Năm lần gặp, Đà Nẵng mãi trong tôi

.

Tính cho tới hôm nay, Đà Nẵng sau lần gặp đầu tiên đã tròn 45 năm kỷ niệm ngày giải phóng. Từ Hà Nội, bao kỷ niệm lướt trong tâm khảm tôi, hiện lên rất rõ nét từng địa chỉ, từng khuôn mặt của người Đà Nẵng. Tôi như trong mơ gặp lại nơi không phải quê hương tôi nhưng sâu đậm yêu thương. Như một cuộc thăm lại một mảnh đất thương yêu chan chứa.

Ảnh: VƯƠNG KHẢ THỊNH
Ảnh: VƯƠNG KHẢ THỊNH

Tôi biết đến Đà Nẵng lần đầu trong những tháng năm chiến tranh. Trước đó, khi hội diễn văn nghệ quần chúng Mặt trận Tây Nguyên năm 1972, ở đoàn Văn nghệ Nam Trung Bộ, tôi quen một cô gái quê ở Đà Nẵng, nước da ngăm ngăm, rắn rỏi, nhưng khuôn mặt thật đẹp, mũi cao, mắt đen lay láy.

Cô gái biệt động thành khi đó không mặc áo bà ba đen, cô mặc áo bà ba màu tím, trên vai buông chiếc khăn rằn. Bờ vai có mớ tóc đen nhánh thả buông. Những người bạn của cô kể, ba má cô bị giặc giết trong một đợt tố Cộng, 14 tuổi, cô đã tham gia làm liên lạc cho Mặt trận, rồi vào đội đặc nhiệm của địa phương. Thảo nào, đôi mắt đen lay láy của cô buồn quá. Gặp gỡ chỉ một lần, có một lát, rồi sau hội diễn ai nấy lại quay về đơn vị. Tôi quay lại đơn vị chiến đấu…

1. Cuối tháng 3-1975 quân ta đuổi quân lính Việt Nam Cộng hòa (VNCH) bật khỏi Đà Nẵng, chạy tán loạn ra biển, tôi tới Đà Nẵng lần đầu, một thành phố quân cảng khét tiếng khi ấy tan hoang, toàn mùi lính, mùi thuốc súng, mùi chiến cụ cháy hỏng, mùi dầu lênh loang ở cảng và ấn tượng nhất với tôi là từng dãy nhà dọc sông Hàn, ở quê tôi không có: nhà chồ.

Một thành phố chỉ có một cây cầu, sau bao nhiêu năm hết Pháp tới Mỹ cai quản. Trong đám tù binh chúng tôi bắt được có một khuôn mặt trẻ cứ ngơ ngác. Anh ta thuộc lính của viên tướng lừng danh Ngô Quang Trưởng. Tôi cho người lính tù binh ăn thử phong lương khô 703, lại bảo, mày buồn gì, được sống rồi, về quê mà làm ăn nhé. Cậu lính ấy là dân vụng chài ngay chân đèo Đà Nẵng.

Mấy ngày trượt qua hẻo đất miền Trung, gặp bộ đội địa phương cũng nhiều, tôi để ý, lòng mong gặp cô gái Mặt trận trên Tây Nguyên mà không thấy. Cô như hạt cát trong cơn lốc cuốn bụi mù mịt của chiến tranh. Tôi cứ tưởng tượng hoài hình ảnh cô qua bài thơ “Lá đỏ” của Nguyễn Đình Thi. Hành quân, tôi lẩm nhẩm: Gặp em trên cao lộng gió/Rừng lạ ào ào lá đỏ...

Rồi 30-4, đánh tiếp xuống tận thành phố Sài Gòn, kết thúc chiến tranh, đất nước hòa bình thống nhất.
Năm 1976, tôi giải ngũ trở về Hà Nội.

Đối diện nhà tôi khi đó có Cửa hàng mậu dịch bán rau, thịt. Sau chiến tranh đời sống còn khó khăn vô cùng. Bên trái cửa hàng là gia đình một nhân viên Công ty Rau quả Hà Nội, người chồng là cán bộ Bộ Công an. Nhà có 6 người ở trong căn nhà nhỏ chừng 16m2, như nhiều nhà dân trên phố Trần Cao Vân khi đó. Nhưng chủ nhà ấy lại rất khoáng đạt.

Chú chủ nhà tên là Hơn, rất nghiêm, ít khi tôi gặp. Nhưng bà mẹ, thím Hơn thì luôn nở nụ cười thân thiện, hay hỏi han tôi. Hỏi ra mới biết, họ quê Quảng Nam tập kết. Trong nhà có cô gái 16 tuổi tên là Hường. Hường, khi ấy vào tuổi 16, đang thời rất đẹp, vẻ đẹp rực rỡ thơ ngây ở tuổi học trò. Cô rất thích nghe chuyện chiến đấu của anh lính Hà Nội đã 28 tuổi xuân. Chúng tôi thi thoảng hàn huyên trước cái cửa sổ nhà cô nhìn ra đường Trần Cao Vân.

Đó là một mối quan hệ rất trong sáng giữa cô hàng xóm trẻ đang ôn thi cuối năm lớp 8 và anh lính buông bút đi chiến đấu nay trở về từ chiến trường. Hường để lại ấn tượng khá mạnh trong tôi khi đó. Cô trong vắt, đẹp hồn hậu và tốt bụng.

Rồi Hường theo ba má về quê. Cô vào đại học văn khoa, đúng vào cái ngành mà tôi cũng say mê. Chúng tôi chia tay không nói được với nhau một câu.

Năm tốt nghiệp đại học, Hường ra Hà Nội, có ghé thăm nơi ở cũ. Cô nói chuyện rất lâu với cha tôi và ông có vẽ chân dung Hường. Một sắc đẹp chân chất, thơ ngây, nhiều hoài bão. Hình vẽ cô đang cầm tờ báo trên tay.

2. Tôi đến Đà Nẵng lần thứ hai khi công tác ở Bộ Nội thương. Vào Đà Nẵng nhận hai cái xe con ở cảng. Trong khi chờ đợi, tôi dạo quanh thành phố. Chao ôi, gần chục năm mà Đà Nẵng vẫn như xưa. Một cái cảng thưa thớt. Tôi ngồi bên bến cảng, nhớ lại khuôn mặt cậu lính VNCH năm nào trên bãi biển. Những người lính thất trận buồn bã chống súng AR15 nhìn ra biển.

Sông Hàn và các bãi sình vẫn đầy những xóm nghèo, lô xô nhà chồ. Thành phố lính xưa cả hai phía bây giờ trên đường phố, người nghèo lấy xe đạp làm xe ôm. Khu chợ Hàn ồn ào, ăm ắp những người dân gầy gò đen đủi, bơ phờ, hối hả. Thượng vàng hạ cám Đà Nẵng có ở đây, cả nhóm buôn bán thuốc tây lậu, con phe. Tôi đi trong mùi tanh của cá, mùi thuốc rê nặng khét, mùi mồ hôi chua nồng, và, những khuôn mặt xe ôm gầy gò đứng bên các xe đạp tróc hết sơn.

Tôi tìm tới nhà thím Hơn thăm cô chú và các em. Chú Hơn bấy giờ là Phó Giám đốc Ty Công an Quảng Nam-Đà Nẵng, như nhiều người dân khác, cả nhà vẫn ở trong ngôi nhà một tầng vật dụng đơn sơ. Thím Hơn, người phụ nữ luôn có nụ cười trên môi nay đã già, hồ hởi đón tôi và nhất quyết giữ lại ăn bữa cơm thân mật. Ký ức tôi nhớ mãi bữa cơm đạm bạc ấy toàn món cá và có món cá nhỏ nấu canh rất ngọt.

Hường học văn khoa xong, bây giờ đã làm công an trong lĩnh vực văn hóa, cô trực đêm nên về muộn. Đợi mãi cô mới về, chúng tôi xin phép cô chú đi dạo bên bờ sông Hàn bấy giờ vẫn chỉ có một cây cầu. Sông ì oằm vỗ sóng vào bờ và lô xô những dãy nhà chồ u ám trên mặt nước. Bấy giờ tôi đã có ba bốn truyện in trên Báo Văn nghệ. Hường đều đọc và nhận ra anh lính hay kể chuyện đánh nhau năm nào trên báo.

Chúng tôi ôn lại những kỷ niệm ở Hà Nội. Chúng tôi nói về Đà Nẵng quê hương cô và sự mong mỏi của cô về một Đà Nẵng không nghèo như hôm nay.

Tôi rời Đà Nẵng. Ngày đi mưa suốt. Mưa giăng một màn trắng phủ mờ thành phố cũ!

Rồi tôi đi xuất khẩu lao động. Cơn gió di dân cuốn tôi đi. Có một lần tôi về Hà Nội cũng là dịp Hường ra Hà Nội họp. Chúng tôi gặp nhau vội vã ở một quán cà-phê. Hường thừa hiểu người ra nước ngoài gian nan ra sao để có đồng tiền và động viên tôi rất nhiều.

Tôi suy nghĩ về thân phận con người, về những quan niệm tình yêu và sang Đức viết truyện ngắn Lỡ chuyến. Truyện ngắn Lỡ chuyến tựa vào cảm xúc từ nguyên mẫu ở Hường. Hư cấu thêm nhiều tình tiết nhưng cốt lõi vẫn là tâm hồn nhân vật chính trong suốt.

Những cảm xúc đều từ nguyên mẫu, đặc biệt là vẻ đẹp chín chắn, kín đáo, dí dỏm của một người con gái Đà Nẵng, trưởng thành ở Hà Nội, nơi cả cô và tôi đều yêu thương. Truyện gửi đi, vài tháng sau năm 2008, in ra cũng đúng khi tôi lại quay về Hà Nội.
Rồi tôi quyết định vào thăm thím Hơn, má của Hường.

3. Tôi lần thứ ba bay vào Đà Nẵng.

Trời ơi, tôi không nhận ra một Đà Nẵng hoàn toàn thay da đổi thịt trong cái nắng chan chứa vàng như mật miền Trung. Một Đà Nẵng bừng lên. Đà Nẵng năm ấy phát triển nhanh chóng, hiện đại và biết bao thay đổi. Hường có một người em rể cũng là một nhân vật đặc biệt, tên cậu là Sơn. Sơn là con gia đình một cán bộ cách mạng. 3 - 4 tuổi, cậu đã bị tù cùng với mẹ là cán bộ giải phóng và trong tù cậu thuộc nhiều bài hát của quân giải phóng, nên khi ra tù đi học trường VNCH, bị chỉ định phải hát, cậu bé vô tư đâu biết địch - ta đã hát những bài hát do các chiến sĩ trong tù dạy và vì thế bà má nuôi cậu cũng bị chế độ VNCH bắt tù.

Tù nhân bé bỏng xưa ấy của chế độ VNCH nay đã có đứa con trai nhỏ rất thông minh được giải nhất năm ấy trong một cuộc thi về điện toán toàn quốc. Qua Sơn tôi nhận ra có một thế hệ mới đang xây dựng nên Đà Nẵng mới. Người bạn vong niên mới ấy dẫn tôi qua 5 cái cầu bắc qua sông Hàn, chỉ cho tôi xem tác phẩm điêu khắc bức tượng mẹ Âu Cơ trên bãi biển, dẫn tôi tới thắp hương nơi người chiến sĩ đặc công ngã xuống ngay cây cầu cũ đúng vào ngày giải phóng Đà Nẵng.

Tôi chợt nhớ tới khuôn mặt của người em gái Đà Nẵng năm xưa gặp ở Tây Nguyên.

Chúng tôi đến chợ Hàn nay đã thoát xác. Chợ thay đổi. Mùi chợ cũng khác xưa. Gió biển phơi phới thổi vào tận chợ để tôi đi ngập trong mùi biển mặn.

Buổi chiều Sơn đưa tôi đi uống cà-phê bên bờ sông Hàn. Một con đường sạch thoang thoáng đầy bóng cây. Sơn nói về những cơn bão qua đã quật đổ vài cái cây mà anh nhớ. Ở Đà Nẵng người ta nhớ từng cái cây vì nâng niu từng bóng xanh. Tôi nhìn ra sông Hàn lồng lộng gió miên man thổi vào thành phố. Con đường mà năm xưa tôi và Hường đi dạo gập ghềnh nay rộng và phẳng. Bên Sơn tôi vẫn nghe rõ tiếng ì oằm sóng sông vỗ mãi bờ, mặt sông không còn những dãy nhà chồ trên mặt nước như năm xưa nữa.
Chiều muộn, cuộc gặp ở nhà thím Hơn thật vui. Hường dẫn tôi đi thăm mộ chú Hơn. Chú nằm yên lặng giữa núi đồi Đà Nẵng. Tôi thắp hương thầm nói với người cán bộ tập kết xưa rằng, Đà Nẵng đã thay đổi nhiều, cháu đã về đây...

Nhà thím Hơn xây mới ở Thuận Phước, khang trang hơn trước, nhưng so với nhiều nhà dân khác, ngôi nhà vẫn khiêm tốn bình dị. Hôm ấy thím Hơn tóc đã bạc tươi cười như năm nào cùng các em đãi tôi món mì Quảng đặc biệt. Tôi ăn món mì đặc trưng miền Nam Trung Bộ. Vị ngọt, bùi, béo, ngậy và chua cay quyện với nhau làm tôi sau này mỗi khi ăn mì Quảng đều bừng lên biết bao kỷ niệm với gia đình Hường.

Ảnh: VƯƠNG KHẢ THỊNH
Ảnh: VƯƠNG KHẢ THỊNH

Đêm ấy, các con thím Hơn dẫn tôi ra chơi bãi biển Đà Nẵng. Biển đêm thật đẹp. Một bãi cát sạch tinh, trắng phau tít dài ôm lấy biển xanh tưởng không có nơi kết thúc. Khắp dải bờ chạy miên man ấy lung linh điện sáng như sao soi xuống biển đêm ì oằm sóng vỗ.

Tôi lùa tay xuống biển lạnh và sạch, nơi có trăm ngàn đốm lân tinh lấp lánh. Những chùm lân tinh tụ lại rồi vỡ ra. Linh hồn nào trong hàng vạn lân tinh kia đã sống chết cho mảnh đất này? Để cho hôm nay một Đà Nẵng hoàn toàn lột xác. Mới có chừng 10 năm mà Đà Nẵng đã có thêm 5 cây cầu, thay vì 1 cây cầu suốt cả trăm năm thực dân Pháp đô hộ? Xúc động, tôi thức trắng hai đêm viết tùy bút Một sớm Đà Nẵng.

Một sớm Đà Nẵng được Báo Đà Nẵng cuối tuần in ngay. Tôi ở Đức nhận thư báo tin qua email từ hộp thư điện tử Báo Đà Nẵng. Vui như gặp lại nhà Hường.

Lại nhận từ email: Cả nhà đọc bài báo Một sớm Đà Nẵng của anh. Ai cũng vui. Đà Nẵng không chỉ hấp dẫn anh ạ. Báo chí nước ngoài cũng đã viết về thành phố tụi em, nó không chỉ tuyệt vời mà đúng nghĩa là thành phố có bãi biển quyến rũ, hấp dẫn... Bốn từ “Quyến rũ, Hấp dẫn”, Hường viết hoa.

Rồi thời gian cứ trôi đi để tôi vẫn lưu lạc mà khôn nguôi nhớ về một nơi quyến rũ và hấp dẫn.

4. Năm 2018, tôi về ở hẳn trong nước, vợ chồng một người Đức-Việt, thạc sĩ Tilo Nadler và em Hiền vợ anh mời tôi vào Đà Nẵng. Tilo Nadler là chuyên gia về động vật, hơn 30 năm ở Việt Nam nhằm giúp bảo tồn động vật hoang dã mà nổi bật nhất là mọi giống voọc.

Chuyến đi ngắn ngày tham dự một buổi họp mặt của hơn 30 em quê hương Đà Nẵng được Tilo Nadler truyền dạy về những kiến thức khoa học để nhằm bảo vệ thú vật hoang dã tại bán đảo Sơn Trà.

Chiều muộn, chúng tôi cùng vợ chồng Tilo lên bán đảo Sơn Trà trong sự hướng dẫn của học trò anh, một tiến sĩ trẻ. Nhiều người đã lên Sơn Trà nhưng không có sự may mắn như tôi. Nhờ nắm vững tập tục của voọc Chà Vá chân nâu, người học trò của Tilo đã giúp tôi nhìn thấy cả bầy voọc ngay cạnh đường lên núi. Những chú voọc Chà Vá khoe ống tay áo trắng và chòm râu tua tủa quanh miệng dạn dĩ ngắm du khách là tôi.

Rõ ràng Đà Nẵng hôm nay không chỉ xây dựng mà còn là nơi có một thế hệ biết chăm chút gìn giữ thiên nhiên hoang dã quý hiếm để thu hút sự chú ý của cả thế giới.

Chuyến thăm thứ tư này không nhiều thời gian, tôi hẹn gặp Lưu Thị Bình, một bạn đọc quen biết trên Facebook. Cuộc hẹn bên sông Hàn thật thú vị. Trần Ngọc Xuân, chồng của Bình nguyên là Đại đội trưởng trinh sát chiến đấu bao năm trên Tây Nguyên và Campuchia.

Vợ chồng anh bảo với tôi rằng Đà Nẵng giờ có 6 cái cầu thông thương qua sông Hàn. Trần Ngọc Xuân giải ngũ về công tác tại địa phương một thời gian rồi ra ngoài kinh doanh xây dựng. Anh tự hào nói về thành phố, về việc cùng những người khác làm nên vẻ đẹp hôm nay. Anh tâm sự, mình quê Đà Nẵng phải trở về Đà Nẵng mà yêu quê. Yêu quê hương mà không biết góp phần kiến tạo nó, em thấy kỳ kỳ sao!

Chúng tôi, những người lính cũ đứng bên sông Hàn. Ai đó nói không ngoa, 20 năm qua (tính từ khi chia tách tỉnh Quảng Nam-Đà Nẵng năm 1997 - BT) Đà Nẵng đã như con rồng đang nhả ngọc phun châu ở thành phố hiện đại, lại còn nguyên vẻ hoang dã nguyên sơ trên Sơn Trà, để kéo triệu triệu du khách đến như hôm nay.

Trước cây cầu Rồng phun nước, tôi nhớ tới khuôn mặt xinh đẹp của cô chiến sĩ biệt động thành Đà Nẵng năm nào gặp trên Tây Nguyên, khuôn mặt chú Hơn gầy gò, khuôn mặt của Sơn và đứa con của anh năm nào. Tôi nhớ tới vài chục sinh viên đại học và dăm tiến sĩ do Tilo đào tạo có đủ tri thức để gìn giữ cái tươi nguyên sơ của vùng đất hiếm hoi, quyến rũ và hấp dẫn. Tôi nhớ, hiển hiện nụ cười roi rói của thím Hơn, cả nụ cười tươi mát khoe má lúm đồng tiền và khuôn mặt giàu mơ ước của Hường...

Như vậy từ những thế hệ đầu cách mạng, tới tận hôm nay, thế hệ con cháu họ, kể cả người đồng ngũ với tôi từ mặt trận trở về - anh Trần Ngọc Xuân đều chung tay vào để Đà Nẵng ngày ngày tỏa sáng.
Ôi Đà Nẵng!

Ngọc Hà - Hà Nội, tháng 3-2020

            Ký của nhà văn Nguyễn Văn Thọ

 

;
;
.
.
.
.
.