Thành ủy vừa ban hành Kế hoạch số 133-KH/TU ngày 8-7-2020 về triển khai Chỉ thị số 42-CT/TW ngày 24-3-2020 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng ngừa, ứng phó, khắc phục hậu quả thiên tai.
Theo đó, các cấp, ngành, địa phương cần tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy Đảng, sự phối hợp của các cấp chính quyền và các tổ chức chính trị - xã hội trong công tác phòng ngừa, ứng phó, khắc phục hậu quả thiên tai. Chú trọng nâng cao kiến thức về phòng ngừa, ứng phó, khắc phục hậu quả thiên tai cho cán bộ, đảng viên các cấp, nhất là ở cấp cơ sở; qua đó, tăng cường tuyên truyền đến người dân về những kỹ năng nhận biết thiên tai và cách ứng phó, nhất là người dân tại những khu vực vùng sâu, vùng xa, khu vực đồi núi, ven sông... dễ bị ảnh hưởng bởi thiên tai. Xác định rõ trách nhiệm, phân công, phân nhiệm cụ thể, nhất là thực hiện theo phương châm “4 tại chỗ”.
Rà soát, hoàn thiện hệ thống các văn bản quy phạm pháp luật, cơ chế, chính sách về phòng ngừa, ứng phó, khắc phục hậu quả thiên tai phù hợp với điều kiện thực tế của thành phố. Tiếp tục đầu tư xây dựng, củng cố hệ thống đê, kè chống sạt lở bờ sông, bờ biển; bảo đảm an toàn các hồ chứa nước, phát triển thủy lợi; tổ chức rà soát, có phương án, giải pháp hỗ trợ di dời, ổn định đời sống dân cư vùng có nguy cơ xảy ra thiên tai.
Nâng cao năng lực cảnh báo, dự báo khí tượng thủy văn, hệ thống theo dõi, giám sát thiên tai; tăng cường rà soát, cập nhật kịch bản biến đổi khí hậu, nước biển dâng, dự báo dài hạn về thiên tai, nguồn nước. Rà soát, cập nhật bản đồ vùng có nguy cơ rủi ro thiên tai thường niên như bão, lũ, xâm nhập mặn, sóng thần... có tính đến biến đổi khí hậu, nước biển dâng; đồng thời xây dựng hệ thống quan trắc, giám sát, cảnh báo sớm thiên tai tại những khu vực thường xuyên xảy ra thiên tai khẩn cấp. Tăng cường triển khai các hệ thống, ứng dụng thông minh để nâng cao năng lực giám sát, cảnh báo, dự báo và phòng, chống thiên tai. Đa dạng hóa việc huy động và sử dụng hiệu quả các nguồn lực đầu tư cho công tác phòng ngừa, ứng phó, khắc phục hậu quả thiên tai.
Cân đối ngân sách hằng năm để xây dựng, sửa chữa, củng cố đê, kè, kênh mương, hồ chứa thủy lợi, phòng chống sạt lở bờ sông, bờ biển... Rà soát, sắp xếp theo thứ tự ưu tiên để xây dựng kế hoạch đầu tư nâng cao khả năng chống chịu và hạn chế rủi ro thiên tai đối với hệ thống kết cấu hạ tầng thành phố, nhất là khả năng chống chịu bão mạnh, lũ lớn, xói lở, sạt lở, xâm nhập mặn...
Nâng cao vai trò, năng lực quản lý Nhà nước trên cơ sở củng cố, kiện toàn lực lượng làm công tác phòng ngừa, ứng phó, khắc phục hậu quả thiên tai các cấp từ thành phố đến cơ sở. Thúc đẩy hợp tác quốc tế gắn với chuyển giao, ứng dụng, phát triển khoa học công nghệ trong công tác phòng ngừa, ứng phó, khắc phục hậu quả thiên tai...
HOÀNG HIỆP