Kỷ niệm 73 năm ngày Thương binh-Liệt sĩ (27-7-1947 - 27-7-2020)

Sự cần thiết của hoạt động công tác xã hội đối với người có công

.

Người có công cách mạng luôn được Đảng và Nhà nước quan tâm và có chính sách tôn vinh, ưu đãi nhằm bảo đảm có mức sống bằng hoặc cao hơn mức sống trung bình ở địa phương. Tuy nhiên, trong xu hướng già hóa, người có công cách mạng cũng không thể tránh khỏi những nguy cơ về sức khỏe suy yếu, đồng thời có nhu cầu được chăm sóc sức khỏe toàn diện về thể chất và tinh thần, mong muốn được tiếp cận nhiều hơn với các nguồn lực, chính sách và dịch vụ xã hội. Vì vậy, hoạt động công tác xã hội đối với người có công là cần thiết nhằm nâng cao chất lượng cuộc sống và bảo đảm an sinh xã hội cho đất nước.

Công tác xã hội đối với người có công không phải là hoạt động từ thiện, bảo trợ, bởi người có công đã được Đảng, Chính phủ và toàn xã hội tri ân. Họ có quyền được thụ hưởng những dịch vụ xã hội tốt nhất khi xã hội ngày càng phát triển, chất lượng cuộc sống ngày càng được nâng cao.

Xét ở góc độ các cách tiếp cận trong công tác xã hội đối với người có công, đó là: tiếp cận dựa trên quyền (người có công có quyền được chăm sóc về thể chất, về tinh thần, có quyền được phát triển, quyền được tham gia xây dựng Đảng, Nhà nước; tham gia các hoạt động xã hội); tiếp cận theo nhu cầu (đó là nhu cầu được tôn vinh, kính trọng, nhu cầu về thể chất, về tinh thần, nhu cầu giao lưu, kết nối đồng đội, nhu cầu thăm lại chiến trường xưa, nơi bị tù đày; tìm hài cốt đồng đội; nhu cầu được hỗ trợ, giúp đỡ đồng đội; nhu cầu phát triển, hoàn thiện; nhu cầu được cải thiện về nhà ở…); tiếp cận vì lợi ích tốt nhất cho người có công (người có công cần được ưu đãi, cần được hưởng những dịch vụ tốt nhất và toàn dân đền ơn đáp nghĩa người có công).

Nhân viên công tác xã hội tại các trung tâm phụng dưỡng hoặc tại cộng đồng cần thực hiện việc đánh giá ban đầu về thực trạng người có công, nhu cầu và nguyện vọng của họ; giúp cho người có công xác định được vấn đề, nhu cầu của mình; xem xét việc đáp ứng nhu cầu cơ bản của người có công; cung cấp dịch vụ tham vấn để họ vượt qua những khó khăn trong cuộc sống; tham vấn gia đình người có công hỗ trợ, giúp đỡ họ; tìm hiểu các chính sách, các chương trình đối với người có công, kết nối, giúp họ tiếp cận với các nguồn lực hỗ trợ phù hợp; hỗ trợ và hướng dẫn gia đình người có công cách thức chăm sóc về thể chất, tinh thần và tình cảm cho họ. Đối với một số nhóm người có công, nhân viên công tác xã hội hỗ trợ họ về tâm lý, về các kỹ năng cần thiết; trách nhiệm nâng cao nhận thức của cộng đồng về hỗ trợ, giúp đỡ, nghiên cứu thực trạng người có công, góp phần xây dựng chính sách, pháp luật; cập nhật các văn bản quy định các chính sách ưu đãi về người có công.

Mô hình và dịch vụ công tác xã hội hỗ trợ, giúp đỡ người có công, gồm có: Mô hình và dịch vụ chăm sóc người có công tại các cơ sở nuôi dưỡng, chăm sóc phụng dưỡng, bao gồm các hoạt động cơ bản như tiếp nhận; thăm hỏi, động viên; tổ chức hoạt động vui chơi tập thể, duy trì mối liên hệ thường xuyên giữa người có công với người thân trong gia đình; chăm sóc, hướng dẫn người có công gặp khó khăn về tâm lý và tình cảm; ghi chép, lưu trữ hồ sơ; tổ chức rút kinh nghiệm.

Mô hình và dịch vụ chăm sóc người có công tại gia đình, cộng đồng, gồm các hoạt động như thăm hỏi, tìm hiểu nhu cầu, nguyện vọng; đánh giá, xác định vấn đề của người có công; tham vấn, điều chỉnh các mối quan hệ trong gia đình, trong cộng đồng với người có công. Đồng thời tạo môi trường gia đình, xã hội tôn vinh, kính trọng người có công; tập huấn, nâng cao kiến thức, kỹ năng chăm sóc họ cho các thành viên gia đình; khuyến khích người có công tham gia các CLB, các chương trình văn hóa, văn nghệ; giao lưu với thế hệ trẻ.

Nhân viên công tác xã hội cần có kỹ năng thu thập thông tin (thông tin từ các nguồn khác nhau; gợi mở, tiếp cận, tránh gây hiểu lầm, gây ra sự bực tức…); kỹ năng thấu hiểu (hiểu người có công theo cách cảm nhận của chính họ chứ không phải của nhân viên công tác xã hội; tôn trọng cảm xúc, quan điểm của người có công về giá trị, về niềm tin, suy nghĩ; tránh phê phán quan điểm, nhận thức của họ; thấu hiểu đầy đủ về người có công từ nhận thức, suy nghĩ đến cử chỉ, hành vi thể hiện ra bên ngoài…). Chung quy lại, công tác xã hội với người có công được thực hiện bởi tình yêu thương và sự biết ơn, cụ thể hóa bằng chất lượng dịch vụ theo hướng chuyên nghiệp, phù hợp và đồng bộ.

Th.S Công tác xã hội TRƯƠNG THỊ NHƯ HOA,
Trưởng phòng Người có công,
Sở Lao động -Thương binh và Xã hội

 

;
;
.
.
.
.
.