Nâng cao cảnh giác, đề cao trách nhiệm phòng, chống Covid-19

.

Trước diễn biễn phức tạp của dịch bệnh, chủ trì cuộc họp Thường trực Chính phủ về phòng, chống Covid-19 ngày 29-7, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, nêu cao tinh thần vào cuộc quyết liệt, hiệu quả của chính quyền các địa phương, không lơ là, chủ quan và nâng cao nhận thức, cảnh giác của người dân.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại cuộc họp. Ảnh: VGP
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại cuộc họp. Ảnh: VGP

Đã khoanh vùng được ổ dịch

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhận định, dịch bệnh lần này phức tạp có nguy cơ gia tăng do đã lây ra cộng đồng nhiều ngày và vẫn chưa tìm được ca F0. Đây là thực tế đáng lo ngại, bởi dịch bệnh có thể diễn biến rất nhanh trong thời gian ngắn và lan rộng ra nhiều địa phương. “Vì vậy, các bộ, ngành, địa phương cần phải nâng cao tinh thần cảnh giác, nâng cao trách nhiệm trước nhân dân về vấn đề này, đẩy mạnh tuyên truyền một cách đầy đủ về các biện pháp phòng, chống dịch để đề cao cảnh giác”, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chỉ đạo.

Thủ tướng yêu cầu Ban Chỉ đạo quốc gia phòng chống Covid-19, Bộ Y tế, các địa phương thực hiện nghiêm túc Công điện của Thường trực Ban Bí thư, lời kêu gọi của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước, chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, của Ban Chỉ đạo. Các địa phương phải nêu cao tinh thần cảnh giác. “Các đồng chí Bí thư, Chủ tịch phải ra tay, hệ thống chính trị phải vào cuộc và người dân phải cảnh giác thực hiện một số biện pháp đã được phổ biến”, Thủ tướng nhấn mạnh.

Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các bộ, ngành, địa phương tiếp tục quán triệt, thực hiện nghiêm túc các chỉ đạo của Trung ương trên cơ sở phù hợp với tình hình thực tế của địa phương. Các ngành y tế, tài chính và các địa phương cần bảo đảm năng lực cho hệ thống y tế, đặc biệt là phương tiện, công cụ trong xét nghiệm cũng như cán bộ có liên quan.

Phải đẩy mạnh truy vết và cách ly nhanh, nâng cao năng lực xét nghiệm không chỉ cho Đà Nẵng mà các địa phương khác khi có yêu cầu. Các địa phương đều phải tổ chức tốt quản lý dân cư, bảo đảm an ninh trật tự, đặc biệt là bảo đảm bình ổn giá cả, bảo đảm hàng hóa thiết yếu cho nhân dân, không để tình trạng lộn xộn xảy ra trên địa bàn của mình.

Liên quan đến tình hình dịch bệnh tại Đà Nẵng, trong ngày 29-7, Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng, chống Covid-19 đã họp và phân tích tình hình dịch tễ của địa phương. Các chuyên gia nhận định, Đà Nẵng sẽ còn tiếp tục ghi nhận các ca nhiễm mới nhưng về cơ bản đã khoanh vùng được ổ dịch thực sự. Theo đó, phần lớn ổ dịch từ cụm 3 cơ sở điều trị là Bệnh viện Đà Nẵng, Bệnh viện C Đà Nẵng và Bệnh viện Chấn thương, chỉnh hình. Bên cạnh việc tiếp tục theo dõi chặt chẽ ổ dịch tại 3 bệnh viện này, Ban Chỉ đạo lưu ý phải theo dõi sát các trường hợp không liên quan đến nhóm bệnh viện nêu trên và những địa điểm có các ca nhiễm từ các bệnh viện này đi qua. Nếu xuất hiện các ổ dịch mới phải có biện pháp xử lý kịp thời, cách ly, khoanh vùng dập dịch kịp thời, không để lây lan.

Bảo đảm cách ly, điều trị

Để đối phó với dịch bệnh, Ban Chỉ đạo phòng, chống Covid-19 thành phố tiếp tục quán triệt các địa phương, sở, ngành thực hiện nghiêm túc các biện pháp giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ. Đối với ngành y tế, công tác điều trị cho bệnh nhân, truy vết, lấy mẫu xét nghiệm và bảo đảm an toàn trong các địa điểm phong tỏa, cách ly, trong các bệnh viện được ưu tiên hàng đầu.

Để giảm tải, giãn cách và tạo khoảng cách an toàn trong phòng, chống Covid-19, trong ngày 29-7, Bệnh viện Đà Nẵng quyết định đưa 808 người nhà bệnh nhân đến các địa điểm cách ly trên địa bàn thành phố. Tại đây, người nhà bệnh nhân sẽ được các nhân viên y tế khu cách ly chăm sóc, theo dõi sức khỏe trong thời gian 14 ngày. Hiện không còn người nhà bệnh nhân bên trong Bệnh viện Đà Nẵng. Ngoài ra, bệnh viện cũng chuyển 552 bệnh nhân đến các Bệnh viện 199 (Bộ Công an), Bệnh viện Phổi, Bệnh viện Ung bướu, Bệnh viện Phụ sản - Nhi Đà Nẵng.

Hiện còn 673 bệnh nhân đang được theo dõi, cách ly và điều trị các bệnh lý nền trong Bệnh viện Đà Nẵng. Trong thời gian điều trị, cách ly không có người nhà bên cạnh, các nhân viên y tế sẽ đảm nhận việc chăm sóc chuyên môn, hỗ trợ, đỡ đần người bệnh trong sinh hoạt. Kể từ thời điểm thực hiện cách ly Bệnh viện Đà Nẵng (13 giờ ngày 26-7) đến nay, bệnh viện đã chuyển hơn 2.000 bệnh nhân và người nhà đến các khu cách ly để bảo đảm an toàn phòng, chống Covid-19, hạn chế lây nhiễm xảy ra trong bệnh viện.

Hiện Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) thành phố đang phối hợp với các cơ sở y tế tuyến dưới tiếp tục truy vết, xác minh các trường hợp tiếp xúc gần với bệnh nhân nhiễm Covid-19 để thực hiện cách ly, lấy mẫu xét nghiệm.

Bệnh nhân Bệnh viện Đà Nẵng được chuyển sang Bệnh viện 199 để vừa chạy thận vừa bảo đảm phòng, chống Covid-19.  Ảnh: P.C
Bệnh nhân Bệnh viện Đà Nẵng được chuyển sang Bệnh viện 199 để vừa chạy thận vừa bảo đảm phòng, chống Covid-19. Ảnh: P.C

Tại khu ký túc xá phía tây thành phố (quận Liên Chiểu), đến chiều 29-7 đang tiếp nhận cách ly 620 trường hợp tiếp xúc gần với các bệnh nhân nhiễm Covid-19. Theo ông Phan Trình, Trưởng phòng Y tế quận Liên Chiểu, trong thời gian tới, số trường hợp tiếp xúc gần với các bệnh nhân nhiễm Covid-19 đưa về đây thực hiện việc cách ly có thể lên đến 1.000 người. “Chúng tôi đã ban hành kế hoạch ngay từ khi có chỉ đạo của thành phố, trong đó 3 lực lượng chủ lực sẽ đảm bảo an toàn tại khu vực cách ly. Trong đó lực lượng quân đội bảo đảm hậu cần, chế độ ăn uống; lực lượng công an bảo đảm an ninh trật tự và lực lượng y tế theo dõi diễn biến sức khỏe của các trường hợp cách ly tại đây”, ông Trình cho biết.

Theo bác sĩ Ngô Thị Kim Yến, Giám đốc Sở Y tế, việc truy vết, điều tra các yếu tố dịch tễ đối với những trường hợp nhiễm Covid-19 vẫn đang được triển khai nhanh nhất có thể. Để nâng cao năng lực xét nghiệm, điều tra dịch tễ, CDC Đà Nẵng tiếp tục hỗ trợ, hướng dẫn về mặt chuyên môn đối với các Trung tâm Y tế quận, huyện và các đơn vị liên quan, phối hợp điều tra, thu thập thông tin những trường hợp tiếp xúc có nguy cơ. Ngoài ra, các Trung tâm Y tế quận, huyện chuẩn bị sẵn sàng các khu vực tiếp nhận cách ly, lấy mẫu xét nghiệm tác nhân Covid-19 với các trường hợp có biểu hiện ho, sốt, khó thở.

* Tính đến 18 giờ ngày 29-7, Việt Nam có tổng cộng 450 ca mắc Covid-19, trong đó 276 ca nhiễm nhập cảnh được cách ly ngay. Số lượng ca mắc mới trong cộng đồng tính từ ngày 25-7 đến nay: 34 ca. Số ca mắc mới trong cộng đồng ở Đà Nẵng tính từ ngày 25-7 đến nay: 27 ca. Trong số 450 ca mắc Covid-19, có 369 người đã khỏi, còn 81 người đang điều trị. Tổng số người tiếp xúc gần và nhập cảnh từ vùng dịch đang được theo dõi sức khỏe (cách ly): 16.248 người. Trong đó, cách ly tập trung tại bệnh viện: 375 người, cách ly tập trung tại cơ sở khác: 12.996 người, cách ly tại nhà/nơi lưu trú: 3.352 người. (Nguồn Bộ Y tế)

Tuân thủ nghiêm ngặt quy định tại khu cách ly

Theo ghi nhận, tại khu vực phong tỏa  Bệnh viện Đà Nẵng, Bệnh viện C Đà Nẵng và Bệnh viện Chấn thương, chỉnh hình, Sở Y tế yêu cầu Trung tâm Y tế quận Hải Châu phối hợp với CDC Đà Nẵng lập danh sách, theo dõi sát và lấy mẫu xét nghiệm kịp thời đối với những trường hợp có dấu hiệu nghi ngờ. “Các cơ quan, tổ chức có nhu cầu ra vào khu vực phong tỏa phải đăng ký với lực lượng công an để được xem xét về nhu cầu và hướng dẫn về thủ tục. Tất cả những trường hợp được phép vào vùng cách ly phải tuân thủ việc mang khẩu trang, sử dụng dung dịch sát khuẩn. Thức ăn, hàng hóa, vật dụng, nhu yếu phẩm… chuyển vào khu vực phong tỏa phải được đặt ở khu vực vùng đệm để người trong khu vực cách ly mang vào trong. Khi quay trở ra phải tháo bỏ khẩu trang đã sử dụng và thu gom vào nơi quy định tại chốt kiểm soát”, Giám đốc Sở Y tế Ngô Thị Kim Yến cho biết.

PHAN CHUNG

 

;
;
.
.
.
.
.