Phó Chủ tịch Hội Cầu đường thành phố Trần Dân góp ý dự thảo Báo cáo chính trị Đại hội XXII Đảng bộ thành phố

.

Báo Đà Nẵng giới thiệu nội dung góp ý dự thảo Báo cáo chính trị trình Đại hội đại biểu lần thứ XXII Đảng bộ thành phố của kỹ sư Trần Dân, Phó Chủ tịch Hội Cầu đường thành phố Đà Nẵng.

Trong phần kết quả thực hiện Nghị quyết Đại hội XXI, nhiệm kỳ 2015-2020 có đánh giá: “Quy hoạch phát triển, đầu tư xây dựng được xác lập và điều chỉnh theo hướng bền vững, đáp ứng yêu cầu phát triển đô thị Đà Nẵng trong giai đoạn mới”; tuy nhiên, liên quan đến việc xây dựng cơ sở hạ tầng, việc xây dựng tuyến cao tốc Hòa Liên-Túy Loan (chỉ có 11 km) đã triển khai trong thời gian qua nhưng tiến độ thực hiện quá chậm vì theo kế hoạch sẽ hoàn thành trong năm 2018, nhưng đến nay vẫn chưa xong. Đối với các công trình ven biển, thời gian qua, nhiều công trình quá cao tầng được xây dựng với mật độ dày đặc làm ảnh hưởng mặt tiền của thành phố. Tôi đề nghị thời gian đến cần điều chỉnh quy hoạch phù hợp để Đà Nẵng trở thành đô thị sinh thái.

Việc phát triển vận tải công cộng là một phần không thể thiếu trong xây dựng và phát triển thành phố, góp phần hạn chế ùn tắc giao thông và giảm thiểu tai nạn giao thông đường bộ. Tuy nhiên, trong thời gian qua, rất ít cán bộ, nhân viên sử dụng xe buýt công cộng để đi làm. Vì vậy, sắp đến thành phố cần tiếp tục nghiên cứu để phát huy hiệu quả hệ thống xe buýt công cộng; đồng thời cần lấy ý kiến rộng rãi trong nhân dân để đầu tư và phát triển hệ thống xe buýt; cần thiết kế lại mạng lưới và bổ sung thêm xe buýt loại vừa, lập mạng lưới phủ khắp, bố trí điểm đỗ có chỗ gửi xe đạp, xe máy mới có thể phục vụ tốt cho dân đô thị.

Về phương hướng, nhiệm vụ nhiệm kỳ 2020-2025, tôi thống nhất cao với mục tiêu tổng quát đến năm 2025 và tầm nhìn đến năm 2030 là “…phấn đấu xây dựng thành phố Đà Nẵng giàu đẹp, an bình, văn minh, hiện đại, hướng đến đô thị sinh thái, hiện đại, thông minh và đáng sống”. Để đạt được mục tiêu này, trong nhiệm kỳ đến, đòi hỏi Đảng bộ, chính quyền và nhân dân thành phố phải nỗ lực phấn đấu mạnh mẽ, quyết liệt hơn; đồng thời cần phải đề ra những giải pháp cụ thể mới có thể đạt được mục tiêu.
Về phát triển kinh tế-xã hội, vẫn với 3 trụ cột như trong văn kiện nêu, nhưng trụ cột 2 cần thêm: “công nghiệp dệt may, công nghiệp cao su, công nghiệp cơ khí và công nghiệp giải khát”; bất động sản cần thêm “bất động sản công nghiệp”; du lịch cần thêm “du lịch và chữa bệnh đông tây y”…

Về vấn đề nước ngọt, theo tôi thành phố cần nghiên cứu làm đường ống lớn, dài 15km đưa nước từ sông Thu Bồn tại Quảng Huế (Quảng Nam) về Đà Nẵng để đạt lưu lượng nước lớn và sạch, duy trì được lâu dài và bền vững hơn. Ngoài ra, thành phố cũng cần có thêm nhà máy đốt rác phát điện thứ 2, vì nhà máy đốt rác Khánh Sơn chỉ đốt được 1.000 tấn/ngày, chưa đủ tiêu thụ rác của toàn thành phố.

Về việc thực hiện chính sách, tôi đề nghị cần phân loại dân cư cho rõ hơn, bao gồm: hộ không có khả năng lao động, hộ cận nghèo và hộ nghèo (do thiếu việc làm). Mỗi đối tượng cần một chính sách riêng để bảo đảm an sinh xã hội. Đối với người có công cách mạng cũng cần chia hộ thuộc diện khá, trung bình, và khó khăn để từ đó có chính sách phù hợp với từng nhóm đối tượng.

ĐẶNG NỞ ghi

;
;
.
.
.
.
.