Đa dạng hóa truyền thông về dân số

.

Nghị quyết số 21-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng “Về chính sách dân số trong tình hình mới” tập trung nhiều nội dung quan trọng, cấp bách về công tác dân số trong giai đoạn hiện nay. Để thực hiện có hiệu quả nghị quyết này, việc truyền thông nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi về dân số và sự phát triển xã hội được coi là nhiệm vụ hết sức quan trọng, cấp thiết trong bối cảnh hiện nay.

Hội thi công tác dân số nhằm tuyên truyền thực hiện Nghị quyết số 21-NQ/TW về chính sách dân số trong tình hình mới.
Hội thi công tác dân số nhằm tuyên truyền thực hiện Nghị quyết số 21-NQ/TW về chính sách dân số trong tình hình mới.

Xác định dân số là yếu tố quan trọng hàng đầu của sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, thời gian qua, công tác dân số-kế hoạch hóa gia đình (DS-KHHGĐ) luôn nhận được sự quan tâm của các cấp, các ngành. Theo GS.TS Nguyễn Đình Cử, nguyên Viện trưởng Viện Dân số và các vấn đề xã hội (Trường Đại học Kinh tế Quốc dân), Nghị quyết số 21-NQ/TW là kim chỉ nam cho công tác dân số ở nước ta từ nay về sau, đưa chính sách dân số sang một trang phát triển mới. Mục tiêu của nghị quyết tập trung vào các vấn đề trọng tâm như: Duy trì vững chắc mức sinh thay thế; đưa tỷ lệ giới tính khi sinh về mức cân bằng tự nhiên; tận dụng hiệu quả cơ cấu dân số vàng thích ứng với già hóa dân số; phân bố dân số hợp lý và nâng cao chất lượng dân số.

Để Nghị quyết số 21 phát huy hiệu quả một cách tốt nhất, góp phần nâng cao chất lượng dân số, một trong những giải pháp cần được triển khai đồng bộ tại các địa phương là đẩy mạnh truyền thông chuyển đổi hành vi về dân số và phát triển. Bên cạnh đó, công tác truyền thông cần đổi mới cả về nội dung và phương pháp thực hiện.

Theo đó, nội dung công tác truyền thông cần tập trung vào các nhiệm vụ trọng tâm như: Tiếp tục thực hiện cuộc vận động “Mỗi cặp vợ chồng nên đủ 2 con”; bảo đảm quyền và trách nhiệm trong việc sinh và nuôi dạy con tốt; duy trì kết quả mức sinh thay thế; nâng cao nhận thức thực hành về bình đẳng giới; đẩy mạnh truyền thông giáo dục chuyển đổi hành vi nhằm giảm thiểu mất cân bằng giới tính khi sinh.

Tạo chuyển biến rõ nét ở những vùng có tỷ số giới tính khi sinh cao; đổi mới toàn diện nội dung, chương trình, phương pháp giáo dục dân số, sức khỏe sinh sản trong và ngoài nhà trường. Hình thành kiến thức và kỹ năng về dân số, sức khỏe sinh sản đúng đắn, có hệ thống ở thế hệ trẻ. Chăm sóc sức khỏe người cao tuổi...

Để các thông điệp truyền thông có hiệu quả, cần chú trọng công tác tập huấn cho cán bộ dân số thông qua đẩy mạnh công tác đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao năng lực, thực hiện chuẩn hóa đội ngũ cán bộ dân số các cấp, các ngành đáp ứng yêu cầu chuyển hướng sang chính sách dân số và phát triển. Đưa nội dung dân số và phát triển vào chương trình đào tạo, tập huấn, nghiên cứu khoa học. Đẩy mạnh cải cách hành chính, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, cung cấp dịch vụ, tạo thuận lợi cho người dân...

Chi cục Dân số thành phố Đà Nẵng nhấn mạnh về các loại hình truyền thông dân số phải luôn đa dạng, đổi mới bằng các hình thức như: Truyền thông trực tiếp, truyền thông gián tiếp và truyền thông qua mạng lưới điện tử. Ví dụ, khi truyền thông về lợi ích của việc tầm soát trước sinh, sơ sinh, có thể truyền thông trực tiếp cho thanh niên, phụ nữ mang thai, người có nhu cầu tại các cơ sở y tế, tại cộng đồng và ngay tại gia đình.

Bên cạnh đó, thay đổi các hình thức truyền thông mang tính văn hóa, văn nghệ, các loại hình sân khấu, hội thi, hội thảo... để làm thay đổi nhận thức cho mọi đối tượng; kết hợp truyền thông qua mạng xã hội, qua các phương tiện thông tin đại chúng, báo, đài, từ đó thay đổi hành vi, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống.

Bài và ảnh: MAI KHUÊ

;
;
.
.
.
.
.