Sáng 19-9, phát biểu tại lễ khai mạc Đại hội đại biểu toàn quốc Mặt trận Tổ quốc (MTTQ) Việt Nam lần thứ IX, nhiệm kỳ 2019-2024, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc gợi mở một số vấn đề để các đại biểu thảo luận. Trước hết, xây dựng, củng cố khối đại đoàn kết toàn dân tộc là sự nghiệp của toàn Đảng, toàn dân, của cả hệ thống chính trị, trong đó MTTQ đóng vai trò nòng cốt.
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Trần Thanh Mẫn với các đại biểu dự đại hội. Ảnh: TTXVN |
Nhiệm vụ quan trọng hàng đầu của MTTQ là tập hợp, xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Trong những năm tới, đất nước ta tiếp tục thực hiện mục tiêu đẩy mạnh toàn diện, đồng bộ công cuộc đổi mới, phát triển kinh tế nhanh, bền vững.
Mặt trận cần thực hiện tốt hơn nữa vai trò nòng cốt trong việc chủ trì hiệp thương, phối hợp với các cấp chính quyền và các tổ chức thành viên triển khai sâu rộng các cuộc vận động, phong trào thi đua yêu nước nhằm phát huy tinh thần yêu nước, ý chí tự lực tự cường, tự tôn dân tộc, đổi mới, sáng tạo của các tầng lớp nhân dân thi đua thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ phát triển kinh tế, xã hội của đất nước trong thời kỳ mới.
MTTQ phải làm tốt hơn vai trò tập hợp, lắng nghe ý kiến nhân dân để phản ánh với các cơ quan Đảng và Nhà nước cũng như các địa phương; chủ động phối hợp với chính quyền giải quyết có hiệu quả những vấn đề xã hội bức xúc ngay tại cơ sở, góp phần bảo đảm quyền và lợi ích chính đáng của nhân dân.
Mặt trận cần tiếp tục vận động, phát huy vai trò của nhân dân tích cực tham gia xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền ngày càng vững mạnh, tạo sự đồng thuận xã hội, tin tưởng vững chắc vào đường lối đổi mới do Đảng lãnh đạo; làm tốt vai trò chủ trì hiệp thương, phân công, phối hợp các tổ chức thành viên trong thực hiện giám sát và phản biện xã hội, bao gồm cả việc giám sát các cán bộ, đảng viên, các đại biểu dân cử, các công chức, viên chức, cơ quan Nhà nước các cấp, góp phần làm cho tổ chức Đảng và bộ máy chính quyền các cấp thực sự trong sạch, vững mạnh, thực sự là của dân, do dân và vì dân; chủ động góp ý kiến với Đảng, Nhà nước trong việc hoạch định cơ chế, chính sách, làm người phản biện sắc sảo, chân tình giúp Đảng và chính quyền tự điều chỉnh, tự hoàn thiện để lãnh đạo, chỉ đạo tốt hơn.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng, MTTQ Việt Nam cần tiếp tục chủ động tham gia sâu hơn, toàn diện, hiệu quả hơn và động viên nhân dân tích cực tham gia vào công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, công tác cải cách hành chính, cải cách tư pháp, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh; phát huy vai trò tích cực trong tham gia kiểm soát quyền lực, giám sát để quản lý xã hội công khai, minh bạch. Mặt trận phải là nơi tin cậy để người dân phản ánh, tố giác tội phạm, tham nhũng, “lợi ích nhóm”, tố giác những người có biểu hiện suy thoái, tiêu cực, nhũng nhiễu nhân dân.
Muốn thực hiện được những yêu cầu trên, Mặt trận cần đổi mới nội dung và phương thức hoạt động theo hướng gắn bó thường xuyên, mật thiết với nhân dân, vì quyền lợi chính đáng của nhân dân, tập trung hướng mạnh về cơ sở. Dịp này, Thủ tướng đề nghị các cấp ủy Đảng tiếp tục quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo và các cơ quan chính quyền cần phối hợp chặt chẽ hơn nữa với Mặt trận; tiếp tục hoàn thiện cơ chế hoạt động và chính sách đối với công tác Mặt trận nhằm tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân và nâng cao chất lượng công tác Mặt trận trong tình hình mới.
Đại hội đại biểu toàn quốc MTTQ Việt Nam lần thứ IX diễn ra từ ngày 18 đến 20-9, với sự tham dự của hơn 1.300 đại biểu đại diện cho các tầng lớp nhân dân, các giai cấp, dân tộc, tôn giáo, lực lượng vũ trang, người Việt Nam ở nước ngoài... (Chinhphu.vn)
* Chiều cùng ngày, tham gia phát biểu tại Trung tâm thảo luận số 3 Đại hội đại biểu toàn quốc MTTQ Việt Nam lần thứ IX, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam thành phố Đà Nẵng Đặng Thị Kim Liên cho biết, thời gian qua, Mặt trận Đà Nẵng đã thực hiện tốt công tác giám sát và phản biện xã hội và nhận được sự ủng hộ, đồng tình của cấp ủy, sự phối hợp của chính quyền, các ngành chức năng, cũng như sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị.
Theo bà Đặng Thị Kim Liên, để thực hiện tốt công tác giám sát và phản biện xã hội, ngoài việc lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, cần có sự ủng hộ và phối hợp của chính quyền; đồng thời lắng nghe và tiếp thu ý kiến, kiến nghị của Mặt trận và tiếng nói của nhân dân. Bên cạnh đó, Mặt trận phải giữ vai trò chủ động, chủ trì việc lựa chọn những nội dung giám sát, phản biện phù hợp và được người dân, xã hội quan tâm.
Công tác tập hợp và tổng hợp ý kiến, kiến nghị sau phản biện xã hội của Mặt trận phải bảo đảm tính pháp lý, tính khoa học và tính thực tiễn, các giải pháp đưa ra phải hiệu quả, có tính khả thi và sau khi làm văn bản kiến nghị, phải đôn đốc, giám sát thường xuyên việc giải quyết kiến nghị... Giám sát và phản biện xã hội của Mặt trận không có chế tài, vì vậy muốn phát huy được hiệu quả công tác giám sát và phản biện xã hội phải thực hiện công khai, minh bạch và huy động được sự tham gia vào cuộc của truyền thông và dư luận. (THANH TUYỀN).