NHÀ VĂN HÓA LAO ĐỘNG

Điểm đến của người lao động thành phố

.

Nhà Văn hóa Lao động là đơn vị trực thuộc Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) thành phố - vừa tròn 10 năm đi vào hoạt động. Nơi đây đã trở thành điểm hẹn văn hóa của đông đảo công nhân, viên chức, lao động (CNVCLĐ) và nhân dân trong các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục - thể thao.

Nhà Văn hóa Lao động thành phố tổ chức phục vụ tốt các hoạt động quan trọng của tổ chức Công đoàn thành phố hằng năm. TRONG ẢNH: Lễ cưới tập thể của CNVCLĐ tổ chức tại Nhà Văn hóa Lao động.
Nhà Văn hóa Lao động thành phố tổ chức phục vụ tốt các hoạt động quan trọng của tổ chức Công đoàn thành phố hằng năm. TRONG ẢNH: Lễ cưới tập thể của CNVCLĐ tổ chức tại Nhà Văn hóa Lao động.

Nhà Văn hóa Lao động thành phố (số 2, đường Cách mạng Tháng Tám, quận Hải Châu) có 1 hội trường đa năng sức chứa trên 800 người với hệ thống âm thanh, ánh sáng hiện đại; 1 nhà thi đấu đa năng khoảng 400 ghế ngồi, có thể khai thác trong tập luyện, thi đấu các môn cầu lông, bóng bàn, văn nghệ; 2 sân bóng đá mini nhân tạo, 2 sân bóng chuyền, 3 sân cầu lông, 1 sân bi sắt, 1 sân kéo co, 1 sân nhảy bao bố, cùng nhiều phòng học, phòng sinh hoạt... trên diện tích hơn 16.000m2.

Phó Chủ tịch LĐLĐ thành phố Hoàng Hữu Nghị, Giám đốc Nhà Văn hóa Lao động thành phố cho biết: Nhà Văn hóa Lao động từng đứng trước nhiều khó khăn, thách thức, do địa điểm hoạt động khá xa trung tâm thành phố, xa khu công nghiệp, cơ sở hạ tầng còn hạn chế, đội ngũ cán bộ nghiệp vụ còn mỏng, chưa có kinh nghiệm.

Trong khi đó, thành phố đầu tư nhiều thiết chế văn hóa mới rất quy mô, hiện đại và chuyên nghiệp... Vì vậy rất khó để cạnh tranh khai thác kinh doanh, mà chủ yếu chỉ để hoạt động miễn phí, mang tính quần chúng. Đến nay, qua nhiều nỗ lực phấn đấu cùng sự quan tâm, tạo điều kiện của LĐLĐ thành phố và các cấp, ngành, hoạt động của Nhà Văn hóa Lao động đã từng bước trở thành điểm hẹn không thể thiếu trong đời sống văn hóa của nhiều đoàn viên, CNVCLĐ và nhân dân trên địa bàn.

Hiện nay, trung bình mỗi ngày Nhà Văn hóa Lao động thu hút gần 1.500 đoàn viên, CNVCLĐ thành phố, du khách trong và ngoài nước đến tham gia sinh hoạt, luyện tập, xem biểu diễn nghệ thuật. Có từ 12-17 CLB hoạt động ổn định và thường xuyên tại Nhà Văn hóa Lao động như các CLB: guitar cổ điển, nhiếp ảnh, thư pháp, đá nghệ thuật, bóng đá, khiêu vũ và nhảy múa hiện đại, võ Karatedo, Vovinam, Aikido, Judo... Mặc dù lực lượng cán bộ nghiệp vụ còn mỏng, nhưng Nhà Văn hóa Lao động đã chủ động phối hợp với các CLB tổ chức phục vụ tốt các hoạt động quan trọng của tổ chức Công đoàn thành phố hằng năm như: ngày hội văn hóa-thể thao, lễ cưới tập thể đoàn viên, hội thao CNVCLĐ truyền thống, lễ tuyên dương con CNVCLĐ vượt khó, học giỏi... và các hoạt động đặc thù như lễ hội, các cuộc thi tìm kiếm tài năng; các hoạt động giao lưu quốc tế, giao lưu thanh niên Việt Nam và thanh niên Nhật Bản, đón tàu Hòa Bình...

Đặc biệt, hoạt động truyền thống của Nhà Văn hóa Lao động được tổ chức trong dịp Tết Nguyên đán hằng năm là Ngày hội bánh chưng xanh. Thông qua hoạt động này, hàng ngàn bánh chưng và các phần quà được trao cho công nhân lao động có hoàn cảnh khó khăn tại các khu công nghiệp, các trung tâm bảo trợ trẻ em, công nhân môi trường làm việc trong đêm giao thừa... nhằm lưu giữ những giá trị truyền thống của dân tộc, là một hoạt động xã hội ý nghĩa đối với người lao động.

Ông Hoàng Hữu Nghị cho hay, từ tháng 8-2016, Nhà Văn hóa Lao động xây dựng đề án “Mở rộng hợp tác tổ chức hoạt động văn hóa, thể thao”, được Tổng LĐLĐ Việt Nam, LĐLĐ thành phố phê duyệt. Từ đó, Nhà Văn hóa Lao động liên kết với một đơn vị bên ngoài tổ chức sân khấu nghệ thuật, các show biểu diễn âm nhạc truyền thống phục vụ du khách trong, ngoài nước; phục vụ miễn phí cho công nhân lao động trên địa bàn khi các Công đoàn cơ sở có văn bản đề xuất.

Hoạt động này được Sở Văn hóa và Thể thao kiểm duyệt nội dung, bảo đảm đúng thuần phong, mỹ tục, góp phần trong việc nâng cao đời sống văn hóa tinh thần cho người dân và góp phần cho sự phát triển du lịch của thành phố. “Để tiếp tục mục tiêu phục vụ người lao động, là điểm đến không thể thiếu của đoàn viên, từ 1-8-2019, chúng tôi ưu tiên, tạo mọi điều kiện thuận lợi để các cấp Công đoàn thành phố sử dụng cơ sở vật chất hiện có tổ chức các hoạt động cho đoàn viên; chỉ thu một phần kinh phí để bù đắp chi phí điện nước, vệ sinh.

Đối với tất cả các hoạt động văn hóa, thể thao, tổ chức hội nghị, hội thảo, các hoạt động chăm lo, tổ chức lễ cưới cho người lao động có hoàn cảnh khó khăn, các lớp năng khiếu cho con CNVCLĐ... được phối hợp tổ chức tại Nhà Văn hóa Lao động đều sẽ được hỗ trợ miễn phí phần lớn các khâu hoặc giảm giá từ 20-50%”, ông Hoàng Hữu Nghị nhấn mạnh.

Là một trong những đơn vị thường tổ chức hoạt động tại Nhà Văn hóa Lao động, Phó Chủ tịch Công đoàn ngành Công thương Đỗ Thị Thanh Vân nói: Với những đơn vị cấp ngành, lực lượng ít nên việc triển khai tổ chức hoạt động bề nổi khá khó khăn. Thời gian qua, nhờ sự phối hợp về chuyên môn, cơ sở vật chất của Nhà Văn hóa Lao động, chúng tôi đã tổ chức được nhiều hoạt động văn hóa, thể thao thu hút đoàn viên, người lao động ngành tham gia. Với mức phí hỗ trợ, phục vụ như hiện nay, hy vọng Nhà Văn hóa Lao động sẽ tiếp tục xứng đáng là một điểm hẹn văn hóa của CNVCLĐ và nhân dân trên địa bàn.

Bài và ảnh: NHƯ MINH

;
;
.
.
.
.
.