ ngã ba La Sơn (huyện Phú Lộc, Thừa Thiên-Huế) và kết thúc tại nút giao Túy Loan (huyện Hòa Vang), nối với đầu tuyến cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi. Dự án có tổng mức đầu tư 11.486 tỷ đồng, với quy mô hai làn xe, theo hình thức hợp đồng BT. Như vậy, có nghĩa là làng “Sông Đà” đã có mặt trên công trình cao tốc La Sơn-Túy Loan cũng đã hơn 5 năm.

          Bài và ảnh: PHƯƠNG UYÊN

;
;
.
.
.
.
.