Góp ý dự thảo đồ án điều chỉnh Quy hoạch chung thành phố Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045

.

Thực hiện chỉ đạo của UBND thành phố tại Công văn số 2974/UBND-SXD ngày 6-5-2020 về công bố dự thảo (lần cuối) đồ án điều chỉnh Quy hoạch chung thành phố Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, sau khi đăng tải thông tin về các nội dung của dự thảo đồ án trong các số báo ngày 9 và 11-5, Báo Đà Nẵng đã nhận được các ý kiến góp ý tâm huyết của bạn đọc.  

* Tiến sĩ Quách Thị Xuân, cán bộ Viện Nghiên cứu phát triển kinh tế - xã hội thành phố Đà Nẵng: Quy hoạch cần đưa ra kịch bản quy mô các khu xử lý chất thải rắn

Về chỉ tiêu “Hạ tầng kỹ thuật”, quy hoạch đã đề cập tới thoát nước mưa, cần bổ sung chỉ tiêu về phục hồi tầng nước ngầm, tránh tình trạng suy giảm mực nước ngầm gây sụt lún và hố tử thần về lâu dài. Đối với quy hoạch hạ tầng du lịch, văn hóa, thể dục - thể thao, vui chơi và giải trí, dự thảo đồ án điều chỉnh Quy hoạch chung mới chỉ đề cập đến các công trình hiện tại.

Do đó, nếu muốn phát triển thêm các công trình văn hóa tầm cỡ (sân khấu…) để phục vụ du lịch thì xây dựng ở đâu? Theo tôi, đề nghị bố trí % quỹ đất cho các công trình văn hóa cũ và mới (tương tự như quy hoạch đất cho phát triển y tế).

Về quản lý “Chất thải rắn” đề cập chiến lược xử lý chất thải rắn nêu việc “Tập trung vào phương thức đốt để giảm khối lượng chất thải rắn cho sự bền vững môi trường” là chưa thỏa đáng. Lý do thành phần chất thải rắn bao gồm xấp xỉ 70% là chất thải hữu cơ, 16% là nhựa có thể tái chế, phần còn lại là 14%, nên chăng chiến lược nên tập trung vào việc xử lý chất thải hữu cơ. Đối với chiến lược về thu gom “chất thải rắn” đề xuất “Cải thiện việc tập kết rác đúng quy định. Đề xuất hướng đến phân loại chất thải rắn tại nguồn và thu gom theo giờ”.

Việc xử lý chất thải hữu cơ cũng sẽ phù hợp khi thực hiện phân loại chất thải rắn tại nguồn. Nếu rác hữu cơ lẫn vào rác đem đốt, thì đốt rác sẽ không có hiệu quả. Nghĩa là phân loại tại nguồn chỉ hiệu quả khi rác hữu cơ được tách khỏi các loại rác khác. Khi đó, nếu không xử lý chất thải hữu cơ thì việc phân loại trở nên không ý nghĩa. Đốt rác rất tốn kém và gây ô nhiễm bởi nếu đốt rác hỗn hợp thì tro bay và tro đáy khoảng 25% (như trường hợp của Cần Thơ).

Nếu đã phân loại hiệu quả được rồi thì phần đốt còn lại rất ít, việc đốt rác có thể không còn cần thiết. Đối với thu gom chất thải rắn, cần khuyến cáo cho thành phố về cách thức phân loại rác hiệu quả tại nguồn (phân thành mấy loại thì hiệu quả nhất).

Khu xử lý chất thải rắn quy hoạch cần đưa ra các kịch bản về quy mô của khu xử lý chất thải rắn khi rác được phân loại đúng cách tại nguồn và khi không được phân loại. Được biết, bãi chôn lấp Khánh Sơn hiện tại dự kiến sẽ bị đầy vào năm 2020 từ đây sẽ không còn phù hợp.

* Ông Lê Thái Bảo Long, Giám đốc Công ty TNHH Một thành viên Thương mại và Du lịch Trường Sa:
Quản lý nguồn tài nguyên để phát triển hệ sinh thái du lịch đặc sắc

Quy hoạch chung thành phố Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 đặt vấn đề xây dựng đô thị có khả năng chống chịu khí hậu. Nội dung này cũng phù hợp với việc thành phố Đà Nẵng đã tham gia chương trình khởi động “100 thành phố thế giới có khả năng chống chịu”.

Vấn đề quản lý tài nguyên trong đó có hệ sinh thái du lịch cần đặc biệt chú trọng để thành phố trở thành trung tâm dịch vụ và du lịch quốc tế với không gian xanh. Nguồn tài nguyên thiên nhiên và các giá trị vật thể, phi vật thể như bán đảo Sơn Trà, Ngũ Hành Sơn, Phước Tường tiếp nối dãy núi Hải Vân - Bạch Mã trải mình lên Bà Nà -Núi Chúa, tiếp đến không gian rộng mở mặt nước vịnh Đà Nẵng, Biển Đông, sông Hàn, sông Cổ Cò, Cẩm Lệ, cầu Đỏ, Túy Loan, sông Cu Đê, những di sản Bảo tàng Điêu khắc Chăm, di tích thành Điện Hải, danh thắng Ngũ Hành Sơn với đa dạng hang động, chùa chiền, vườn tượng, làng nghề điêu khắc đá Non Nước, những di tích văn hóa - lịch sử… cần được giữ gìn.

Quy hoạch, thiết kế kiến trúc, cảnh quan, hạ tầng kỹ thuật cần theo hướng sáng tạo, đổi mới, táo bạo, sao cho hài hòa với thiên nhiên biển, sông, núi hòa quyện. Từ đây, đầu tư tương xứng, quản lý lẫn khai thác hợp lý, trong đó có hệ sinh thái du lịch để thành phố Đà Nẵng tiếp tục bứt phá, phát triển bền vững, trong đó du lịch vẫn là ngành kinh tế mũi nhọn.

TRIỆU TÙNG ghi

;
;
.
.
.
.
.