Gương sáng người khiếm thị

.

Anh Nguyễn Ngọc Rin, 36 tuổi (thôn Túy Loan Đông 1, xã Hòa Phong, huyện Hòa Vang) bị mù lòa nhưng luôn nỗ lực trong cuộc sống, không chỉ người khiếm thị mà cả người bình thường cũng cần học tập.

Thuở bé, Rin cũng được đến trường như bao bạn bè đồng trang lứa. Nhưng khi học đến lớp 9 (năm 1998) thì căn bệnh viêm võng mạc làm mắt anh cứ mờ dần. Gia đình đã đưa anh đi chạy chữa nhiều nơi nhưng đều vô hiệu, sau một thời gian ngắn, cả hai mắt của anh không còn nhìn thấy gì.

Lúc ấy, Rin rất buồn tủi, hoang mang, nhưng rồi, anh dần lấy lại bình tĩnh và nỗ lực vượt lên số phận. Anh đã đến với Hội Người mù huyện Hòa Vang, tích cực tham gia các hoạt động của Hội. Tại lớp học chữ Braille do Hội Người mù huyện Hòa Vang tổ chức, anh sớm trở thành học viên xuất sắc nhất lớp. Anh càng thêm phấn khởi khi biết người mù vẫn có thể tác nghiệp vi tính và nhiều khả năng khác nếu cố gắng học. Từ đó, anh miệt mài học tập, rèn luyện, chẳng bao lâu đã thành thạo nhiều lĩnh vực, khiến ai cũng cảm phục. Năm 2011, anh được chọn đi học nghề massge tại Trung tâm Đào tạo Phục hồi chức năng của Hội Người mù Việt Nam ở Hà Nội. Liên tục 2 khóa học (cơ bản và nâng cao), anh đều chứng tỏ được sự thông minh vượt trội với các môn học đều đạt điểm giỏi và xuất sắc. 

Sau khi học xong (năm 2012), anh Rin được tuyển dụng vào làm việc tại Cơ sở xoa bóp - bấm huyệt Hội Người mù huyện Hòa Vang với mức lương 3 triệu đồng/tháng. Nhận tháng lương đầu tiên, anh xúc động và càng quyết tâm,  nỗ lực, phấn đấu nâng cao tay nghề. Tại Cơ sở xoa bóp - bấm huyệt, anh gặp những người đồng cảnh thật thà, chân chất, sớm chiều luôn chăm chỉ làm việc. Nơi đây, mọi người hết mực quý mến nhau và cùng nhau phấn đấu vươn lên. Cũng tại đây, anh Rin và cô gái Dương Thị Phương Nga đã nảy nở tình yêu và nên nghĩa vợ chồng trong sự vun đắp của các cán bộ Hội.

Chăm chỉ làm ăn và khéo chắt chiu dành dụm, dần dần vợ chồng anh Rin cũng tích lũy được một ít vốn. Năm 2016, anh chị mạnh dạn đầu tư mua trang, thiết bị và thuê mặt bằng mở cơ sở massge người khiếm thị tại thôn Dương Sơn, xã Hòa Tiến (huyện Hòa Vang). Buổi đầu mở cơ sở riêng, vợ chồng anh Rin được các cấp Hội Người mù hỗ trợ một phần kinh phí. Điều này giúp anh chị thêm phấn khởi và quyết tâm vươn lên trên hành trình khởi nghiệp. Đôi vợ chồng khiếm thị nhưng giỏi nghề và luôn phục vụ tận tình, chu đáo, nên ngày càng đắt khách. Không chỉ vậy, anh chị còn tạo được việc làm cho 3 người đồng cảnh ngộ với mức lương từ 4 đến 4,5 triệu đồng/người/tháng. Cơ sở massge của vợ chồng anh Rin hoạt động ngày càng hiệu quả, trừ hết chi phí, lợi nhuận hằng tháng từ 12-14 triệu đồng. “Vợ chồng tôi vừa mua được 1.00m2 đất tại xã Hòa Tiến, đang phấn đấu xây dựng nhà ở và làm cơ sở hành nghề để đỡ tốn khoản tiền thuê mặt bằng”, anh Rin chia sẻ.

Mặt khác, anh Rin tích cực tham gia các hoạt động Hội. Anh tận tình hướng dẫn, trao đổi kinh nghiệm cho những người đồng cảnh ngộ về học chữ Braille và các kỹ năng sử dụng vi tính, điện thoại thông minh, phòng ngừa tai nạn rủi ro. Đặc biệt, anh Rin đã đạt nhiều giải cao tại các hội thi tay nghề xoa bóp - bấm huyệt và đã được chọn báo cáo điển hình tại nhiều hội nghị. Nói về anh Rin, Giám đốc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội thành phố Phan Thị Thúy Linh nhấn mạnh, đó là một tấm gương sáng về ý chí và tài năng, mù lòa nhưng luôn có tinh thần vượt khó vươn lên, không chỉ người khiếm thị mà cả người bình thường cũng cần học tập.

LÊ VĂN THƠM
 

;
;
.
.
.
.
.