San sẻ yêu thương

.

Nhận được tin chị N.T.T., một người bán vé số quê ở Mộ Đức (Quảng Ngãi) đang ở trọ gần nhà, bị tai nạn giao thông, tôi chạy ngay đến Trung tâm Y tế Sơn Trà để thăm. Tưởng là sớm, nhưng hóa ra khi tôi đến đã có 4 đồng nghiệp, đồng hương của chị có mặt và chăm sóc cho chị. Phản xạ nghề nghiệp lấy máy ảnh ra định xin vài tấm ảnh “làm chứng” để xin hỗ trợ từ những người quen, thế nhưng lập tức các chị từ chối và giải thích: “Lần này không cần đâu chú, bác sĩ nói tôi chỉ bị trầy xước nhẹ và có thể về ngay trong ngày, ngày mai có thể đi bán được rồi, phần đó chú dành cho người khác khó khăn hơn”.

Từ sự đóng góp của cán bộ, công nhân viên chức và một số mạnh thường quân, dịp cuối năm này Bệnh viện Đà Nẵng đã tổ chức đi khám bệnh, phát thuốc cho người dân.  Ảnh: THANH VÂN
Từ sự đóng góp của cán bộ, công nhân viên chức và một số mạnh thường quân, dịp cuối năm này Bệnh viện Đà Nẵng đã tổ chức đi khám bệnh, phát thuốc cho người dân. Ảnh: THANH VÂN

Không biết từ bao giờ, khi đến những ngày cận Tết, chúng tôi thường xuyên nghe được câu chuyện ấm lòng như vậy của những người lao động nghèo nhưng giàu tình cảm. Chị Trần Thị Bích Thủy, nguyên Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam phường Hòa Hiệp Nam (quận Liên Chiểu) cũng chia sẻ câu chuyên cảm động: “Mới đây, một phụ nữ trong phường đã gọi điện nói tôi đến cho được để nhờ chuyển số tiền tiết kiệm gần 3 triệu đồng mà chị đã để dành suốt năm qua để góp trao quà Tết cho hộ nghèo và xin giấu tên”.

Như những mạch nước ngầm len lỏi đến tất cả vùng đất khô hạn, giá trị của sự sẻ chia, đùm bọc nhau, nhất là mỗi khi xuân về Tết đến càng nhân lên gấp bội. Chị L.T.V., hội viên Chi hội Phụ nữ 6B, phường An Hải Đông (quận Sơn Trà) tâm sự: “Chi hội giúp kỹ thuật trồng nấm, hỗ trợ vốn hộ nghèo làm ăn nên hầu hết kinh tế gia đình hội viên đều cải thiện. Riêng tôi được hỗ trợ vay vốn buôn bán nhưng thất bại, chi hội tiếp tục giúp kỹ thuật trồng nấm. Vất vả một thời gian thì trồng nấm cũng có kết quả, nhưng tôi lại không biết bán cho ai. Thế là chị em trong chi hội, mỗi người nhường cho tôi ít để bỏ mối vài nhà hàng trên địa bàn. Bây giờ, mọi việc tốt lên rồi. Tôi đã bàn với chồng, Tết này sẽ tham gia với chị em đi làm từ thiện giúp đỡ người khó khăn, coi như đó là lời cảm ơn của gia đình”.

“Lá rách ít đùm lá rách nhiều”, câu ví von về những người lao động nghèo mỗi khi hỗ trợ, giúp đỡ cho những người cùng cảnh ngộ, đã và đang trở thành một phong trào lan tỏa rộng rãi trong cộng đồng. Không có một báo cáo nào, không một tấm hình, không có lễ phát động và tổng kết..., tất cả đều là thầm lặng xuất phát từ tấm lòng lan tỏa đến với tất cả những mảnh đời còn chưa may mắn. Ông Trần T., bệnh nhân đang “thường trú” tại Bệnh viện Đà Nẵng gần hai năm nay để chạy thận, rất xúc động khi nhận món quà ấm áp cuối năm của một số chị em bán rau ở chợ Đống Đa. “Chỉ là tình cờ một chị vào thăm người quen và biết được hoàn cảnh éo le của chúng tôi, và từ đó tháng nào các chị cũng ghé vô thăm. Khi thì vài trăm ngàn, lúc chỉ là tô cháo thịt, chiếc bánh mì nhưng tôi cảm nhận ở họ sự san sẻ yêu thương chân tình, nhờ vậy mà những người chạy thận như chúng tôi mới sống được đến ngày hôm nay”, ông T. tâm sự.

Tết ấm cho em

Những năm qua, Trung tâm Bảo trợ xã hội thành phố đã trở thành địa chỉ thường xuyên lui tới mỗi dịp Trung thu, ngày cuối tuần, năm hết Tết đến… của nhiều nhóm sinh viên thuộc các trường đại học, cao đẳng trên địa bàn. Và bao giờ, các bạn trẻ cũng dành những phần đặc biệt cho những em nhỏ đang sinh hoạt ở đây.

Lê Thị Bảo Trâm, sinh viên năm 3, khoa Quản trị kinh doanh, Trường Đại học Kinh tế-Đại học Đà Nẵng chia sẻ: “Thương các em nhỏ, đặc biệt là những em bị bại liệt gần như sống thực vật, tôi và các bạn bàn rồi rủ nhau đi học mấy bài tập phục hồi chức năng, học kỹ năng phát triển ngôn ngữ để dạy cho các em. Riêng Tết này, chúng tôi đã chuẩn bị những phần quà rất đặc biệt cho các em”.

Theo bà Hệ Thị Thanh Hương, Giám đốc Trung tâm Bảo trợ xã hội thành phố, nếu như trước đây các nhóm sinh viên đến chơi chủ yếu là vì tò mò, thì giờ đây các nhóm luôn đến cùng những hoạt động hỗ trợ, mang theo những phần quà thiết thực cho các em nhỏ. Trung tâm cũng là địa chỉ tìm đến của nhiều tổ chức, cá nhân, nhất là những ngày cuối năm. Nhờ vậy mà Tết đến, ngoài chế độ chung của thành phố, trung tâm có thêm ít quà từ lòng hảo tâm của mọi người nên cũng cảm thấy ấm lòng về sự san sẻ này.

Ông Tô Năm, Chủ tịch Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin thành phố cũng cho biết, từ nửa tháng nay, Hội đón tiếp nhiều đoàn, cá nhân tìm đến để trao quà cho các em nhỏ nạn nhân da cam đang sinh hoạt ở đây. Nhờ sự chung tay này, năm nay, Hội phấn đấu tặng 942 suất quà cho tất cả trẻ em là nạn nhân da cam ở thành phố. “Tính đến đầu tháng 1-2020 này, Hội đã tiếp nhận các nguồn được khoảng 600 phần quà, còn lại gần 400 phần quà nữa chúng tôi đã cố gắng vận động để khoảng 24, 25 tháng Chạp, quà Tết sẽ đến với tất cả các em”, ông Năm cho biết.

Chung niềm vui, bà Trần Thị Nhì, Giám đốc Trung tâm Nuôi dưỡng trẻ mồ côi (Hội Chữ thập đỏ thành phố) chia sẻ thêm: “Rất đáng mừng khi cùng với thời gian, xã hội ngày quan tâm chia sẻ với trẻ em bất hạnh nhiều hơn. Riêng trong những ngày cận Tết này, số lượng tổ chức, cá nhân đến rất nhiều. Họ đến tặng quà và chơi với trẻ, thương yêu như ruột thịt, thế nhưng khi chúng tôi đề nghị viết vào sổ đóng góp để dễ tổng hợp thì họ lại từ chối”.
Khó để thống kê cụ thể và không cần thiết để biết mỗi khi Tết đến, xuân về, có cụ thể bao nhiêu phần quà được trao cho người nghèo nói chung và những trẻ em bất hạnh trên địa bàn thành phố nói riêng. Chỉ biết rằng, ngày càng có nhiều tấm lòng hướng về những người kém may mắn trong cuộc sống, đặc biệt là trẻ em. Tết vì vậy, thêm phần ấm áp và ý nghĩa.

THANH SƠN

Thanh Vân

;
;
.
.
.
.
.