Ưu tiên quỹ đất cho văn hóa, thể thao

.

Hiện nay, quỹ đất dành cho hoạt động văn hóa, thể thao (VH-TT) đã được quy hoạch, phê duyệt mạng lưới từ cấp thành phố đến cơ sở. Tuy nhiên, có nhiều thiết chế văn hóa từ thành phố đến cơ sở dù đã được quy hoạch mạng lưới nhưng vẫn chưa được quy hoạch đất.

Đồ họa: TUYẾT ANH
Đồ họa: TUYẾT ANH

Theo bà Cao Thị Huyền Trân, Trưởng ban Văn hóa - Xã hội, HĐND thành phố, Phó trưởng đoàn giám sát chuyên đề “Công tác quy hoạch, đầu tư, quản lý và sử dụng các công trình, thiết chế VH-TT trên địa bàn thành phố Đà Nẵng”, trong giai đoạn 2015-2020, quỹ đất dành cho VH-TT được thành phố quan tâm bổ sung. Theo đó, so với năm 2015, đến năm 2020, quỹ đất dành cho lĩnh vực VH-TT tăng mạnh. Cụ thể, đất dành cho văn hóa tăng từ 28,3 ha lên 213,5 ha (tăng 185,2 ha); đất dành cho thể thao tăng từ 212,6 ha lên 285,1 ha (tăng 72,5 ha). Đặc biệt, trong Đồ án điều chỉnh quy hoạch chung thành phố Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 vừa được HĐND thành phố thông qua trình Thủ tướng Chính phủ xem xét phê duyệt, chỉ tiêu sử dụng đất cho VH-TT được chú trọng.

Đối với các công trình, thiết chế VH-TT từ cấp thành phố đến cơ sở cơ bản đến nay đã được quy hoạch mạng lưới. Trên cơ sở định hướng, quy hoạch của Chính phủ, UBND thành phố đã kịp thời, cụ thể hóa quy hoạch mạng lưới hệ thống các công trình, thiết chế VH-TT như: bảo tàng, thư viện, nhà hát, các cơ sở biểu diễn nghệ thuật, nhà văn hóa, rạp hát, khu liên hiệp thể thao đến các trung tâm văn hóa, thông tin và thể thao quận, trung tâm VH-TT phường, xã, nhà văn hóa thôn.

Tuy nhiên, qua kết quả giám sát cho thấy, diện tích đất dành cho VH-TT tuy có tăng so với năm 2015 nhưng vẫn chưa đạt tiêu chuẩn của quốc gia phân bổ. Cụ thể, đất văn hóa thấp hơn 31,5ha, đất thể dục thể thao thấp hơn 3,9ha; quỹ đất dành cho VH-TT tại các khu vực trung tâm thành phố rất hạn chế.

Báo cáo tại cuộc họp giám sát chuyên đề giữa HĐND thành phố và các cơ quan chức năng với Sở VH-TT ngày 9-6, Phó Giám đốc Sở VH-TT Hà Vỹ cho biết, đối với đất bố trí cho Nhà hát lớn và Trung tâm văn hóa biểu diễn nghệ thuật thành phố, từ năm 2014, UBND thành phố đã bố trí đất xây dựng tại Khu đô thị Đa Phước (phường Thuận Phước, quận Hải Châu) với khoảng 12ha.

Tuy nhiên, do dự án Khu đô thị Đa Phước đang trong tình trạng thanh tra toàn diện nên dự án Nhà hát lớn và Trung tâm văn hóa biểu diễn nghệ thuật thành phố chưa thể triển khai. Đất dành cho thiết chế VH-TT cấp xã, phường hiện nay một số vị trí đã bị thay đổi chức năng sử dụng, vướng đền bù giải tỏa hoặc chưa được bố trí do dự án chưa được triển khai (quận Hải Châu có 6 vị trí thay đổi, quận Thanh Khê có 4 vị trí thay đổi, quận Cẩm Lệ có 1 vị trí thay đổi, quận Sơn Trà có 3 vị trí, huyện Hòa Vang có 1 vị trí). Đất dành cho thiết chế VH-TT phục vụ thanh, thiếu niên, nhi đồng, công nhân, viên chức, người lao động quận, huyện vẫn chưa được bố trí.

Phát biểu tại cuộc họp giám sát chuyên đề ngày 9-6, Giám đốc Sở VH-TT Huỳnh Văn Hùng cho biết, bức xúc nhất hiện nay là quỹ đất dành cho VH-TT còn thiếu. “Trong những năm qua, chúng tôi kiến nghị liên tục để giữ đất cho văn hóa. Đà Nẵng không chỉ xây dựng thiết chế văn hóa cho riêng Đà Nẵng, mà là cả khu vực, cho cả nước. Sau này, sẽ có những sự kiện thể thao mang tầm quốc tế được tổ chức, phải tính như thế”, ông Hùng nói.

Báo cáo giám sát chuyên đề của Ban Văn hóa - Xã hội, HĐND thành phố cho thấy, theo Quyết định số 2054/QĐ-TTg ngày 13-11-2014 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển văn hóa, gia đình, thể dục thể thao và du lịch vùng kinh tế trọng điểm miền Trung đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 sẽ đầu tư xây dựng Nhà hát lớn, Trung tâm văn hóa biểu diễn nghệ thuật, Khu phức hợp nghệ thuật xiếc cấp vùng, Thư viện Khoa học Tổng hợp cấp vùng tại Đà Nẵng, nhưng đến nay chưa có công trình nào được đầu tư hoặc kêu gọi đầu tư. Trung tâm Văn hóa - Điện ảnh thành phố, Nhà văn hóa thiếu nhi các quận, Nhà văn hóa lao động các quận, các thiết chế VH-TT phục vụ công nhân tại các khu công nghiệp, một số nhà văn hóa, khu thể thao ở phường, xã đều chưa được bố trí đất.

Trên cơ sở định hướng, quy hoạch của Chính phủ, UBND thành phố đã kịp thời, cụ thể hóa quy hoạch mạng lưới hệ thống các công trình, thiết chế VH-TT để phục vụ người dân tốt hơn.  Trong ảnh: Bạn đọc tại Thư viện Khoa học tổng hợp thành phố. Ảnh: NGỌC Hà
Trên cơ sở định hướng, quy hoạch của Chính phủ, UBND thành phố đã kịp thời, cụ thể hóa quy hoạch mạng lưới hệ thống các công trình, thiết chế VH-TT để phục vụ người dân tốt hơn. Trong ảnh: Bạn đọc tại Thư viện Khoa học tổng hợp thành phố. Ảnh: NGỌC HÀ

Cùng với đó, việc quy hoạch thiếu tính tổng thể, chưa đồng bộ dẫn đến nhiều vị trí quy hoạch chưa phù hợp, diện tích quy hoạch chưa bảo đảm theo quy định. Công tác quản lý quy hoạch còn bất cập, thiếu tính ổn định, bền vững khiến thay đổi, điều chỉnh quy hoạch, chuyển đổi mục đích sử dụng đất đối với đất đã quy hoạch cho thiết chế VH-TT ở cơ sở sau quy hoạch.

Theo Phó Chủ tịch UBND quận Sơn Trà Nguyễn Đắc Xứng, hiện nay quận Sơn Trà còn thiếu bổ sung quy hoạch mạng lưới thiết chế văn hóa đối với vị trí Trung tâm VH-TT phường Phước Mỹ. UBND quận đang đề nghị Sở VH-TT và Sở Xây dựng kiến nghị thành phố sớm phê duyệt bổ sung. Quận cũng kiến nghị thành phố, các đơn vị liên quan sớm đầu tư xây dựng hoàn thiện Nhà văn hóa lao động tại quận Sơn Trà.
Theo bà Cao Thị Huyền Trân, trước những tồn tại, bất cập kể trên, đoàn giám sát chuyên đề đã có kiến nghị với các cơ quan chức năng.

Theo đó, kiến nghị UBND thành phố cụ thể hóa quy hoạch các công trình, thiết chế VH-TT trong quá trình lập đồ án quy hoạch phân khu, quy hoạch chi tiết, thiết kế đô thị; bảo đảm đất cho VH-TT không chuyển đổi mục đích sử dụng đất sau quy hoạch; rà soát, điều chỉnh tiến độ, mục tiêu hoàn thiện thiết chế VH-TT cơ sở. Đối với các vị trí đất đã được quy hoạch, chưa đầu tư xây dựng, cần xem xét lại việc quy hoạch và đầu tư các thiết chế VH-TT cấp phường theo cụm dân cư; bổ sung quỹ đất đối với các vị trí đã thu hồi, thay đổi mục đích sử dụng.

TRỌNG HUY

;
;
.
.
.
.
.