Chu cấp cho nhiều sinh viên nghèo học hết đại học; ủng hộ và vận động kinh phí xây dựng nhiều công trình phục vụ đời sống nhân dân tại các vùng căn cứ cách mạng... Đó là những việc thiện mà vị tướng già Trần Tiến Cung vẫn miệt mài theo đuổi bấy lâu với tấm lòng ngời sáng của người lính Cụ Hồ trong thời bình.
Thiếu tướng Trần Tiến Cung |
Thiếu tướng Trần Tiến Cung quê xã Nghĩa Hòa (Tư Nghĩa, Quảng Ngãi), nay trú quận Hải Châu, Đà Nẵng, sớm giác ngộ cách mạng và nổi bật về sự thông minh, học giỏi.
Ông hăng hái hoạt động trong Đội Thiếu niên cứu quốc của xã từ những ngày mùa thu lịch sử 1945. Ông tham gia biểu tình giành chính quyền ở xã Nghĩa Hòa, rồi kéo lên làm chủ phủ đường Tư Nghĩa. 74 năm qua, ông vẫn còn nhớ rõ hình ảnh đoàn biểu tình rầm rập tiến lên, hô vang các khẩu hiệu: “Đả đảo Nhật, Pháp!”, “Việt Nam độc lập muôn năm!”, “Hồ Chí Minh muôn năm!”…
Đầu năm 1946, ông Cung tình nguyện nhập ngũ, được biên chế vào Tiểu đoàn Lương Ngọc Quyến, cùng đồng đội kiên cường ngăn chặn quân xâm lược Pháp tại mặt trận Khánh Hòa. Với tư chất thông minh, khôn khéo, ông sớm trở thành một cán bộ quân báo tài năng. Năm 1965, ông đã đảm đương cương vị Cụm trưởng Cụm Tình báo H32, cơ quan chỉ huy đóng tại xã Điện Trung (thị xã Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam).
Ông tổ chức mạng lưới cơ sở tại nhiều địa bàn quan trọng và xây dựng được cơ sở nội tuyến trong Quân đoàn 1 ngụy. Qua đó, Cụm Tình báo H32 khai thác được hàng trăm tin tức giá trị, báo cáo kịp thời cho Bộ Quốc phòng. Từ những nguồn tin ấy, ta đã phá tan nhiều âm mưu của quân thù.
Thật khó để kể hết câu chuyện thời chiến, những năm tháng không thể nào quên, nơi Thiếu tướng Trần Tiến Cung đã cống hiến cả tuổi trẻ vì độc lập, tự do của Tổ quốc. Và càng trân quý hơn tấm lòng người lính Cụ Hồ năm xưa vì những việc làm góp nhặt cho đời nhiều hoa thơm trái ngọt khi đất nước hòa bình, thống nhất.
Khi còn trong quân ngũ, Thiếu tướng Trần Tiến Cung đảm nhiệm nhiều chức vụ quan trọng, từ khi về hưu đến nay ông xông pha gánh vác công việc xã hội, là Chủ tịch Hội Cựu chiến binh thành phố Đà Nẵng nhiều năm liền.
Và, từ trước đến nay, ông vẫn ở trong căn nhà cấp 4 giản dị, song, năm nào ông cũng trích lương hưu ủng hộ các hoạt động nhân đạo, tình nghĩa, khuyến học, khuyến tài. Nhiều sinh viên nghèo ở quê hương và các vùng căn cứ cách mạng được ông hỗ trợ và cho ở trong nhà để đi học.
Đơn cử như anh Trần Tiến Vũ được ông chu cấp ăn ở trong nhà suốt 4 năm học đại học, bây giờ đã xin được việc làm tại Trường Trung cấp Kỹ thuật Quân khu 5. Hay như Lê Văn Trưởng cũng được ông nuôi dưỡng như con ruột, nay đã tốt nghiệp đại học và được một doanh nghiệp trên địa bàn Đà Nẵng tuyển dụng.
Ngay trong tổ dân phố, ông Cung bảo trợ dài hạn cho em Nguyễn Thị Cẩm Thi (học sinh mồ côi nghèo) về chi phí học tập. Đến nay, Cẩm Thi đã học hết đại học và có việc làm ổn định. “Thiếu tướng Cung là người đã cưu mang, đùm bọc và chắp cánh tương lai cho tôi”, Cẩm Thi chia sẻ.
Thiếu tướng Trần Tiến Cung thăm một gia đình có công cách mạng ở xã Điện Trung. (Ảnh chụp lại) |
Thiếu tướng Trần Tiến Cung cũng chính là người tổ chức vận động hàng trăm suất học bổng tặng học sinh, sinh viên ở Gò Nổi, vùng đất mà ông đặt cơ quan chỉ huy thời chống Mỹ. Vị tướng nghĩa tình đã vận động gần 200 triệu đồng ủng hộ Quỹ Khuyến học xã Điện Trung.
Các hộ chính sách, hộ nghèo nơi đây thường được ông về thăm, tặng quà, hỗ trợ từ tiền lương hưu của mình. Thiếu tướng Trần Tiến Cung được tôn vinh làm Chủ tịch danh dự Hội Khuyến học xã Điện Trung suốt hàng chục năm qua. Lãnh đạo xã Điện Trung đã tặng ông bức tranh gỗ có chữ “Tâm” nhằm ngợi ca một con người giàu tâm huyết, đức độ, tài năng, trọn tình trọn nghĩa với nhân dân.
Trên hành trình làm việc thiện của mình, Thiếu tướng Trần Tiến Cung đã xây dựng 1 nhà tình nghĩa tặng đối tượng chính sách và 1 nhà tình thương tặng gia đình ngư dân miền Trung gặp nạn trên biển. Ông còn vận động ủng hộ 3,5 tỷ đồng để xây dựng 1 bệnh xá và 1 nhà mẫu giáo tại nơi chôn nhau cắt rốn…
Trong căn nhà cấp 4 đơn sơ, Thiếu tướng Trần Tiến Cung thanh thản với niềm vui đã làm được những việc có ích cho đời. Hiện nay, mặc dù đau ốm, không đi lại được, nhưng tấm lòng vị tướng già với quê hương, đồng đội, với nhân dân vùng căn cứ cách mạng vẫn sắt son, sâu nặng và bao người vẫn thường đến thăm ông với tất cả niềm biết ơn và sự quý trọng.
Nói về Thiếu tướng Trần Tiến Cung, Trưởng ban đại diện Hội Người cao tuổi thành phố Lê Văn Kiện khẳng định: Đó là một người lính ngời sáng nghĩa tình, là tấm gương điển hình tiêu biểu về thực hiện Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh.
LÊ VĂN THƠM