Năm 1975, hòa bình lập lại, Đà Nẵng (thành phố trực thuộc tỉnh Quảng Nam-Đà Nẵng) bắt tay vào khôi phục những hậu quả nặng nề của cuộc chiến tranh. Phát huy truyền thống trung dũng, kiên cường, song hành với phát triển kinh tế-xã hội, quá trình kiến thiết đô thị của thành phố đã tạo nên thay đổi ngoạn mục, đặc biệt giai đoạn từ năm 1997 đến nay.
Tròn 45 năm sau giải phóng, Đảng bộ, chính quyền, quân và dân Đà Nẵng đã đồng lòng dốc sức xây dựng thành phố ngày càng giàu đẹp, an bình, văn minh, hiện đại.
Thành tựu rõ nét nhất của Đà Nẵng trong thời gian qua là xây dựng hạ tầng đô thị hiện đại, tạo điều kiện thúc đẩy kinh tế-xã hội phát triển. Trong ảnh: Tuyến đường Phạm Văn Đồng với hệ thống nhiều công trình khách sạn cao tầng phục vụ phát triển du lịch. Ảnh: VIỆT DŨNG |
Xây dựng Đà Nẵng to đẹp hơn
Những năm đầu sau giải phóng, vượt qua khó khăn chồng chất, Đảng bộ thành phố kiên định mục tiêu giữ vững thành quả cách mạng, khôi phục và phát triển kinh tế trong điều kiện đất nước vẫn bị bao vây, cấm vận.
Với quyết tâm cao độ, từ một thành phố có xuất phát điểm thấp, Đà Nẵng đã nỗ lực mở rộng không gian đô thị, đẩy mạnh phát triển kinh tế-xã hội, trở thành hình mẫu vượt gian khó đi lên. Tinh thần dám nghĩ, dám làm từng bước được khẳng định thông qua những chủ trương cải cách, tìm tòi các giải pháp mở rộng hệ thống giao thông, phát triển sản xuất nông nghiệp, phòng chống dịch bệnh cho cây trồng, xây dựng nhiều công trình thủy lợi quan trọng, phát triển tiểu thủ công nghiệp, nâng cao năng lực khai thác thủy sản xa bờ, cải thiện đời sống, thu nhập của người dân.
Cùng với cả nước, từ năm 1986, Đảng bộ và nhân dân thành phố đã tích cực thực hiện đường lối đổi mới và đã đạt được nhiều thành tựu trên các lĩnh vực, nhanh chóng trở thành điểm sáng của cả nước về công nghiệp cơ khí, công nghiệp tiêu dùng.
Các mô hình kinh tế công tư hợp doanh, tổ hợp tác, hợp tác xã trong nông nghiệp và tiểu thủ công nghiệp của Đà Nẵng mang lại hiệu quả tích cực, làm rõ và khẳng định đường lối đổi mới của Đảng là đúng đắn và kịp thời.
Ngày 1-1-1997 đánh dấu bước ngoặt lịch sử khi thành phố Đà Nẵng trở thành đơn vị hành chính trực thuộc Trung ương. Kể từ đây, thành phố nhanh chóng tạo đột phá để phát triển đô thị năng động, trẻ trung. Với tầm nhìn chiến lược, các thế hệ lãnh đạo thành phố đã có những quyết sách táo bạo, trong đó nổi bật là đẩy mạnh đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, mở rộng không gian đô thị, thu hút đầu tư để phát triển.
Các ngành kinh tế mũi nhọn như du lịch, dịch vụ, thương mại, tài chính, công nghệ thông tin, xây dựng, giao thông vận tải… dần định hình và phát triển mạnh mẽ. Sau 23 năm trở thành thành phố trực thuộc Trung ương, Đà Nẵng có tốc độ phát triển nhanh so với nhiều địa phương trong cả nước.
Kinh tế thay đổi theo hướng tích cực, tốc độ tăng trưởng nhanh và hướng đến yếu tố bền vững. Hiện nay, Đà Nẵng đã được xếp vào nhóm các thành phố có mức thu nhập khá cao, cơ cấu kinh tế chuyển đổi tích cực, một số lĩnh vực đạt cao so với bình quân cả nước.
Người dân Đà Nẵng ngày càng tự hào với nhiều công trình quy mô lớn, hiện đại đưa vào sử dụng như: hầm đường bộ Hải Vân, cầu Rồng, cầu Thuận Phước, cầu Tiên Sơn, cầu Cẩm Lệ, cầu Trần Thị Lý, cầu Nguyễn Tri Phương, đường vành đai phía Nam, nút giao thông ngã ba Huế...; các tuyến đường du lịch ven biển như: đường Nguyễn Tất Thành, Võ Nguyên Giáp, Trường Sa, Hoàng Sa và hàng ngàn tuyến đường nội thị nối rộng đô thị.
Các công trình Trung tâm Hành chính, Nhà hát Trưng Vương, Trung tâm Hội chợ-Triển lãm, Cung Thể thao Tiên Sơn và hệ thống nhiều trường đại học, bệnh viện, trung tâm thương mại… từng bước mở rộng tầm vóc đô thị của thành phố.
Với chủ trương khai thác quỹ đất để đầu tư mở rộng không gian đô thị, xây dựng những công trình trọng điểm, hàng trăm khu dân cư mới đã thúc đẩy đô thị phát triển ngày càng đa dạng. Việc thu hút nhiều nguồn lực đầu tư từ bên ngoài đã phát triển hạ tầng kinh tế-xã hội thành phố với nhiều công trình, tòa nhà hiện đại ở khắp các quận, huyện.
Lựa chọn phát triển bền vững
Theo đánh giá của các chuyên gia kinh tế, với lựa chọn phát triển bền vững, Đà Nẵng hiện có cơ cấu kinh tế với động lực tăng trưởng là ngành dịch vụ, trong đó du lịch đang phát triển mạnh và có tác động tăng trưởng cao, phù hợp với xu hướng quốc tế. Hạ tầng của Đà Nẵng được đầu tư tương đối hoàn thiện và vận hành hiệu quả, nhất là hạ tầng xã hội và hạ tầng đô thị.
Trong khi đó, hạ tầng các khu công nghiệp, Khu Công nghệ cao, Khu Công nghệ thông tin và Khu công viên phần mềm tiếp tục được đầu tư đồng bộ đã khẳng định lợi thế quan trọng trong thu hút các nhà đầu tư đến với Đà Nẵng.
Đó cũng là những lợi thế lớn cho phát triển trong những giai đoạn mới. Những ngành kinh tế mũi nhọn như: công nghệ thông tin, công nghệ cao, dịch vụ, du lịch, tài chính, logistics… đi liền với bảo vệ môi trường đã và đang tạo đòn bẩy để từng bước thúc đẩy kinh tế thành phố theo hướng bền vững.
Đà Nẵng hiện là hạt nhân phát triển của vùng kinh tế trọng điểm miền Trung và Tây Nguyên, được lựa chọn là trung tâm phát triển một số lĩnh vực quan trọng như: y tế, giáo dục, công nghệ cao, công nghệ thông tin, logistics…
Song hành với phát triển kinh tế, chính quyền thành phố luôn nỗ lực trong việc nâng cao vai trò kiến tạo, phục vụ doanh nghiệp và người dân. Điều đó được thể hiện qua việc thành phố luôn nằm trong nhóm các địa phương đứng đầu cả nước về các Chỉ số đánh giá năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI), Chỉ số cải cách hành chính (PAPI), Chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh (PAR Index), Chỉ số sẵn sàng cho phát triển và ứng dụng công nghệ thông tin và truyền thông Việt Nam (ICT Index)…
Qua 23 năm trở thành thành phố trực thuộc Trung ương (1997-2020), Đảng bộ và nhân dân thành phố đã phát huy truyền thống cách mạng trung dũng kiên cường, tư duy năng động, sáng tạo và sự đồng thuận trong xã hội, tạo ra những biến đổi to lớn, sâu sắc và toàn diện trên mọi lĩnh vực của đời sống xã hội.
Thành phố đạt nhiều thành tựu quan trọng, có ý nghĩa lịch sử, làm nên diện mạo mới cho thành phố động lực của khu vực miền Trung-Tây Nguyên, tạo được dấu ấn, thương hiệu riêng của Đà Nẵng. Đà Nẵng đóng góp xứng đáng vào công cuộc phát triển chung của đất nước, góp phần khẳng định chủ trương tách tỉnh Quảng Nam-Đà Nẵng là kịp thời và đúng đắn của Trung ương.
Để đạt những kết quả nói trên, Ban Chấp hành Đảng bộ thành phố không ngừng đổi mới phương thức lãnh đạo đối với hệ thống chính trị; nghiên cứu, triển khai nhiều cách làm đặc thù nhằm nâng cao hiệu quả công tác lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy và tổ chức Đảng, tập trung xây dựng Đảng bộ thành phố trong sạch vững mạnh, bộ máy chính quyền và các đoàn thể chính trị-xã hội hoạt động hiệu quả, góp phần củng cố niềm tin của nhân dân đối với Đảng.
Bài học thành công nhất của Đà Nẵng những năm qua là đã tạo được sức mạnh đồng thuận của nhân dân trong chỉnh trang đô thị và thực hiện các chính sách an sinh xã hội như: Thành phố “5 không”, Thành phố “3 có”, Thành phố “4 an”. Các chính sách ưu đãi nhằm đào tạo, thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao đang phát huy tác dụng. Thành phố đã huy động và sử dụng hiệu quả mọi nguồn lực đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa.
Nắm bắt vận hội mới
Trong quá trình xây dựng và phát triển, thành phố nhận được sự quan tâm, hỗ trợ kịp thời từ Trung ương. Ngày 16-10-2003, Nghị quyết số 33-NQ/TW của Bộ Chính trị (khóa IX) về “Xây dựng và phát triển thành phố Đà Nẵng trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước” được ban hành. Tròn 10 năm sau, ngày 12-11-2013, Bộ Chính trị (khóa XI) tiếp tục ban hành Kết luận số 75-KL/TW (khóa XI) về tiếp tục đẩy mạnh thực hiện Nghị quyết 33-NQ/TW về tiếp tục xây dựng và phát triển Đà Nẵng.
Ngày 24-1-2019, Bộ Chính trị (khóa XII) ban hành Nghị quyết số 43-NQ/TW về “Xây dựng và phát triển thành phố Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”. Có thể khẳng định đó là những chỉ đạo, định hướng rất kịp thời, sâu sát mang tầm vĩ mô, chiến lược để phát triển Đà Nẵng nhanh hơn, mạnh hơn và bền vững hơn.
Tuy vậy, làm thế nào để hiện thực hóa chủ trương đổi mới đúng đắn của Đảng và Nhà nước vận dụng vào quá trình xây dựng và phát triển Đà Nẵng để mang lại thành công luôn là trăn trở lớn đặt ra đối với Đảng bộ, chính quyền thành phố.
Để tiếp tục phát triển, thành phố đang tập trung các giải pháp để sớm triển khai xây dựng đồng bộ các công trình hạ tầng ưu tiên theo quy hoạch, tích cực thu hút đầu tư vào các lĩnh vực có thế mạnh. Hiện nay, thành phố phối hợp, tranh thủ sự hỗ trợ của Trung ương để xây dựng và triển khai một số cơ chế, chính sách đặc thù.
Nghiên cứu, xây dựng Đề án cơ chế, chính sách phát triển thành phố Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 trên cơ sở tổng kết việc thực hiện Nghị định số 144/2016/NĐ-CP ngày 1-11-2016 của Chính phủ về một số cơ chế đặc thù về đầu tư, tài chính, ngân sách và phân cấp quản lý đối với thành phố Đà Nẵng. Thành phố đánh giá thực trạng tổ chức hoạt động chính quyền các cấp để có cơ sở đề xuất thí điểm xây dựng mô hình chính quyền đô thị tại Đà Nẵng.
Thành phố đang hướng đến phát triển hài hòa, bền vững trên hệ sinh thái núi-sông-biển. Trong ảnh: Chiều trên hồ Đồng Nghệ. Ảnh: P.CHÍN |
Để triển khai hiệu quả Nghị quyết số 43-NQ/TW, trong năm 2020 và những năm đến, thành phố tập trung triển khai các dự án động lực, trọng điểm, tạo sự liên kết, lan tỏa trong khu vực. Trong đó, duy trì sự tập trung cao độ và tinh thần phấn đấu với quyết tâm cao nhất nhằm thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, bảo đảm các ngành kinh tế ổn định và phát triển, hỗ trợ doanh nghiệp tháo gỡ khó khăn vướng mắc, tăng cường thu hút đầu tư trong và ngoài nước, tích cực huy động các nguồn thu vào ngân sách, quản lý ngân sách chặt chẽ và hiệu quả hơn, ưu tiên bảo đảm an sinh xã hội.
Cùng với đó, thành phố phát huy hiệu quả vai trò hạt nhân trong Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung-Tây Nguyên, phát triển Đà Nẵng thành trung tâm trung chuyển quốc tế với cảng biển và cảng hàng không hiện đại, cửa ngõ kết nối giữa vùng kinh tế trọng điểm miền Trung với thế giới và khu vực, trở thành một địa chỉ du lịch đặc sắc và đẳng cấp cao, liên kết với các địa phương trong vùng, có sức hấp dẫn mạnh mẽ du khách toàn cầu.
Ngoài phát triển đột phá ngành dịch vụ, thành phố cũng định hướng phát triển kinh tế dựa trên nền tảng công nghệ thông tin và các lĩnh vực công nghệ cao khác để trở thành thành phố thông minh; trở thành trung tâm tài chính của khu vực miền Trung-Tây Nguyên.
Phát huy những thành quả to lớn sau 45 năm giải phóng, Đảng bộ thành phố đã và đang bước vào chặng đường mới với thế và lực mới. Thành phố luôn quyết tâm và chủ động phát huy mọi tiềm năng, nguồn lực, đổi mới toàn diện, nâng cao quy mô và chất lượng tăng trưởng, đẩy mạnh quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa, đô thị hóa và hội nhập kinh tế quốc tế ngày càng sâu rộng hơn để hướng tới mục tiêu xây dựng thành phố đáng sống.
Năm 1997, thành phố thu hút 43 dự án vốn đầu tư nước ngoài (FDI) với tổng vốn 22 triệu USD, lũy kế đến năm 2019, thành phố thu hút 813 dự án FDI với tổng vốn đầu tư 3,47 tỷ USD. Bên cạnh đó, thành phố thu hút 331 dự án đầu tư trong nước với tổng vốn đầu tư là 104.707 tỷ đồng. Quy mô kinh tế năm 2019 của Đà Nẵng ước đạt hơn 109.000 tỷ đồng. Kim ngạch xuất khẩu hàng hóa năm 2019 ước đạt hơn 1,65 tỷ USD. Thu nhập bình quân đầu người năm 2019 đạt 95,7 triệu đồng/người/năm, tương đương 4.095 USD. |
VIỆT DŨNG