Năm 2019, Ban đại diện Hội Người cao tuổi (NCT) thành phố tiếp tục vận động xây dựng mới 14 CLB Liên thế hệ tự giúp nhau. Trước đó, toàn thành phố đã xây dựng thí điểm 14 CLB Liên thế hệ tự giúp nhau, nâng tổng số lên 28 CLB.
Đội hình diễu hành của người cao tuổi tại Đại hội Thể dục - thể thao quận Liên Chiểu. |
Trưởng ban đại diện Hội NCT thành phố Lê Văn Kiện cho biết, để đi vào hoạt động, tối thiểu mỗi CLB được UBND thành phố hỗ trợ 30 triệu đồng và Quỹ chăm sóc NCT phường, xã hỗ trợ 20 triệu đồng. Tuy nhiên, nhận thấy những đóng góp, hiệu quả hoạt động mô hình, nhiều địa phương có chính sách hỗ trợ nhằm tăng vốn ban đầu cho CLB. Như ở quận Cẩm Lệ, UBND quận còn hỗ trợ thêm mỗi CLB 20 triệu đồng, nâng tổng số vốn ban đầu lên 70 triệu đồng/CLB.
Tương tự, CLB Liên thế hệ tự giúp nhau thôn Đông Hòa (xã Hòa Châu, huyện Hòa Vang) cũng vận động các nhà hảo tâm ủng hộ, nâng tổng số vốn ban đầu lên hơn 100 triệu đồng. Còn CLB Liên thế hệ tự giúp nhau phường An Khê (quận Thanh Khê) được UBND phường hỗ trợ kinh phí may đồng phục, hỗ trợ đài cho CLB tập thể dục dưỡng sinh, đồng thời từng hội viên tự nguyện đóng góp 50.000 đồng/tháng để gây quỹ hỗ trợ những trường hợp khó khăn, hoạn nạn…
Từ nguồn vốn ban đầu, Ban chủ nhiệm các CLB Liên thế hệ tự giúp nhau tổ chức cho hội viên vay vốn lãi thấp (theo thống nhất toàn thành phố là 0,5%/tháng) với số tiền được vay từ 3-10 triệu đồng/hội viên, giúp các hội viên vượt qua phần nào khó khăn cuộc sống. Nổi bật có thể kể đến hiệu quả hoạt động CLB Liên thế hệ tự giúp nhau phường Hòa Phát (quận Cẩm Lệ) đã giải quyết cho 9 hộ vay để mở các quầy bán gạo, cây cảnh, hoa quả, cơm chay, tạp hóa.
CLB Liên thế hệ tự giúp nhau thôn Yến Nê (xã Hòa Tiến, huyện Hòa Vang) cho hội viên vay vốn để sản xuất lúa giống, đạt năng suất 400kg/sào, một số hội viên vay vốn chăn nuôi gia cầm cũng đạt hiệu quả cao và tự giác trả lãi vay theo đúng quy định. Chủ tịch Hội NCT xã Hòa Tiến Nguyễn Thị Hương cho biết, lãi suất 0,5%/tháng nhằm để bù trượt giá, bảo tồn nguồn vốn và gắn kết trách nhiệm của hội viên về mục đích sử dụng vốn vay.
Không chỉ hỗ trợ các hội viên về vốn, kiến thức, kinh nghiệm sản xuất-kinh doanh, CLB cũng là nơi chia sẻ của các hội viên lúc khó khăn, hoạn nạn bất ngờ. Nhiều câu chuyện xúc động được nhân rộng, như CLB Liên thế hệ tự giúp nhau thôn Yến Nê lập tổ tình nguyện với 8 thành viên, thay nhau đến nhà chăm sóc các cụ Trần Thị Nơm, Nguyễn Thị Thứ và Nguyễn Thị Liên cùng hoàn cảnh đau ốm dài ngày và hết sức khó khăn.
Còn tổ tình nguyện của CLB Liên thế hệ tự giúp nhau phường Thọ Quang (quận Sơn Trà) có 10 thành viên, thay nhau chăm sóc tại nhà đối với hai cụ Bùi Thị Kiểm và Nguyễn Thị Anh. Đặc biệt, CLB Liên thế hệ tự giúp nhau thôn Đông Hòa vận động hỗ trợ 10 hội viên nghèo khó, mỗi người 1 triệu đồng và hỗ trợ hàng chục ngày công thu hoạch lúa cho 1 trường hợp neo đơn…
Tại các CLB, hoạt động chăm sóc sức khỏe cũng diễn ra sôi nổi, phong phú với việc thành lập Đội Thể dục dưỡng sinh, Đội Văn nghệ, thu hút đông đảo hội viên tham gia. Hằng ngày, từng CLB tự luyện tập các môn thể dục ưa thích ở các không gian trống trong khu dân cư. Những hội viên từng là diễn viên, văn công phát huy năng khiếu nghệ thuật và trở thành nòng cốt trong quá trình luyện tập và biểu diễn. Một số đội xây dựng được chương trình văn nghệ có chất lượng tốt, được chọn biểu diễn phục vụ đại hội và các sự kiện lớn tại địa phương.
Thực hiện chủ trương của lãnh đạo thành phố, trong năm 2019, Ban đại diện Hội NCT thành phố tiếp tục vận động xây dựng mới 14 CLB Liên thế hệ tự giúp nhau, nâng tổng số lên 28 CLB. Theo ông Lê Văn Kiện, các CLB Liên thế hệ tự giúp nhau cần chăm lo phát triển hội viên và xây dựng theo hướng bền vững, không ngừng phấn đấu nâng cao chất lượng hoạt động, đồng thời đề nghị các sở, ban, ngành, địa phương tích cực hỗ trợ các CLB Liên thế hệ tự giúp nhau theo chủ trương của lãnh đạo thành phố.
Bài và ảnh: LÊ VĂN THƠM