Chấn chỉnh hoạt động khai thác khoáng sản

.

Để chấn chỉnh hoạt động khai thác khoáng sản, ngày 23-9-2019, UBND thành phố có công văn chỉ đạo tăng cường công tác quản lý Nhà nước về hoạt động khai thác khoáng sản trên địa bàn huyện Hòa Vang. Sở Tài nguyên và Môi trường đang phối hợp kiểm tra và sẽ cương quyết đề nghị thu hồi giấy phép khai thác khoáng sản các trường hợp tái phạm nhiều lần.

Các doanh nghiệp khai thác khoảng sản tái phạm nhiều lần sẽ bị đề nghị thu hồi giấy phép.
Các doanh nghiệp khai thác khoảng sản tái phạm nhiều lần sẽ bị đề nghị thu hồi giấy phép.

Hiện trên địa bàn huyện Hòa Vang có tổng cộng 46 mỏ khoáng sản được UBND thành phố cấp phép khai thác (với diện tích khai thác là 241,2ha), chủ yếu ở một số xã như: Hòa Nhơn, Hòa Ninh, Hòa Phú, Hòa Sơn và Hòa Bắc.

Trong đó, có 22 mỏ khoáng sản còn hiệu lực, đang hoạt động khai thác (diện tích là 124,56ha) và 24 mỏ khoáng sản đã hết thời hạn khai thác, phải đóng cửa mỏ, phục hồi môi trường (diện tích là 116,64ha).

Theo ông Lê Đức Toại, Trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Hòa Vang, để tăng cường hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý Nhà nước về khoáng sản, trong thời gian qua, huyện đã tổ chức kiểm tra, giám sát việc thực hiện cải tạo phục hồi môi trường của 6 mỏ khoáng sản; đồng thời tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra và xử lý các vi phạm trong hoạt động khai thác khoáng sản.

Trong 3 năm qua, UBND huyện Hòa Vang đã xử lý vi phạm hành chính 12 trường hợp khai thác khoáng sản trái phép và khai thác ngoài mốc giới cho phép, xử phạt tổng cộng 619,8 triệu đồng. Riêng trong 6 tháng đầu năm 2019, địa phương đã xử phạt 2 trường hợp với tổng số tiền 130 triệu đồng.

Cạnh đó, từ năm 2016-2018, Sở Tài nguyên và Môi trường đã tham mưu UBND thành phố xử phạt 15 trường hợp với tổng số tiền 1,62 tỷ đồng. Trong đó, 4 trường hợp khai thác vượt ranh giới, vượt cao trình cho phép; 7 trường hợp khai thác vượt công suất cho phép; 2 trường hợp không lập hồ sơ đóng cửa mỏ; 1 trường hợp không thực hiện đầy đủ các nội dung đóng cửa mỏ; 1 trường hợp không thực hiện đầy đủ các nội dung trong hồ sơ đánh giá tác động môi trường…

Tuy nhiên, trong quá trình khai thác khoáng sản, vẫn còn một số doanh nghiệp đã khai thác vượt mốc giới, khai thác độ sâu quá mức, khai thác vượt công suất, trữ lượng ghi trong giấy phép, vận chuyển khoáng sản gây ô nhiễm môi trường.

Đặc biệt, hoạt động khai thác gây bồi lấp 42ha đất nông nghiệp của người dân và việc vận chuyển khoáng sản làm ô nhiễm môi trường không khí, gây ra nhiều vụ tai nạn giao thông làm chết người và tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn giao thông.

Một số địa phương vẫn còn để xảy ra hoạt động khai thác khoáng sản trái phép. Công tác cải tạo, phục hồi môi trường sau khi kết thúc hoạt động khai thác mỏ hiện nay chưa được các doanh nghiệp thực hiện nghiêm túc. Mặt bằng sau khai thác để lại nham nhở, đá cứng, hố sâu nguy hiểm, trồng cây keo lá tràm không hiệu quả…

Hiện trạng nham nhở và chậm được trồng cây phục hồi môi trường ở một mỏ đất đồi sau khai thác tại xã Hòa Phong, huyện Hòa Vang.
Hiện trạng nham nhở và chậm được trồng cây phục hồi môi trường ở một mỏ đất đồi sau khai thác tại xã Hòa Phong, huyện Hòa Vang.

Ông Phạm Nam Sơn, Chủ tịch UBND huyện Hòa Vang cho hay, để tăng cường công tác quản lý khoáng sản trong thời gian đến, huyện sẽ phối hợp chặt chẽ với Sở Tài nguyên và Môi trường, Công an thành phố và chỉ đạo UBND các xã tiếp tục kiểm tra việc chấp hành các quy định pháp luật trong khai thác khoáng sản của các mỏ; xử lý nghiêm các tổ chức, đơn vị vi phạm và đề nghị UBND thành phố thu hồi giấy phép khai thác mỏ khoáng sản đối với các trường hợp tái phạm.

Đối với các mỏ đã quá thời hạn phục hồi môi trường mà chưa thực hiện đầy đủ, đề nghị thành phố xử lý vi phạm hành chính và yêu cầu chủ mỏ rào chắn, cắm biển cảnh báo nguy hiểm tại các hố sâu.

Đối với hơn 10 mỏ đang tiến hành cải tạo phục hồi môi trường, đề nghị Sở Tài nguyên và Môi trường kiểm tra, yêu cầu có cam kết lộ trình thực hiện cụ thể. Huyện cũng đề nghị UBND thành phố yêu cầu các đơn vị khai thác khoáng sản có phương án đền bù đất nông nghiệp bị bồi lấp, không sản xuất được…

Theo Sở Tài nguyên và Môi trường, trong 9 tháng đầu năm 2019, đơn vị đã kiểm tra 7 mỏ, trong đó có kiểm tra việc cải tạo, phục hồi môi trường của mỏ đất đồi tại thôn An Tân (xã Hòa Phong), mỏ đá Phước Thuận 3 (xã Hòa Nhơn); khai thác cát, sạn bãi bồi thượng nguồn sông Cu Đê (xã Hòa Bắc) và yêu cầu 13 đơn vị khai thác khoáng sản thực hiện nghiêm túc kết luận thanh tra 2 năm trước...

Trong tháng 9 vừa qua, Sở Tài nguyên và Môi trường cũng đã thành lập đoàn kiểm tra, giám sát hoạt động khai thác khoáng sản, trong đó chú trọng đến kiểm tra sản lượng khai thác hằng năm, xử lý nghiêm các đơn vị khai thác vượt công suất cho phép và kiểm tra, giám sát công tác cải tạo, phục hồi môi trường để đóng cửa mỏ.

“Trong đợt kiểm tra này, Sở Tài nguyên và Môi trường sẽ cương quyết xử lý các trường hợp vi phạm, tái phạm nhiều lần về khai thác vượt ranh giới, vượt công suất cho phép và vận chuyển khoáng sản gây mất an toàn giao thông, ô nhiễm môi trường.

Những trường hợp tái phạm nhiều lần sẽ đề xuất UBND thành phố thu hồi giấy phép khai thác mỏ”, ông Nguyễn Quang Vinh, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường khẳng định.

 Bài và ảnh: HOÀNG HIỆP

;
;
.
.
.
.
.