Ghi từ nơi cách ly

.

ĐNO - "Tớ sẽ chẳng quên được đâu, Đà Nẵng trong tim tớ. Đẹp nhẹ nhàng mà chân thành biết bao. Cảm ơn và xin lỗi nơi này vì tất cả. Cầu mong mọi người ở đây luôn hạnh phúc, bình an. Đà Nẵng 12-3-2020. Ngày cách ly cuối cùng".

Ảnh: XUÂN SƠN
Các cán bộ, chiến sĩ Trung tâm Huấn luyện, bồi dưỡng kiến thức quốc phòng, an ninh cùng đọc "Nhật ký 14 ngày cách ly" của nữ sinh Phạm Thị Hảo. Ảnh: XUÂN SƠN

1. Đó là tâm sự của Phạm Thị Hảo (du học sinh người Tuyên Quang, trở về Đà Nẵng từ Seoul, Hàn Quốc), người vừa hoàn thành đợt cách ly ở Trung tâm Huấn luyện, bồi dưỡng kiến thức quốc phòng, an ninh (gọi tắt là Trung tâm) thuộc Bộ Chỉ huy Quân sự thành phố vào ngày 12-3. Trước lúc rời đi, Hảo gửi lại những chiến sĩ ở Trung tâm món quà nhỏ là cuốn nhật ký được Hảo vẽ bằng tay với tên gọi "Nhật ký 14 ngày cách ly". 

Trong cuốn nhật ký, gần như mọi góc nhỏ, mọi chi tiết sinh hoạt thường ngày ở địa chỉ 86 Nguyễn Chánh (phường Hòa Khánh Bắc, quận Liên Chiểu) đều được Hảo vẽ lại một cách sinh động, nhẹ nhàng bằng nét vẽ ngộ nghĩnh. Có cảnh nhà ăn, có chiếc bánh mì nóng hổi, hình ảnh bà mẹ địu con ở khu cách ly hay hình ảnh "bác khủng long diệt khuẩn" trong bộ đồ bảo hộ kín mít... 

"Con luôn tin những người hy sinh, cống hiến cho xã hội luôn có một cuộc đời đầy ý nghĩa và vô cùng đáng sống. Con rất mong có thể được gặp lại mọi người một lần nữa, khi mà con đã trưởng thành hơn, sau khi đi du học về. Khi mà mọi người vẫn ở đây, khỏe mạnh, yêu Tổ quốc như ngày hôm nay...", Hảo nhắn nhủ trong cuốn nhật ký.

"Bác khủng long diệt khuẩn" trong nhật ký của Hảo là Đại úy, y sĩ Võ Mai Bình. Công tác tại khu vực cách ly, vì vậy anh phải mặc đồ bảo hộ và thường xuyên mang bình phun thuốc đến từng phòng cách ly để diệt khuẩn.

Công việc này được anh thực hiện đều đặn mỗi ngày 2 lần. Cùng với đó, anh và các chiến sĩ khác chịu trách nhiệm chăm sóc từng miếng ăn, giấc ngủ và theo dõi sức khỏe cho những công dân đang cách ly tại đây. "Có lẽ, do ‘bộ dạng’ của mình lúc mặc đồ bảo hộ, kèm theo tiếng kêu đặc biệt "gầm gừ" của máy phun thuốc nên các bạn trẻ tại khu cách ly này mới gọi mình là "khủng long diệt khuẩn"...", Đại úy Bình chia sẻ.

Ảnh: XUÂN SƠN
Đại úy Võ Mai Bình - "bác khủng long diệt khuẩn" trong cuốn nhật ký xúc động của Hảo. Ảnh: XUÂN SƠN

Hảo là một trong những công dân đầu tiên trở về từ Hàn Quốc được cách ly tại Trung tâm, cũng là người để lại cho những cán bộ, chiến sĩ ở đây nhiều ấn tượng. Anh Bình kể, anh thường bắt gặp Hảo hí hoáy vẽ tranh trong cuốn sổ nhỏ, nhưng chỉ nghĩ là vẽ vui, cho tới khi chính anh được cầm trên tay món quà ý nghĩa.

"Thật sự rất bất ngờ và xúc động vì cuốn nhật ký này. Ở đây ai cũng quý Hảo và tôi cũng thế, xem cô bé như em, như người thân mình. Tôi sẽ cất cuốn nhật ký này cẩn thận như một kỷ niệm đẹp của đời lính", anh Bình cho biết.

2. Ông T.Đ.S, một công dân Việt Nam trở về từ Malaysia đang được cách ly tại Trung tâm nhận được tin người cha 90 tuổi của mình đã qua đời ở quê nhà Nghĩa Đàn, Nghệ An vào ngày 23-3.

Ông S. không thể bên cha lần cuối, càng không thể trở về quê nhà chịu tang cha vì chưa hoàn thành 14 ngày cách ly theo quy định. Được biết, ông làm nghề xây dựng ở Malaysia. Ông lên máy bay về nước giữa tâm dịch để thăm người cha ốm nặng. Ông được sắp xếp cách ly tại Trung tâm từ ngày 18-3.

Nghe tin dữ, ông S. cho biết đã từng nghĩ đến chuyện... trốn về, nhưng từ sự động viên, giải thích của các cán bộ, chiến sĩ, cũng như bản thân ý thức được phải bảo đảm an toàn cho cộng đồng, ông đã ở lại. "Tất cả vì cái chung của đất nước, tôi mong cha mình sẽ hiểu, không có ngoại lệ nào cho mùa dịch này".

Ảnh: XUÂN SƠN
Trung tâm Huấn luyện, bồi dưỡng kiến thức quốc phòng, an ninh là nơi cách ly nhiều công dân trở về từ nước ngoài. Ảnh: XUÂN SƠN

Trước nguyện vọng chịu tang cha của ông S., các chiến sĩ tại Khung tiếp nhận cách ly ở Trung tâm quyết định bố trí một bàn thờ trong khuôn viên để ông S. có thể thắp một nén hương cho cha mình.

Nghĩa tử là nghĩa tận. Đại úy Lê Bá Vương, Trợ lý Phòng Chính trị, Phó Chỉ huy Khung tiếp nhận cách ly tại Trung tâm chia sẻ như thế. Anh cho biết: "Thời điểm được đưa đến cách ly, ông S. đã trao đổi với đơn vị việc cha ở nhà hấp hối. Các cán bộ đã động viên và giải thích cho ông hiểu rằng bản thân phải vì việc chung, cách ly theo quy định. Ông S. nói nếu không về được, thì mong đơn vị cho ông đốt nén hương vái vọng từ xa. Chúng tôi đã báo cáo lên cấp trên, sau đó cử cán bộ đi mua hương hoa và chuẩn bị một bàn thờ, giúp ông S. vơi đi nỗi buồn mất người thân...".

Hai câu chuyện từ khu cách ly, vui có, buồn có, nhưng đều để lại những cảm xúc chung, đó là sự xúc động trong lòng những người có mặt. Ở đó, có tình người, tình yêu Tổ quốc và sự chung tay, đồng lòng trước dịch bệnh.

XUÂN SƠN

;
;
.
.
.
.
.